Bí ẩn trên chóp đỉnh Fansipan - Nóc nhà Đông Dương
Độ cao chính xác của Fansipan? Trên đỉnh Nóc nhà Đông Dương từng có bao nhiêu chóp đỉnh, ghi những gì, do ai dựng, tự bao giờ?... Còn rất nhiều câu hỏi dành cho những người yêu Fansipan khám phá, chinh phục.
Sa mạc bỗng rực rỡ cánh đồng hoa cẩm quỳ sau hàng thế kỉ không mưa / Mùa đông, trăm hoa vẫn đua nở trên đất Việt Nam
Tồn nghi
Fansipan không chỉ là đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà còn được mệnh danh là Nóc nhà Đông Dương. Đứng trên đỉnh Fansipan sau một hành trình leo núi gian khổ, trong tôi vẫn tồn nghi không ít những câu hỏi mà bấy lâu nay chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Tôi đang đứng trên độ cao bao nhiêu? Có đúng là 3.143 m như hàng chữ “Fansipan 3.143 m” ghi trên chóp đỉnh núi? Tính từ trước đến nay, đỉnh Fansipan từng có bao nhiêu chiếc chóp đỉnh núi, do ai đặt và tự bao giờ?
Thêm nữa, nhà văn Nguyễn Tuân được biết đến là "Nhà văn Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh Fansipan" thực sự đã chạm tay vào các đỉnh chóp đó, hay chỉ mới lên đến bãi đất bằng phẳng còn cách chóp đỉnh 150 m dốc ngược nữa?
Ngôi miếu nhỏ có ghi hàng chữ "Sơn thần Thổ địa bản cảnh nước Nam" nằm ở góc nào trên đỉnh núi? Bức tượng Trịnh Công Sơn từng được đặt trên đó, nay ở đâu? Nó nằm trên chóp đỉnh Fansipan hay chỉ ở sườn đồi, nơi có bãi đất bằng mà người Pháp thường dùng trực thăng bay lên cắm trại?
Giai thoại
Theo hồi ức của nhà văn Tô Hoài, vào năm 1964, đôi đầu gối lão luyện giang hồ của Nguyễn Tuân đã chinh phục đỉnh Fansipan, khi đi theo một đoàn cán bộ nghề rừng.
Thư gửi cho Tô Hoài, Nguyễn Tuân viết: “Hoài. Mình leo Hoàng Liên Sơn cả lên cả xuống mất 5 ngày. Người đang mệt và đau gối (…). Mình ở trên đỉnh cao nhất, được thấy hoa đỗ quyên nở rất đẹp. Đỗ quyên màu hồng điều, cánh sen vàng nở giữa rừng trúc phất trần.
Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi. Hết 2/3 lạng cao hổ cốt rồi. Nguyễn Tuân”.
Từ hơn 10 năm trước đó, Nguyễn Tuân đã bị bệnh thấp khớp, đi lại luôn phải có thêm gậy đỡ, nên ông có cả một bộ sưu tập ba-toong. Chiếc ba-toong Nguyễn Tuân dùng để chống khi lên núi Fansipan phải chăng là chiếc gậy song Sa Pa màu vàng cánh gián có khắc tên những nơi đã đi qua như Matxcơva, Sôphia, Vécna…?
Hiện có một giai thoại: Đi Fansipan về, Nguyễn Tuân đến ngay nhà Văn Cao khoe: “Mình mới lên Phanxipăng về”. Văn Cao đang ốm, nghe vậy, bật choàng dậy, hỏi: “Trên ấy chẳng có gì chứ gì?”. Nguyễn Tuân “ừ” rồi cả hai chuyển sang nói chuyện khác.
Bản chất của tiếng “ừ” trong câu chuyện của hai con người nổi tiếng tài hoa, lịch duyệt, cùng chung thú sông hồ và rất quý mến nhau này là gì, người nghe chỉ có thể phỏng đoán.
Chỉ biết rằng, một năm sau Nguyễn Tuân và Văn Cao cùng nhau lên Sa Pa ngắm cảnh Fansipan. Được ít ngày, Văn Cao lại ốm sốt, Nguyễn Tuân phải đưa bạn về Lào Cai lấy vé tàu xuôi Hà Nội một mình, dẫu vẫn “muốn ở lại ngắm mãi Fansipan”.
Không hiểu ngày trước, lên Fansipan, Nguyễn Tuân có thấy chiếc chóp nào khác không, khi ông cho rằng, Fansipan cao 3.142 m?
Tôi đồ rằng, Nguyễn Tuân “lóp ngóp lên tới tuyến đỉnh Fansipan” chỉ để thỏa chí ngắm “núi cao tột đỉnh” chứ không phải để được người ta xưng tụng là “nhà văn Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh Fansipan”.
Là một bậc thầy về ngôn ngữ, Nguyễn Tuân cũng rất cẩn trọng khi dùng chữ "tuyến đỉnh" chứ không phải "chóp đỉnh", khi nói về hành trình chinh phục đỉnh Fansipan của mình.
Trịnh Công Sơn, người nghệ sĩ tài hoa suốt một đời lãng du cùng tình yêu, quê hương và thân phận cũng từng “có mặt” trên Fansipan.
Khoảng mùa xuân năm 2001 hay 2002, người ca sĩ bé nhỏ gắn bó với ông suốt những năm cuối đời đã cùng một đoàn rồng rắn mấy mươi người từ Sài Gòn ra, hì hục leo lên đỉnh núi, đem theo bức tượng bán thân của Trịnh Công Sơn.
Bức tượng được đặt lại trong kẽ đá, phía trên ngôi miếu nhỏ có khắc vào đá dòng chữ Nho “Sơn thần Thổ địa bản cảnh nước Nam”. Có thể ngay những người đặt tượng cũng không hề hay biết, nơi mình gắn bức tượng cũng chỉ cách vết tích của dòng chữ định vị độ cao mà người Pháp để lại, chỉ chừng 2 m. Nhưng cũng không được bao lâu, tượng bị rơi xuống vách núi mà không ai dựng lại.
Rồi từ độ ấy, không hiểu “Em còn nhớ hay em đã quên”, suốt 10 năm sau người ca sĩ chưa thêm một lần rời chốn bụi trần trở lại cao sơn, để biết bức tượng thần tượng của mình thực sự đã trở về cát bụi... Chẳng rõ rồi khi Fansipan đã có cáp treo, bóng hồng ấy đã thêm một lần trở lại với đỉnh Fansipan?
Những khám phá ban đầu của tôi, chiếc chóp đầu tiên là khi người Pháp lần đầu tiên đặt chân lên đây đã tráng một lớp bê tông hình chữ nhật, chỉ nhô cao khỏi mặt đá vài cm, ghi độ cao của núi. Hiện nay, trên nhiều đỉnh cao hơn 2.000 m của Hoàng Liên Sơn vẫn còn những dấu vết tương tự, nếu nhiệt tình khám phá vẫn có thể phát hiện.
Trải hơn 100 năm, hình vuông ấy đã mất, nhưng nếu nhìn kỹ trên phiến đá lớn của đỉnh Fansipan vẫn có thể nhận ra tàn tích. Đó là dấu vết xi măng còn mờ nhưng rõ nét nổi lên trên mặt phiến đá lớn nhất đỉnh núi. Theo những tư liệu đáng tin cậy, người Pháp đã đề lên chóp đỉnh ấy độ cao 3.143,6 m.
Chiếc chóp thứ 2 được dựng vào khoảng năm 1960. Khi đó, 3 nhà địa chất người Ba Lan đầu tiên đặt chân lên đây đã mang theo 3 tấm đuy-ra để làm mốc đánh dấu. Không rõ những người Ba Lan xác định độ cao của Fansipan là bao nhiêu. Những tấm đuy-ra này hiện nay không còn.
Chiếc chóp thứ 3 - chiếc chóp nổi tiếng nhất – là do một đoàn leo núi người Nga và Đức dựng năm 1984. Đó là một khối hợp kim nhôm cao 70 cm, đáy rộng 50 cm, nặng chừng 9 kg, hình kim tự tháp có màu trắng sáng rất đẹp. Trên chiếc chóp này, độ cao của Fansipan được ghi là 3.143 m.
Nghe nói, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã đưa chiếc chóp này về bảo tàng để bảo quản. Có lẽ vì duy nhất chiếc chóp này là có thể mang vác, xê dịch được, hơn nữa, nhiều du khách không đủ sức trèo lên đến nơi, thường thuê người vác xuống quãng núi thấp mà chụp ảnh, rất có thể bị mất nên Vườn phải cất đi chăng?
Năm 2008, một nhóm người “yêu Fansipan” thiết kế và làm một chiếc chóp khác tương tự để đem lên Fansipan đặt lại. Chóp (thứ 8) được làm bằng inox 303, có kích thước đáy mỗi cạnh là 60 cm, chiều cao 90 cm và nặng 27 kg, chân đế có bắt vít để tránh bị xê dịch.
Chiếc chóp thứ 4 là do Cục Bản đồ của Quân đội dựng vào năm 2005 để xác định mốc tọa độ. Chóp làm bằng bê tông ốp đá granít đỏ hồng, hình trụ 4 cạnh, chỉ cao chừng 40 cm, có một dấu đồng hình tròn trên đỉnh, đặt khiêm tốn trong kẽ đá.
Không thấy chóp đề độ cao, nhưng theo giới thạo tin, mốc tọa độ này là 3.144,8 m, tương đương với độ cao mà năm 1968, người Mỹ đã đo bằng vệ tinh để xác định tọa độ cho máy bay bắn phá miền Bắc.
Đáng buồn, dẫu vẫn còn trên đỉnh Phanxipăng nhưng hiện nay chiếc chóp này đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Chóp đã bị đập mất một cạnh, rạn vỡ ngang thân, hoang tàn như phế tích.
Mấy năm trước, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã dựng một chiếc chóp ốp đá đặt ngay đúng vị trí với chiếc chóp đá bây giờ nhưng nhỏ hơn nhiều. Đây là chiếc chóp đỉnh thứ 5 được đặt trên Fansipan?
Chiếc chóp ấy cũng bị đập phá nên trước thời điểm diễn ra cuộc thi leo núi quốc tế chinh phục đỉnh Phanxipăng ngày 14/4/2007, Vườn làm mới lại bằng một chóp đỉnh mới thứ 6, ốp đá granite, khá lớn. Vẫn như chiếc chóp cũ, chóp này trịnh trọng ghi rõ độ cao 3.143 m.
Hiện nay, ngành du lịch Sa Pa, Lào Cai đã đầu tư nhiều cho tuyến du lịch khám phá đỉnh Fansipan, hàng vạn người đã có thể chinh phục đỉnh cao ấy bằng cáp treo. Nhưng những tồn nghi trên dường như vẫn chưa có được lời giải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Cột tin quảng cáo