Bí mật về nhà thờ Mộ Thánh: Huyền thoại hằng định ngàn năm
Tản mạn từ huyền tích Ðá Bia / Thầy thuốc cổ truyền Madagascar được "ma" truyền nghề?
Một nhóm chuyên gia khảo cổ người Hy Lạp tiến hành bảo tồn và tu sửa Nhà thờ Mộ Thánh với phần công việc quan trọng nhất là dỡ phiến đá đậy trên ngôi mộ huyền thoại này.
Theo nghiên cứu của giới sử học, vào đầu thế kỷ thứ II, tại vị trí của nhà thờ hiện nay là đền thờ nữ thần Aphrodite. Trong quyển "Đế chế Constantine", sử gia Eusebius cho rằng địa điểm nhà thờ này vốn là một nơi hành lễ của Kitô giáo, nhưng Hoàng đế Hadrianus do thù ghét Kitô giáo đã cho đổ đất lấp những nơi mang dấu tích của Kitô giáo rồi xây đền thờ của riêng ông trên đó.
Nhà làm phim Simcha Jacobovici kiểm tra một phần khu mộ. |
Một giả thuyết khác cho rằng, đền thờ nữ thần Aphrodite được xây dựng trong cuộc tái thiết Jerusalem sau cuộc Chiến tranh Do Thái - La Mã thứ nhất diễn ra năm 70 sau công nguyên. Khoảng năm 325-326, Hoàng đế Constantine I ra lệnh phá đền thờ Aphrodite rồi ra lệnh cho vị giám mục địa phương xây một nhà thờ trên địa điểm này. Năm 333, một vương cung Thánh đường lộng lẫy ra đời, Hoàng đế Constantine còn cho mẹ ông, Hoàng thái hậu Helena, xây các nhà thờ trên những địa điểm tưởng nhớ tới cuộc đời của Chúa Giêsu.
Thật ra, bà đã đóng góp trí tuệ và công sức từ năm 326 trong việc xây dựng nhà thờ này. Tương truyền, trong một lần tiến hành xây cột móng, Hoàng thái hậu Helena đã phát hiện Thập tự giá và ngôi mộ chôn Chúa Giêsu. Cũng giống như Nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem (cũng do Hoàng đế Constantine và Helena thiết lập) để tưởng nhớ việc đản sinh của Chúa Giêsu, thì Nhà thờ Mộ Thánh là thánh tích tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Nơi có di tích của một "ngôi mộ đục vào trong núi đá" được hậu thế đặt tên là Holy Rock mà Hoàng thái hậu Helena và viên giám mục xác định là mộ mai táng Chúa Giêsu được bao bọc hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, vì vậy nhóm chuyên gia khảo cổ phải tìm cách thâm nhập vào tàn tích của ngôi mộ rộng chỉ vài mét vuông.
Mái vòm của nhà nguyện xây bên trên mộ Chúa Jesus. Ảnh: The Washington Post. |
Trước hết, họ sẽ phải làm sạch lớp bồ hóng tích tụ từ hàng trăm năm qua do những ngọn nến được các thế hệ chức sắc tôn giáo và hàng triệu triệu tín đồ hành hương về đây từ hàng bao thế kỷ qua thắp lên trong nhà thờ.
Việc bảo tồn, sửa chữa các công trình, chi tiết bên trong nhà thờ từ trước đến nay thường bị trì hoãn trong nhiều thập kỷ, nhiều sự việc tưởng chừng đơn giản nhưng bị nghiêm trọng hóa theo quan điểm từ các chức sắc tôn giáo, dẫn đến các biến cố khó quên.
Theo Thỏa thuận Nguyên trạng được ban hành từ năm 1853, không phần chung nào của nhà thờ được bố trí lại nếu không có sự đồng thuận của tất cả các cộng đồng Kitô giáo, Chính thống giáo… từ đó dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc tu sửa gian phòng có ngôi mộ Chúa Giêsu, khiến cho nhu cầu sửa chữa nơi này ngày càng trở nên cấp thiết.
Một ví dụ điển hình cho hệ quả của Thỏa thuận Nguyên trạng là một chiếc thang bằng gỗ đặt dưới cửa sổ bên ngoài lan can trên lối vào nhà thờ: một người nào đó đã đặt chiếc thang này ở đây trước năm 1852, mà theo Thỏa thuận Nguyên trạng thì nơi đây là phần chung, không ai được đụng vào nên chiếc thang cứ nằm y nguyên ở vị trí này cho tới ngày nay.
Cũng theo một sắc lệnh ban hành vào năm 1853, Nhà thờ Mộ Thánh được phân chia quyền quản lý giữa các cộng đồng Chính Thống giáo và Công giáo, từ đó gây ra những bất đồng ý kiến về việc bảo trì, thậm chí từ các thay đổi nhỏ.
Một phần Nhà thờ Mộ Thánh ngày nay được dùng làm trụ sở chính của Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp ở Jerusalem (Greek Orthodox Patriarch of Jerusalem), trong khi quyền kiểm soát nhà thờ này được chia sẻ giữa nhiều giáo hội Kitô giáo khác nhau, như Chính thống giáo Đông phương, Chính thống giáo cổ Đông phương và Giáo hội Công giáo Roma, thế là nảy sinh các mối bất hòa. Mùa hè năm 2002, một tu sĩ giáo hội Chính thống Coptic đã di chuyển chiếc ghế của mình từ vị trí đã thỏa thuận vào trong bóng râm.
