Bức tượng “Đầu người đội Phật” gần 1000 năm tuổi ở chùa Bà Bụt
Những bí mật ẩn chứa phía sau cánh cổng ở Tử Cấm Thành / Tiết lộ bí mật quá trình xây dựng Tử Cấm Thành
Lời răn dạy sau bức tượng độc nhất vô nhị
Chùa Bà Bụt nằm bên cạnh dòng sông Lam thơ mộng, phía sau lưng chùa có ngọn núi Hội tạo nên thế vững chắc như một bức tường thành che chắn. Chùa Bà Bụt nằm ở thôn Thượng Thọ (xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, phủ Anh Sơn) nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Theo truyền thuyết, chùa có niên đại có từ thế kỷ XI, thời nhà Lý. Tại chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật như chuông đồng, câu đối, đại tự, bài minh, lạc khoản và nhiều tượng Phật.
Qua khảo sát, về di vật, chùa hiện lưu giữ 22 pho tượng cổ, 2 đôi câu đối, 1 bức hoành phi, 2 cửa võng, 3 chuông. Trong số 22 pho tượng cổ, bức tượng tạc “đầu người đội Phật” là một bức tượng rất hiếm thấy ở Việt Nam. Bức tượng này tượng trưng cho Bà Bụt - người đã giúp Uy Minh Vương Lý Nhật Quang hiển Thánh.
Tương truyền, thủa đó, trong thôn Thượng Thọ xuất hiện một cô hàng nước ven sông vô cùng xinh đẹp nhưng không ai biết rõ về việc cô là ai và đến từ nơi nào. Họ chỉ thấy một quán nước được dựng bằng tre sơ sài, sát lề đường. Điểm nổi bật của quán chính là cô chủ mảnh mai, xinh đẹp tựa như hoa. Bởi vậy, từ khi cô hàng nước xuất hiện rất nhiều chàng trai trong làng đem lòng yêu mến và mơ ước được kết duyên trăm năm. Tuy nhiên, sau thời gian dài cũng chẳng có một ai lọt vào mắt xanh của cô.
Một hôm, nhân lúc vắng người, một gã làng chài nọ lì lợm tìm đến trêu chọc. Bị khước từ, anh ta thô bạo dùng sức mạnh cưỡng bức cô! Không ngờ, ngay lập tức cô hàng nước hiện hình Đức Phật Bà mười tay, nhảy lên ngồi lên đầu anh ta.
Đầu người đàn ông với 2 cánh tay chống đỡ tượng Phật phía trên (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Sau khi chỉ đất thiêng cho Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và trừng trị tên vô lại, cô hàng nước cũng biến mất. Qua một đêm, dân xóm chài chỉ còn thấy miếng đất bỏ không, quán và người chủ quán không còn nữa. Đời sau, dựa theo sự tích này, dân làng sở tại cho tạc bức tượng Phật Bà mười tay cưỡi lên đầu một tên đàn ông hẳn là để làm gương cho bọn gian dâm. Tượng Phật Bà được đặt trong một ngôi chùa có tên chữ là “Tiên Tích Tự” dựng ngay trên lều quán cũ. Dân làng gọi nôm na là Chùa Bà Bụt cho đến ngày nay.
Pho tượng cổ này là di vật suy nhất còn sót lại duy nhất từ ngày ngôi chùa được xây dựng. Bởi vậy, nhiều người nhận định niên đại của nó đã lên tới gần 1000 năm. Tượng “Đầu người đội Phật” có chiều cao tầm 1,2m, được tạo tác từ gỗ và sơn son thiếp vàng. Tượng được đặt ở nơi trang trọn nhất tại Chính điện.
Khuôn mặt Phật Bà mang nét dịu hiền, đức độ. Mười cánh tay đều có nhiều tư thế khác nhau nhưng vô cùng thon thả, mềm mại. Trong 10 cánh tay có 8 cánh tay giơ lên cao, 2 cánh tay còn lại bắt quyết trước bụng. Chân tượng khoanh tròn trên đài sen. Đội đài sen là một đầu quỷ hình người đàn ông hung dữ, 2 tay trụ chống đài sen. Điều này thể hiện sự quy thuận của cái ác và cũng đúng như câu chuyện kể trong truyền thuyết về sự tích ngôi chùa.
Vẻ thánh thiện, thanh cao, đức độ toát từ hình dánh và các chi tiết chạm trở tượng Phật. Chính những điều đó đã khiến cho hàng ngàn Phật tử khi tới chùa tâm hồn đều bỗng trở nên nhẹ nhàng, thư thái, mọi phiền muộn dường như đều đứng ngoài cánh cửa chùa.
Sự linh thiêng của chùa Bà
Sự linh thiêng của chùa Bà Bụt còn gắn liền với một sự tích được truyền tụng bởi người dân nơi đây từ ngàn xưa. Sự tích đó giải nghĩa tên chùa và cho chúng ta biết thêm huyền thoại về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (? -?) tên húy là Hoảng, con thứ tám vua Lý Thái Tổ, hoàng đệ vua Lý Thái Tông. Ngài là vị vương gia “sinh vi tướng, tử vi thần” được sử sách các đời ghi chép, đánh giá cao. Thửa nhỏ, ngài rất thông minh, hiếu học, tính khí ôn hòa, được mọi người yêu mến. Khi Lý Thái Tổ mất, các hoàng tử tranh giành ngôi vị, dẫn đến loạn Tam Vương, Lý Nhật Quang trong vòng xoáy tranh đoạt đó vẫn giữ nguyên phận vị, không hề tư tâm. Nhờ vậy, ngài được vua Lý Thái Tông tin cẩn, giao cho nhiều trọng trách.
Vào thời Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được bổ làm Tri châu Nghệ An, với tinh thần hết lòng vì dân, vương đã tổ chức khai hoang mở đất, xây dựng phát triển kinh tế. Cảm động trước tấm lòng của vương, Phật bà Quan Âm đã phù giúp ngài gặp được nhiều thuận lợi, may mắn. Phật bà Quan Âm được biết đến là vị Phật có thể hóa hiện thành muôn ngàn hình tướng khác nhau để cứu vớt, giúp đỡ chúng sinh.
Bức tượng độc đáo “đầu người đội Phật” được tạc bằng chất liệu gỗ mít (Ảnh: Báo Nghệ An).
|
Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi, tàn hại dân lành, vương còn được Phật bà Quan Âm hiển linh âm phù giành được thắng lợi. Một lần khác, vương đi đánh giặc Lão Qua không may bị thương, cưỡi ngựa về đến đất Bạch Đường, thôn Thượng Thọ có bà tiên hiện ra báo với vương rằng: “Quả Sơn là nơi linh địa, huyết thực muôn đời có thể hóa thân ở xứ ấy”.
Nghe lời bà tiên, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang về đến đất Quả Sơn thì hóa. Quân dân vô cùng thương tiếc lập đền thờ vương tại đấy, gọi là đền Quả nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An quanh năm hương khói. Ngôi chùa nơi bà tiên ứng hiện chính là chùa Bà Bụt.
Cũng liên quan tới sự tích này, có bài đồng dao rất hay được lưu truyền nơi đây, điển hình như đoạn ca dao: “Thờ đức thánh ta/ Nguyên trước ngài là/Con vua nhà Lý/ Ra trị tỉnh Nghệ/ Mười chín năm tròn/ Náo nức tiếng đồn/ Mưa nhân gió đức/ Sau ngài đánh giặc/ Trên trấn ninh về/ Núi Quả cận kề/ Dừng chân nghỉ chút/ Gặp một bà Bụt/ Có mười hai tay/ Xin hiến đất này/ Huyết thực vạn đại/ Ngài chưng khi ấy/ Phút hóa thành thần/ Vậy trước xã dân/ Lập đền phụng tự”.
Ngày nay, tại chùa Bà Bụt cứ đến ngày 20, 21 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ tạ để ghi nhớ công ơn bà Bụt phù giúp Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Nghi thức rước lễ diễn ra trang trọng, di tượng Uy Minh Vương được kiệu từ đền Quả Sơn sang chùa Bà Bụt. Đoàn rước khởi hành từ sớm ngày 20 tháng Giêng, chia làm quân bộ và quân thủy, có các vị chức sắc và bô lão đi kèm, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng xếp thành hàng dài tiếp nối.
Sau lễ xuất thần, đoàn rước thủy ngược dòng sông Lam, đoàn rước bộ theo đường đất tiến về chùa Bà Bụt. Đoàn thuyền trước khi cập bến chùa có ghé qua động Ngự - nơi xưa kia Uy Minh Vương thường hay duyệt đội thủy binh. Sáu chiếc thuyền rồng trong tiếng pháo lệnh rền vang đua nhau rẽ sóng về chùa Bà Bụt. Đoàn bộ dàn đội hình gồm đội nghi trượng, đội khiêng kiệu thánh.
Khi qua các làng Nhân Bồi, Nhân Hậu, Nhân Trung, Trạc Thanh, đoàn rước dừng lại để nhân dân trong làng ra tế bái. Khoảng tầm giữa trưa, hai đoàn thủy bộ hợp điểm ở chùa Bà Bụt. Kiệu di tượng đức Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được đặt tại vị trí trung tâm giữa sân, mặt quay vào chùa, các vị chức sắc, bô lão cùng quân dân theo thứ tự sắp xếp làm lễ bái tạ. Sáng ngày 21 tháng Giêng, hai đội thủy bộ lại làm lễ rước di tượng đức Uy Minh Vương về lại đền Quả Sơn để làm lễ yên vị.
Những câu chuyện nhuốm màu liêu trai về Bà Bụt, Uy Minh Vương có thể chưa được kiểm chứng nhưng những đóng góp của ông với vùng đất Nghệ An là không thể phủ nhận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Vén màn lý do Doãn Chí Bình làm nhục Tiểu Long Nữ nhưng lại không bị Dương Quá trả thù