Khám phá

Cuộc đối đầu của các nhà chiêm tinh trong Thế chiến thứ hai

Từ lâu trên thế giới, chiến tranh thường kéo theo những câu chuyện kỳ lạ bên cạnh các cuộc giao tranh đẫm máu, nhưng chúng thường bị che lấp bởi lịch sử.

Ngủ nướng cũng do gen quyết định / Bí ẩn về những giấc mơ kỳ lạ

Một trong những chuyện như vậy là cuộc đối đầu giữa các nhà chiêm tinh học của Đức Quốc xã và Anh Quốc.

Nhà chiêm tinh đoán đúng hai vụ ám sát

Vào ngày 2/11/1938, một bức thư được gửi đến cho Tiến sĩ Heinrich Fesel, thuộc hạ của người đứng đầu cơ quan an ninh Đức Quốc xã, Heinrich Himmler. Tác giả bức thư là bạn của ông ta, nhà chiêm tinh người Thụy Sĩ tên là Karl Ernst Krafft. Nội dung bức thư truyền đi thông điệp vô cùng khẩn cấp, Krafft tiên đoán tính mạng của Quốc trưởng sẽ gặp nguy hiểm.

Từ ngày 7 – 10/11/1938, sẽ có một vụ ám sát kinh hoàng và người đứng đầu Quốc xã nên hủy bỏ các cuộc xuất hiện trước công chúng trong thời gian này.

Chiêm tinh gia người Đức, Karl Ernst Krafft (phải) và đồng nghiệp người Anh, Louis de Wohl.

Chiêm tinh gia người Đức, Karl Ernst Krafft (phải) và đồng nghiệp người Anh, Louis de Wohl.


Bức thư cần phải đến tay Himmler và được chuyển cho chính Hitler ngay, nếu không sẽ là một thảm họa. Fesel không thích thú gì với khái niệm chiêm tinh và trên thực tế, Đức Quốc xã cũng đang bức hại những người hành nghề này, cũng như những người liên quan đến tâm linh. Họ bị xem là những kẻ đi ngược lại chủ nghĩa Quốc xã.

Mặc dù sau đó, Đức Quốc xã cũng chấp nhận hiện tượng huyền bí, nhưng việc trở thành nhà ngoại cảm, đồng cốt, hoặc chiêm tinh, thậm chí hợp tác với các thành phần này cũng là điều nguy hiểm vào thời điểm trên. Do đó, bức thư đã bị Fesel gạt sang một bên. Nhưng những gì xảy ra không lâu sau đã chứng minh Krafft dự đoán đúng.

Vào ngày 8/11/ 1938, Hitler dự kiến có một bài phát biểu quan trọng tại Beer Hall ở Munich. Vào ngày hôm đó, thời tiết rất xấu nên trùm Quốc xã rời sự kiện sớm 30 phút mà không cho ai biết. Đúng 10 phút sau khi Hitler đi khỏi, một quả bom hẹn giờ đặt ngay sau bục nơi ông ta phát biểu, nổ tung, giết chết 8 người, làm bị thương 60 người. Nếu Hitler không rời đi sớm, chắc chắn ông ta bị thiệt mạng.

Chưa hết, ngày hôm sau, một sinh viên thần học người Thụy Sĩ tên là Maurice Bavaud đã giắt một khẩu súng lục trong người, trà trộn vào đám đông diễu hành cuồng nhiệt ủng hộ Hitler ở Munich. Kế hoạch của anh là chờ thời cơ thuận tiện bắn chết Quốc trưởng.

 

Nhưng khi Hitler đi ngang Bavaud, đám đông đồng loạt giơ tay chào mừng khiến mục tiêu bị che khuất nên anh phải từ bỏ ý định của mình. Sau đó Bavaud bị bắt trên một chuyến tàu rời khỏi Đức. Gestapo tìm thấy súng và bản đồ trong người anh. Bavaud thú nhận âm mưu của mình và bị kết án tử hình.

Hai vụ ám sát diễn ra trong vòng 24 giờ, đúng vào khoảng thời gian mà Krafft đã cảnh báo khiến Fesel đâm ra hoang mang và bức thư được đánh giá lại. Ông ta liên hệ với Himmler và Phó Quốc trưởng Rudolf Hess, trình bày về dự đoán mà Krafft đã đưa ra.

Cả hai dường như đã lắng nghe, mặc dù không phải theo cách mà Krafft mong đợi. Ông ta bị Gestapo bắt và đưa đến Berlin để thẩm vấn. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là Krafft đã thuyết phục được Gestapo rằng ông sẽ có ích cho Đức Quốc xã và được giới thiệu với TS Joseph Goebbels, người đứng đầu Bộ Tuyên truyền.

Krafft được coi là một công cụ tuyên truyền tiềm năng. Goebbels yêu cầu ông giải mã những lời tiên tri do nhà ngoại cảm Nostradamus đưa ra, nhào nặn sao cho phù hợp với những gì Hitler đang thực hiện và cuối cùng, Đức Quốc xã sẽ chiến thắng trong cuộc chiến.

Krafft đã giúp tạo ra hàng chục nghìn quyển sách mỏng bằng sáu thứ tiếng, dẫn giải những tiên đoán của Nostradamus theo chiều hướng ủng hộ Đệ tam Đế chế. Ông được một số người xem là nhà chiêm tinh riêng của Đức Quốc xã.

 

Nhà chiêm tinh của Anh Quốc

Dự đoán gây bất lợi cho Đức Quốc xã của Wohl được đăng trên báo Mỹ.

Những tuyên truyền rầm rộ về dự đoán của nhà chiêm tinh “đại tài” này đã khiến người Anh lo lắng. Họ không muốn người Đức chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực tâm linh kể trên và thế là một cuộc chạy đua giữa các nhà chiêm tinh bắt đầu.

Cơ quan tình báo MI-5 của Anh đã tuyển dụng một nhà chiêm tinh lập dị tên là Louis de Wohl và giao cho ông ta khởi động chiến dịch tuyên truyền về tâm linh chống lại những gì Đức Quốc xã đang thực hiện với Krafft.

Để đạt được hiệu quả này, Wohl không chỉ đưa ra những dự đoán tử vi mâu thuẫn trực tiếp với những dự đoán của Krafft, mà ông còn được cử đến Hoa Kỳ để công bố những lá số tử vi gây bất lợi cho Đức Quốc xã đăng trên các tạp chí chiêm tinh lớn ở đó, đồng thời tác động để Mỹ tham chiến.

Wohl còn tung ra những lá số cho thấy, vận mệnh Hitler cũng nhiều tướng lĩnh sắp đến lúc chấm dứt. Cuộc đấu khẩu giữa hai chiêm tinh gia Anh và Đức diễn ra sôi nổi. Người nào cũng có những ủng hộ viên để lan truyền các tiên đoán của mình.

 

Tuy nhiên, người Anh không quan tâm đến tiên đoán của Wohl chính xác bao nhiêu phần trăm, mà đối với họ, quan trọng là quần chúng và đặc biệt là Hitler, tin vào những điều này như thế nào. Sau khi Mỹ chính thức tham chiến, Wohl được triệu hồi về London vào tháng 2/1942. Khi về, ông ta mới biết “bộ phận chiêm tinh” của mình tại MI-5 đã... giải thể.

Do đánh giá những bí mật về Wohl có thể làm ảnh hưởng uy tín của MI-5, cơ quan này quyết định giữ ông ta lại trong biên chế và đãi ngộ đầy đủ lương bổng. Thực tế, Wohl vẫn gặp may, bởi vì đối với Krafft, mọi việc còn tồi tệ hơn.

Chuyện bắt đầu khi Rudolf Hess đột ngột đến Vương quốc Anh vào năm 1941 trong một sứ mệnh không được phép, nhằm thúc đẩy hòa bình giữa các quốc gia. Ông cho biết đã được yêu cầu làm như vậy từ một giấc mơ siêu nhiên. Hess từng là một trong những nhân vật hàng đầu của Đức Quốc xã tin tưởng và ủng hộ những hiện tượng siêu linh. Người ta cho rằng, ông ta thực hiện sứ mệnh điên rồ của mình theo lời khuyên của một nhà ngoại cảm.

Điều này đã khiến Hitler nổi giận và ông ta đã mở cuộc đàn áp dữ dội những người được cho là thực hành những gì liên quan đến huyền bí. Rất nhiều nhà tâm linh và chiêm tinh bị bắt và bỏ tù và Krafft cũng là một nạn nhân. Ông ta bị giam cầm và chết do bệnh sốt phát ban vào năm 1945 trên đường đến trại tập trung Buchenwald.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm