Khám phá

Bí ẩn về bữa ăn của quái vật Megalodon được hé lộ: Không chỉ săn cá voi như ta từng nghĩ

DNVN - Suốt 20 triệu năm thống trị đại dương, Megalodon được xem là loài siêu săn mồi không đối thủ. Nhưng một nghiên cứu mới vừa công bố đã khiến giới khoa học ngỡ ngàng: thực đơn của "quái vật thời tiền sử" này đa dạng hơn nhiều so với suy đoán trước đây.

Vì sao con người lại có những giấc mơ hỗn loạn khi ngủ? Có ẩn ý sâu xa nào phía sau? / CLIP: Chạm trán trăn khổng lồ, cá sấu caiman bị kẻ thù nuốt chửng

Từ lâu, các nhà khoa học tin rằng con mồi ưa thích của Megalodon là cá voi. Điều đó không sai, Megalodon có thể hạ gục cá voi trưởng thành nhưng nghiên cứu mới chỉ ra rằng loài cá mập khổng lồ này không hề “kén ăn”.

“Chúng tôi nhận thấy Megalodon là loài săn mồi tổng quát, có thể linh hoạt tùy chỉnh khẩu phần tùy theo những gì có sẵn trong môi trường,” nhà địa chất học Jeremy McCormack từ Đại học Goethe Frankfurt (Đức) cho biết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì phần lớn bộ xương Megalodon làm bằng sụn và không bảo tồn tốt theo thời gian, thứ duy nhất còn sót lại là những chiếc răng khổng lồ – may mắn thay, đó cũng chính là “hộp đen” tiết lộ bí mật về chế độ ăn của loài này.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ các đồng vị kẽm – cụ thể là zinc-64 và zinc-66 – trong răng hóa thạch của Megalodon, rồi so sánh với các loài cá mập hiện đại. Theo cơ chế tích tụ đồng vị trong chuỗi thức ăn, các loài ở đỉnh tháp thực phẩm sẽ có tỷ lệ zinc-66 thấp hơn.

Và đúng như dự đoán, răng Megalodon thể hiện tỷ lệ zinc-66 rất thấp – xác nhận vị thế siêu săn mồi. Nhưng điều bất ngờ là tỷ lệ này không cách biệt quá lớn với các loài nằm dưới đáy chuỗi thức ăn. Điều đó cho thấy Megalodon không chỉ nhắm vào “món ngon thượng hạng” mà còn sẵn sàng ăn cả những loài “tầm trung” nếu cần.

Nghiên cứu cũng phát hiện Megalodon không có chế độ ăn thống nhất. Những mẫu răng tìm thấy ở Passau (Đức) cho thấy chúng ăn nhiều hơn ở các tầng thấp của chuỗi thực phẩm, khác hẳn với những quần thể ở nơi khác. Một lần nữa, sự linh hoạt lại được nhấn mạnh.

 

Sự linh hoạt ấy khiến các nhà khoa học liên tưởng đến cá mập trắng ngày nay – một loài săn mồi cơ hội có khả năng ăn đa dạng con mồi. Trớ trêu thay, chính sự trỗi dậy của cá mập trắng hàng triệu năm trước có thể là một phần nguyên nhân khiến Megalodon bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng vì mất dần ưu thế sinh tồn.

“Một phát hiện quan trọng từ nghiên cứu này là ngay cả những loài siêu săn mồi như Megalodon cũng không thể miễn nhiễm với sự tuyệt chủng,” nhà cổ sinh vật học Kenshu Shimada từ Đại học DePaul (Mỹ) nhận định. “Đó là lời nhắc nhở về sự mong manh của chuỗi thức ăn trong tự nhiên và những thay đổi sâu sắc trong hệ sinh thái biển qua hàng triệu năm.”

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Earth and Planetary Science Letters.

Như Ý (Live Science)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm