Cuộc tiến công lớn cuối cùng của quân Đức Quốc xã trước khi bị đánh bại trong Thế chiến II
Thành phố ở Canada giả vờ bị Đức Quốc xã xâm lược / Bộ bài kỳ diệu giúp tù binh trốn khỏi nhà tù Đức Quốc Xã
Vào sáng 6/3/1945, sau loạt pháo kích cấp tập, xe tăng và bộ binh Đức Quốc xã ồ ạt tiến công các vị trí của Hồng quân Liên Xô ở khu vực các Hồ Balaton và Velence cũng như sông Drava ở Hungary. Đây là sự khởi đầu cho Chiến dịch “Mùa Xuân Thức tỉnh” – cuộc tiến công quy mô lớn cuối cùng của phát xít Đức trong Thế chiến II.
Vào mùa xuân năm 1945, tình hình phía Đức trên Mặt trận phía Đông gần như là thảm họa: Hồng quân tiến sát Berlin, chỉ cách thành phố này 70km. Trong khi binh sĩ Liên Xô đang tạm nghỉ để lấy sức chuẩn bị cho đòn tiến công quyết định nhằm vào thủ đô Đệ tam Đế chế thì quân Đức cũng hăm hở chuẩn bị cho một cuộc tấn công của riêng mình, hướng xuống phía Nam, ở Hungary. Mục tiêu của Đức là đẩy lui đối phương khi vượt sông Danube và giữ vững các mỏ dầu cuối cùng của mình ở Tây Hungary và Áo. Đánh mất các mỏ dầu này sẽ khiến Đức Quốc xã không thể tiếp tục chiến tranh được nữa.
Chiến dịch “Mùa Xuân Thức tỉnh” huy động 430.000 quân, hơn 800 xe tăng và pháo tự hành, 6.000 khẩu pháo hạng nặng và súng cối, cùng trên 800 máy bay. Tập đoàn quân Panzer SS số 6 dưới quyền chỉ huy của tướng Josef “Sepp” Dietrich đóng vai trò mũi đột kích chủ lực, đã được tái điều động từ Mặt trận phía Đông về đây.
Quân Đức ở Hungary phải đối đầu với lực lượng của Phương diện quân Ukraine số 3 với quân số trên 400.000 người (bao gồm các đơn vị Bulgaria và Nam Tư đồng minh), được trang bị 6.800 khẩu pháo và 700 máy bay. Việc thiếu xe tăng là một vấn đề đối với phe Xô viết. Tổn thất nhiều trong các trận chiến giành giật Budapest, Hồng quân chỉ còn có trong tay 400 xe tăng.
Mặc dù Đức giữ bí mật nghiêm ngặt về việc lên kế hoạch cho chiến dịch “Mùa Xuân Thức tỉnh”, Bộ chỉ quân Hồng quân đã biết trước được chiến dịch này nhờ vào hoạt động trinh sát và họ đã vạch ra chiến lược phòng ngự chiều sâu. Liên Xô dự kiến cuộc tiến công của Đức sẽ diễn ra không muộn hơn giữa tháng 3/1945, họ chỉ chưa biết được hướng tiến công chủ yếu của địch.
Ngày 6/3 năm đó chứng kiến hàng loạt trận đánh đẫm máu từ bờ sông Drava (được bảo vệ bằng các đơn vị Bulgaria và Nam Tư) tới khu vực giữa các Hồ Balaton và Velence, nơi Tập đoàn quân Panzer SS số 6 của Đức tung ra đòn chính của chúng.
Trung úy Eduard Melikov thuộc Trung đoàn pháo binh 877 nhớ lại: “Tại Balaton, trung đoàn của chúng tôi hứng chịu tổn thất to lớn. Hai trăm xe tăng Đức cùng lúc lăn bánh về phía sư đoàn của chúng tôi, lựu pháo chúng tôi phải trực xạ ở cự ly gần… Trận chiến diễn ra khốc liệt. Trong cả cuộc chiến tranh, trung đoàn chúng tôi không mất nhiều người như là ở Hungary”.
Đóng vai trò trọng yếu trong đánh bại quân Đức ở mặt trận này là lực lượng pháo chống tăng. Lực lượng pháo binh này chiến đấu rất gan dạ, kể cả khi không nhận được sự yểm hộ từ lực lượng bộ binh phân tán và rút lui. Mất pháo dã chiến, anh em pháo binh này chuyển sang chiến đấu như lính bộ binh. Chiến thuật phục kích được áp dụng rộng rãi, trong đó các pháo tự hành và xe tăng Liên Xô được ngụy trang kỹ sẽ nã đạn vào đội hình xe tăng Đức ở cự ly gần.
Vào tối 6/3, Tư lệnh Tập đoàn quân phía Nam của Đức – tướng Otto Weller, báo cáo với Tổng tham mưu trưởng Lục quân Đức Heinz Guderian như sau: “Xe tăng của chúng ta rất khó di chuyển qua địa hình đầy bùn lầy, các con đường đều bị phong tỏa do mìn và pháo đối phương. Các đơn vị bộ binh không thể đột phá nhanh chóng, và kịch chiến làm tiêu hao lượng lớn đạn dược, dẫn tới tình trạng thiếu đạn. Đối phương rõ ràng đã biết trước và chuẩn bị cho cuộc tiến công của ta, mặc dù chúng không biết chính xác khi nào và ở đâu ta mở các đòn tiến công chính”.
Sau vài ngày chiến đấu dữ dội, quân Đức hứng chịu tổn thất nặng nề nhưng vẫn cố đột phá qua 2 tuyến phòng ngự của Hồng quân. Tư lệnh Phương diện quân Ukraine số 3, Nguyên soái Fyodor Tolbukhin, kêu gọi Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô cho phép ông tung vào trận Tập đoàn quân Cận vệ số 9 dự bị. Yêu cầu của ông bị khước từ với lý do lực lượng này được để dành cho một cuộc tiến công vào Áo. Nguyên soái Tolbukhin được chỉ thị phải cố xoay sở với lực lượng mà ông đang có.
Bất chấp một số thành công cục bộ, cuộc tấn công của Đức suy yếu dần. Không thể thọc sâu hơn 30km vào vị trí của Hồng quân Liên Xô, đến ngày 15/3, Đức rơi vào thế phòng ngự.
Tổng tham mưu trưởng Lục quân Đức Heinz Guderian viết trong hồi ký: “Cho đến lúc này, các sư đoàn SS đã đánh mất tinh thần chiến đấu cao của mình. Được sự yểm trợ của các kíp xe tăng, toàn bộ đội hình quân Đức rút lui bất tuân lệnh từ thượng cấp. Không còn có thể trông cậy vào các sư đoàn này nữa. Sự kiên nhẫn của Hitler vỡ bung, nổi cơn thịnh nộ, đòi xé phù hiệu khỏi tay áo của những người lính này”.
Mất hơn 250 xe tăng và pháo tự hành trong “lò lửa” quanh hồ Balaton, Tập đoàn quân Panzer SS số 6 chấm dứt vai trò lực lượng chiến đấu chủ lực.
Vào ngày 16/3, ngày đầu tiên sau khi chiến dịch “Mùa Xuân Thức tỉnh” chấm dứt, Hồng quân mở cuộc tiến công vào Vienna (Áo) và nhanh chóng quét sạch quân Đức khỏi Hungary.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc
Vị đại tướng đốt toàn bộ bản kiểm điểm của các cán bộ, là huyền thoại được đích thân Bác Hồ đặt bí danh
Loài cua là động vật chân đốt sống trên cạn lớn nhất thế giới : Có thể dài tới 1m, giá 6-7 triệu /kg
Mỹ: Xuất hiện sinh vật kỳ lạ viết lại lịch sử loài khủng long
Tiết lộ 1 nơi ở Trung Quốc, nơi 'vàng' mọc trên cây