Bí mật kinh hoàng trong ngôi nhà có 3.000 ‘con ma’ khiến 10 người phát điên ở Hải Phòng
Cặp đôi dị hợp nhất lịch sử Trung Hoa: Đức vua ngu si và hoàng hậu hoang dâm xấu "ma chê quỷ hờn" / Câu chuyện ma quái về ngôi nhà số 81 ở Bắc Kinh
Năm 2010, Báo điện tử VTC News đã lần đầu tiên có bài viết về người mẹ già và 10 người con điên ở Hải Phòng. Đó là bà Nguyễn Thị Nở. Từ đó đến nay, có rất nhiều đoàn thể, tổ chức đã giúp đỡ, người sửa sang giúp nhà, người cho gạo, người trợ cấp chút ít hàng tháng, cuộc sống của bà Nở bớt được phần nào khó khăn.
Thế nhưng, đi cùng với câu chuyện về người đàn bà có 10 người con điên khùng, thì ngôi nhà của bà “bỗng dưng” trở nên nổi tiếng khắp đất cảng, bởi sau bài viết đó, rất nhiều thầy bà tìm đến xem xét nhà cửa, đất cát, tìm nguyên nhân khiến 10 người con của bà điên khùng.
Điều đặc biệt là thầy bà nào cũng “nhìn” thấy rất nhiều ma ở trong ngôi nhà đó. Người bảo có 100 con ma, người bảo có 300 con ma và đặc biệt, một ông sư ở Hà Nội mới đây bảo có tới 3.000 con ma trong ngôi nhà nhỏ xíu này.
Câu chuyện về ngôi nhà của bà Nở ngày càng trở nên kinh dị, khiến người dân cả xóm không dám vào ngôi nhà này. Đi qua ngôi nhà đó họ cũng rảo bước thật nhanh. Những câu chuyện đồn thổi rả rích đầu ngõ, cuối phố khiến ai đi qua ngôi nhà ấy cũng phải dựng tóc gáy.
Tôi đứng trước cái cổng sắt hoen rỉ đóng hờ, của ngôi nhà cuối ngõ 239 phố Đà Nẵng (TP. Hải Phòng), cũ nát, tường lở loang lổ gọi cửa. Bà Nở gầy còm nhom, tóc bạc nhiều phần lẫm chẫm mở cửa, đón khách. Gặp từ 8 năm trước, thế mà bà vẫn nhận ra tôi.
Căn nhà tối om. Màn buông. Trưa rồi, mà cô con gái út tên Bích vẫn nằm còng queo trong chăn, màn trùm kín. Thấy khách lạ, Bích thò đầu ra ngó, rồi lại cuộn vào chăn ngủ tiếp.
Bà Nở bảo, bình thường bà lang thang xin ăn, nhưng mấy hôm nay yếu quá, nên ở nhà. Bích cũng đi bệnh viện tâm thần Vĩnh Bảo mấy tháng, bệnh đỡ, thì về ở với mẹ. Bích cứ lên cơn vài tháng, thì bà lại đưa đi viện. Tỉnh táo, thì Bích tự tìm về. Không về, cũng bị đuổi vì chẳng có tiền mà ở viện.
Trong căn nhà rộng chừng 30 mét vuông thứ đáng giá nhất là chiếc xe đạp của cô gái Phạm Thị Bích lúc tỉnh lúc điên. Có lẽ, để hoang ngôi nhà này, may ra có mấy bà đồng nát xấu bụng nhặt được mấy cái xoong méo mó.
Sống giữa thành phố hoa lệ, song bà Nở vẫn đun bếp bằng củi, khói bay mù mịt, làm nức mũi hàng xóm. Bà Nở giải thích: “Gạo ăn còn chẳng có, cháu bảo lấy tiền đâu mà mua gas, mua than. Cô phải đi dọc hai bờ sông Cấm, xem có miếng củi nào dạt vào bờ thì vớt lên phơi, phơi khô thì chẻ ra, bó lại, vác về chất trong bếp đun dần. Hàng xóm xung quanh cũng tốt bụng, ai có giường tủ, bàn ghế mục nát, cũng để dành cho cô. Giường của người chết họ cũng không đốt, không thả trôi sông, mà cho cô chẻ ra đun. Mấy cái chiếu mới trải tạm xuống nền nhà để mấy mẹ con ngủ cũng là của người chết bố thí cho đấy”.
Tôi ngồi xuống manh chiếu của gia đình có người mới chết cho để trò chuyện với bà. Bà Nở ngồi thu lu ở góc nhà, đôi mắt đục buồn nhìn vào bốn bức vách. Tôi hỏi chuyện bà Nở, cô con gái Phạm Thị Bích thi thoảng lại thò đầu khỏi chăn tranh trả lời thay mẹ.
Tôi hỏi mấy câu về cuộc đời bà, theo thói quen, rằng đời bà lúc nào thấy khổ nhất, bà Nở chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bà bảo: “Suốt đời cô, cô chả thấy lúc nào sướng, lúc nào cũng khổ, cũng không biết lúc nào là khổ nhất cả. 75 tuổi rồi, cô vẫn phải đi ăn mày để nuôi thân, nuôi con, mà con toàn điên, thì cháu bảo đến bao giờ cô mới hết khổ. Không biết, chết đi rồi, ở kiếp khác, cô có khổ nữa không nhỉ?”.
Bà Nguyễn Thị Nở sinh năm 1945, đúng vào năm cả nước chết đói, chết như ngả rạ. Quê bà ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Bố mẹ là bần nông. Nghèo đói, rách nát. Người mẹ sinh tới 6 người con, nhưng cả 6 người con cứ chập chững biết đi thì lăn ra chết. Bà Nở là người con thứ 7.
Lúc bé Nở vừa ra đời, thì ông bố bỗng dưng lăn ra chết. Người thì đồn rằng, vợ đẻ, ông sung sướng quá nên lăn ra chết, người thì bảo ông lo nghĩ nhiều quá, sợ đứa con thứ 7 này cũng sẽ có số phận giống anh chị, nên ông lăn ra chết. Cũng có thể đói quá mà chết.
Thời điểm bé Nở ra đời, nhà không có gì ăn, cả làng chết đói, thế mà cô bé Nở vẫn sống. Dân làng bảo Nở là người giời, không có gì ăn suốt một tuần mà không chết, cứ khóc oe oe. Bà Nở bảo, đời bà là vậy, sinh ra đã đói, đã khổ rồi.
Hồi bé Nở tròn 1 tuổi, đói quá, mẹ ra đồng mò cua kiếm ăn. Đang bắt cua, trời mưa, nên bà chạy về nhà xúc thóc cất đi. Bà dùng cào kéo thóc, máy bay địch càn qua làng, tưởng có người cầm súng, nên bắn xối xả. Mẹ bé Nở trúng đạn. Viên đạn xuyên từ nách xuống rốn. Bà ngoại bế bé Nở chạy sang. Mẹ bé Nở nằm chết trên vũng máu. Dân làng phải dùng dao nạy mãi mới moi được viên đạn ra khỏi nách mẹ. Bà ngoại và cậu nuôi bé Nở. Tuy nhiên, năm bé Nở 3 tuổi, bà ngoại chết. Cậu bán bé Nở cho nhà địa chủ. Bé Nở làm con ở từ đó. Năm 11 tuổi, cải cách ruộng đất, gia đình địa chủ bỏ đi nơi khác, bé Nở về ở với cậu.
Năm Nở 12 tuổi, người cậu nghèo quá, không nuôi được, nên đem Nở cho một người ở Hải Phòng làm con nuôi. Người mẹ nuôi là công nhân của nhà máy xi măng dưới Hải Phòng. Hàng ngày, Nở giúp mẹ làm công việc quét dọn trong nhà máy, rồi đun nước sôi bán kiếm thêm.
Tại đây, bà Nở đã quen và lấy ông Phạm Văn Phong, là công nhân bốc vác ở nhà máy. Ông Phong quê gốc ở Hà Nội, nhưng bố theo Tây, có tội với dân tộc, nên phải bỏ nhà, dạt xuống Hải Phòng làm thuê kiếm sống.
Ngồi trong ngôi nhà lạnh lẽo, bà Nở bảo rằng, nguyên nhân 10 người con của bà bị tâm thần vì trong nhà bà có... ma, thậm chí có tới 3.000 con ma. Bà tin rằng, ma trú ngụ nhung nhúc trong ngôi nhà tin hin của bà, ma chui đầy dưới lòng đất, ngồi đầy trên mái nhà. Thậm chí, mảnh đất bà ở, ngay dưới cái giường vợ chồng, con cái bà ngủ bị người Tàu yểm bùa. Mà bùa ấy khủng khiếp lắm, không thể gỡ nổi.
Bà Nở bảo rằng, bà tin là trong nhà bà có ma thật, bị yểm bùa thật. Chuyện này cả cụm dân cư, cả vùng đều biết rõ rồi. Thế nên, chả có ai dám bước chân vào nhà này, chứ đừng nói đến chuyện dám đến ở.
Lời bà Nở nói quả không sai. Khi tôi ngồi trò chuyện với bà, một số người hàng xóm biết, tò mò kéo sang. Tuy nhiên, họ chỉ đứng ngoài cổng dòm ngó, thi thoảng nói vọng vào vài câu, rồi lại đi mất.
Chiếc cổng xộc xệch nhà bà mở toang, nhưng không thấy ai dám thò một chân vào. Người dân trong vùng sợ ngôi nhà này đến nỗi, giá trị mảnh đất vuông vắn, rộng 60 mét vuông của bà, lẽ ra có giá bạc tỉ, mà chỉ được trả có… 5 triệu đồng.
Chuyện bán nhà kể lại cho vui: Hồi năm 2010, khi đó đất sốt cao, một là sợ ma quỷ quá, hai là túng thiếu quá, nên bà Nở quyết định rao bán nhà để kiếm mảnh đất ở quê, cách xa chỗ này, mong những đứa con hết bị ma ám, biết đâu lại khỏi điên. Hoặc bán nhà, có tiền thì chữa bệnh cho con, còn bà ra gầm cầu Bính, Cầu Niệm, Cầu Rào trú ngụ, hay rúc vào góc chợ ở với bọn nghiện cũng được.
Bà rao bán một hồi, thì có người tìm đến hỏi mua. Anh này sau khi xem xét thì trả giá 200 ngàn một mét vuông. Tính ra, miếng đất của bà, tổng cộng 60 mét vuông, vậy vị chi là 12 triệu đồng! Rẻ quá, bà không bán.
Thời gian sau, lại có ông khách nữa tìm đến ngó nghiêng. Bà cứ nói thẳng là ngôi nhà này có ma, không sợ ma thì hãy mua. Anh này bảo, trời không sợ, đất không sợ, sợ quái gì ma. Tuy nhiên, vì trong nhà lắm ma, nên anh ta chỉ trả giá 5 triệu đồng.
Bà Nở cứ lăn tăn, rằng sao trên đời lại có người đang tâm thế nhỉ? Thôi thì, mẹ con bà đành chấp nhận sống chung với… ma. Chứ bán ngôi nhà được mấy triệu bạc như thế, thì chỉ ăn mấy bữa là hết.
Còn tiếp…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