Đại chiến hạm Yamato: Tuyệt vọng và bi hùng
Phát hiện xe tải chở 100 tấn vàng bị chôn vùi ở ngoại ô Moscow? / Làng "dị nhân" uống nước nhiễm thạch tín bao năm mà không chết
Bù lại, những phút giây cuối cùng của nó trước khi vĩnh viễn chìm xuống đáy biển vẫn luôn được ngay cả những người chiến thắng - hải quân Mỹ - tôn trọng và khâm phục.
Cái chết của "chúa tể"
Đó là 14h30’ ngày 7/4/1945. Yamato, như một con cá voi tử thương mắc cạn, đã nghiêng hẳn một bên. Trước đó, khoảng 12h, nó đã phải nhận những đòn chí mạng đầu tiên, khi 40 oanh tạc cơ của không quân - hải quân Hoa Kỳ bổ nhào dội bom. Xuyên qua lưới lửa phòng không từ boong tàu bắn lên, hai quả bom cùng một trái ngư lôi đánh trúng mục tiêu.
13h35, 150 máy bay Mỹ khác ào đến. Khi đó, Yamato lừng lẫy chỉ còn có thể di chuyển với tốc độ 18 hải lý/giờ, với tình trạng nước đã tràn vào tàu. Thêm hai quả ngư lôi và 7-8 trái bom nữa trúng đích. Tàu nghiêng 15 độ. Một nửa trong số khoảng 150 vũ khí phòng không của tàu Yamato đã bị phá hủy.
Đúng 14h, Yamato trúng thêm một quả ngư lôi quyết định. Chuẩn đô đốc Nhật Bản Kosaku Ariga ra lệnh: "Cho tàu hướng về phía Bắc". Theo quy ước truyền thống của võ sĩ đạo, đó là cách Yamato và thủy thủ đoàn của mình hướng về kinh đô, triều bái từ biệt Thiên hoàng.
Từ không trung, các phi công Mỹ quan sát và ngỡ rằng Yamato bỏ chạy. Họ nã thêm ba quả ngư lôi nữa. Yamato, đã nghiêng gần 30 độ, tiếp tục lết vào trận địa, trên đầu là máy bay Mỹ đông như ong vỡ tổ.
14h30, một tiếng nổ long trời lở đất. Mặt biển rung chuyển, trong khoảnh khắc Yamato từ từ chìm xuống lòng biển. Nó đã trúng tổng cộng 10 quả ngư lôi và 7 trái bom, nhưng nó chỉ thực sự quỵ ngã khi kho đạn hải pháo trong lòng phát nổ. Trước khoảnh khắc ấy, chuẩn đô đốc - hạm trưởng Ariga đã ra lệnh cho thủy thủ đoàn rời tàu, kể cả hạm phó Nomura.
Song, bản thân mình thì Ariga lệnh cho cấp dưới buộc chặt vào hải bàn trong buồng lái. Một sĩ quan cao cấp khác, Phó đô đốc Ito cũng đóng chặt cửa phòng, tự nhốt mình để cùng chìm xuống với tàu.
Hạm đội Liên hợp, hay nói đúng hơn, Hải quân hoàng gia Nhật Bản đã bị chính thức xóa tên. Mặt trận Thái Bình Dương đã ngã ngũ, với phần thắng thuộc về hải quân Hoa Kỳ.
Sứ mệnh cảm tử
Bối cảnh của trận đánh cuối cùng, bi hùng và tuyệt vọng đó, có thể được gói gọn trong lời phát biểu của hạm trưởng tuần dương hạm Yahagi - Tameichi Hara - nói với thủy thủ đoàn của mình: "Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là một nhiệm vụ tự sát".
Cho dù ông có giải thích thêm, rằng: "Tôi cũng muốn nói rõ với các anh, tự sát không phải là mục đích cuối cùng của chúng ta. Mục đích cuối cùng vẫn là chiến thắng. Nếu chẳng may chiến hạm bị chìm, đừng lưỡng lự, hãy tự cứu sống chính mình để còn đánh trận khác", thì phần đông thủy thủ đoàn của Yahagi vẫn không đồng tình.
Trong quan niệm cố hữu của họ, tự sát khi chiến bại không những là bổn phận, mà còn là vinh quang và danh dự. Và ở thủy thủ đoàn của Yamato hay bất cứ con tàu Nhật Bản nào, người ta cũng suy nghĩ như vậy.
Vào thời điểm đó, thắng bại cũng gần như đã rõ ràng. Sau thất bại tại Phillipines, hải quân Nhật Bản xem như đã kiệt quệ sinh lực. Kể từ trận Midway, họ liên tục bị đẩy lui, liên tục tổn thất, về cả nhân lực, số lượng tàu chiến lẫn số lượng máy bay.
Mà đất nước ấy không đủ nguồn lực để tự lấp đầy những hao hụt, trong khi đối thủ của họ - hải quân Mỹ - được cung cấp những nguồn tiếp tế gần như vô tận.
Lúc đó, các hạm đội Mỹ đã kéo đến sát đảo Okinawa. Không còn lựa chọn, những tàn tích rách nát và chắp vá của hải quân Nhật Bản bắt buộc phải lên đường ứng chiến, dù tham mưu trưởng - Phó đô đốc Ryunosuke Kusaka phản đối quyết liệt. Ông xem đó chỉ là một sự hy sinh vô ích. Tiếc rằng, sự phản đối của ông đi ngược lại tinh thần võ sĩ đạo truyền thống.
Là lực lượng duy nhất còn khả năng chiến đấu của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản, nhưng hạm đội số 2 cũng chỉ còn có 10 chiến hạm, bao gồm siêu thiết giáp hạm Yamato, tuần dương hạm Yahagi cùng tám khu trục hạm. Trước khi lên đường, phó đô đốc Ito đã mở tiệc mời tất cả các sĩ quan dưới quyền.
Ai cũng hiểu hàm ý của ông: Đây là bữa tiệc chia tay. Bởi vì, ngay cả chính Yamato cũng chỉ có thể mang theo đủ số nhiên liệu cho quãng đường đến Okinawa. Nó không còn đủ dầu cho chặng quay về.
Và trận đánh đã nổ ra khi Yamato cùng các tàu hộ vệ mới đi được nửa đường, đến eo biển Bungo. Họ bị tàu ngầm Mỹ phát hiện, và hải quân Mỹ ngay lập tức lên kế hoạch tập kích.
Cho dù trước đó, Bộ tư lệnh hải quân Nhật Bản đã cho 341 máy bay dội bom cùng 355 phi cơ Thần phong cảm tử oanh tạc dữ dội suốt 4 giờ đồng hồ vào hạm đội Mỹ đang đóng gần Okinawa, không quân - hải quân Hoa Kỳ vẫn còn thừa tiềm lực để đánh đòn quyết định. Đòn báo thù ngọt ngào cho Trân Châu Cảng, bởi Yamato còn hơn cả là một chiến hạm.
Chấm dứt một kỷ nguyên
Yamato là một biểu tượng, biểu tượng của sức mạnh hải quân Nhật Bản. Đánh chìm biểu tượng ấy, nghĩa là bẻ gãy và phá sập mọi niềm kiêu hãnh, mọi ý chí chiến đấu còn sót lại.
Yamato cũng là sản phẩm "hoành tráng" nhất của kỷ nguyên "tàu to súng lớn", khi các cường quốc đại dương phô diễn thực lực của mình thông qua kích cỡ của chiến hạm. Đó là một chiếc soái hạm chủ lực khổng lồ, lớn nhất thế giới từng được chế tạo, với tải trọng tối đa lên đến 72.800 tấn. Đó là một pháo đài trên biển thực thụ, với 9 pháo hạm nòng cỡ lớn (460mm), tầm bắn 42 km.
Thế nhưng, "con thủy quái" ấy lại chỉ có thể di chuyển với tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ. Nguy hại hơn, do quá nổi tiếng, Yamato luôn được xem là mục tiêu săn lùng, "tìm và diệt" của toàn bộ không quân cũng như không quân - hải quân Mỹ.
Bom dội xuống boong tàu Yamato. |
Bất cứ lúc nào Yamato xuất hiện, một số lượng khổng lồ máy bay và tàu chiến cũng được huy động, nhằm đánh gục nó. Ngược lại, hải quân Nhật Bản cũng phải làm tất cả để bảo vệ Yamato.
Và do quá dễ nhận biết từ xa bởi kích cỡ không thể nhầm lẫn, Yamato luôn bị trinh sát địch phát hiện sớm, đồng nghĩa với việc không bao giờ hạm đội hộ tống nó sở hữu được yếu tố bất ngờ.
Một thực tế éo le và khá chua chát, bất kể những chiến công khá lừng lẫy (như việc bắn chìm 2 tàu khu trục và 1 tàu hộ tống trong trận hải chiến Samar), Yamato chưa từng cùng hải quân Nhật Bản giành được một chiến thắng nào trên biển. Sự có mặt của nó trong biên chế Hạm đội Liên hợp, hầu như chỉ thuần túy có ý nghĩa về mặt tinh thần, chứ không hề mang tới những giá trị chiến lược.
Sau "cái chết" của Yamato, chẳng còn cường quốc đại dương nào cố gắng đóng những chiếc thiết giáp chiến đấu hạm khổng lồ như vậy nữa. Hàng không mẫu hạm trở thành xu thế tất yếu, mà chính việc Yamato bị đánh chìm cũng khẳng định rằng những mục tiêu to lớn có thể dễ dàng bị tổn thương đến như thế nào, để các tàu sân bay cũng chỉ được sử dụng hạn chế và bắt buộc phải được bảo vệ hết sức cẩn mật.
Một kỷ nguyên khép lại. Tiến trình phát triển của lịch sử hải quân thế giới cũng thay đổi từ cột mốc đó, với tiếng nổ rung chuyển biển trời từ hầm đạn pháo của Yamato…
* Thông số cơ bản của Yamato: Dài 263m, rộng 36,9m, mớm nước 11m, tải trọng tiêu chuẩn 69.900 tấn, thủy thủ đoàn tiêu chuẩn 2.800 người. Ban đầu, Yamato được trang bị 12 pháo hạm 155mm, nhưng sau khi sửa chữa năm 1944 giảm xuống còn 6 khẩu. Ngoài ra, Yamato còn được trang bị 12 pháo hạm 127mm, 162 pháo phòng không 125 mm cùng 4 súng máy phòng không (vào thời điểm bị đánh chìm). * Chỉ còn 269 người trong toàn bộ thủy thủ đoàn sống sót, sau khi Yamato bị đánh chìm. Tối 8/4/1945, chỉ còn 4 khu trục hạm của hạm đội 2 hải quân hoàng gia Nhật Bản trở về được căn cứ. Đổi lại, sau 3 giờ oanh kích, không quân - hải quân Hoa Kỳ chỉ mất 10 máy bay. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc
Vị đại tướng đốt toàn bộ bản kiểm điểm của các cán bộ, là huyền thoại được đích thân Bác Hồ đặt bí danh
Profile khủng của sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên làm Chánh Văn phòng cố vấn Cảnh sát LHQ ở New York
Tiết lộ 1 nơi ở Trung Quốc, nơi 'vàng' mọc trên cây
CLIP: Bị 3 con báo săn bao vây, linh dương nổi điên húc thủng bụng kẻ đi săn, thành công thoát thân
Chiến hạm Yamato