Hình ảnh chiếc quách đá thu được từ camera trên cánh tay robot năm 2010. |
Việc này được các tu sĩ Chính thống giáo Ethiopian coi như thái độ thù địch, họ cãi vã và xông vào… choảng nhau khiến 11 người phải nhập viện. Một vụ va chạm khác xảy ra vào năm 2004, trong khi giáo hội Chính thống giáo đang cử hành "Lễ suy tôn Thánh giá" thì một cánh cửa ở nhà nguyện của dòng Phanxicô (Công giáo) vẫn mở. Điều này bên Chính thống giáo coi như là một hành động không tôn trọng họ nên đã nổ ra vụ ẩu đả khiến vài người bị đưa vào nhà tù!
Tháng 4/2008, vào Ngày Chúa nhật Lễ Lá, một cuộc cãi vã đã nổ ra khi một tu sĩ Hy Lạp bị phe đối lập tống ra khỏi tòa nhà. Cảnh sát được gọi tới nhưng họ cũng bị những người hăng máu đang cãi lộn tấn công. Một cuộc va chạm giữa các tu sĩ Armenia và Hy Lạp cũng bộc phát trong khi cử hành Lễ kính Thánh Giá vào ngày Chủ nhật 9/11/2008…
Cho dù nhiều nhà thần học và các nhà khảo cổ học hàng đầu từng cho rằng, chuyện Chúa Giêsu được chôn cất trong Nhà thờ mộ Thánh là vô căn cứ nhưng James Tabor, một học giả Kinh Thánh tại Đại học North Carolina và nhà làm phim tài liệu Simcha Jacobovic đã quyết thực hiện công trình nghiên cứu này.
Vào năm 2010, được sự cho phép của Chính phủ Israel, họ đã dùng cánh tay robot khám phá các khu vực xung quanh hầm mộ. Trong quá trình này, họ đã phát hiện ra một căn phòng riêng biệt khác và đặt tên cho nó là "mộ Patio" vì nó nằm dưới sân của tòa nhà Patio ở độ sâu 60m. Nơi đây, họ phát hiện những dòng chữ cổ khắc bên trên một quách đá mà họ tin rằng đó có thể là bằng chứng quan trọng về mộ của Chúa Giêsu.
Phần trên quách khắc một dòng chữ Hy Lạp cổ dịch ra có nghĩa là "Divine Jehovah, raise up, raise up" - "Chúa Giêsu Jehovah nâng (một ai đó lên) hoặc "đứng dậy". Bên cạnh đó còn có hình vẽ của một con cá miệng ngậm một vật gì đó. Theo các nhà khảo cổ học, hình ảnh này có thể là hình ảnh kể lại câu chuyện Jonah và cá voi, một trong những câu chuyện Kitô giáo đầu tiên.
Ngoài ra, theo ông Tabor, biểu tượng con cá, biểu tượng của Jonah với dòng chữ cổ có nghĩa là "có một cái gì đó có thể làm sống lại người đã chết hoặc biểu thị niềm tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu". Hai nhà nghiên cứu củng cố thêm lập trường của mình bằng cơ sở cho rằng, ngôi mộ nằm trên phần tài sản do Joseph xứ Arimathea hiến tặng, mà theo kinh Phúc âm, chính là người đã chôn cất Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, khi đó cuộc khai quật nhanh chóng kết thúc trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình của người Do Thái Chính thống giáo. Vì lo ngại tình hình lộn xộn có thể gây tổn hại tới di tích, khu vực khai quật được niêm phong.
Nhóm các nhà khảo cổ lần này tuy không dám chắc về những gì họ sẽ tìm thấy, nhưng họ vẫn hào hứng: "Đây là nơi sống động nhất mà chúng tôi từng tìm hiểu và tiến hành khai quật", Antonia Moropoulou, người chỉ đạo nhóm chuyên gia của Đại học Công nghệ Quốc gia Athens, Hy Lạp, chia sẻ. Nhóm các nhà khảo cổ và chuyên gia đã thăm dò nhà thờ và ngôi mộ bằng công nghệ radar xuyên đất và quét laser. Họ cho máy bay không người lái mang camera bay bên trên ngôi mộ nên phát hiện một đường đứt gãy ở mặt đá.
Theo họ, vết nứt có thể là hậu quả do áp lực từ các cột trụ chống đỡ mái vòm xây bên trên. Ở trung tâm Nhà thờ Mộ Thánh, các nhà khảo cổ sẽ nâng phiến đá nhẵn bóng, nơi hàng triệu người hành hương từng quỳ xuống và cầu nguyện để tìm hiểu sâu hơn bên dưới. Đây là lần đầu tiên trong hơn 200 năm, các nhà khoa học mới được quyền xem xét bên trong ngôi mộ đục vào đá ẩn chứa trong lòng bao huyền thoại được vun bồi từ đức tin hằng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khẩu súng đắt nhất thế giới trị giá hơn 110 tỷ: Chỉ vài người có khả năng mua, làm bằng chất liệu độc nhất
Người đàn ông mua chiếc ấm nứt vì đam mê, nào ngờ là đồ cổ 250 năm được định giá hơn 17 tỷ đồng
Không phải người ngoài hành tinh, con người có thể là sinh vật có trí tuệ duy nhất trong vũ trụ?
Ngôi chùa cổ sở hữu 4 chiếc cột gỗ quý hơn 'kim cương' giá 3400 tỷ: Người người xếp hàng vào xem!
Cặp vợ chồng sững sờ phát hiện chiếc bình sứ chắn cửa nhà suốt 36 năm lại có giá trị đến 30 tỷ đồng
Chiếc giường gỗ có giá trị nhất miền Tây: Chế tác bằng gỗ quý hàng đầu Việt Nam, trả 3 tỷ không bán