Khám phá

Làng "dị nhân" uống nước nhiễm thạch tín bao năm mà không chết

Người dân ở ngôi làng San Antonio de los Cobres, tọa lạc trên vị trí cao của dãy Andes, Argentina có một khả năng kỳ lạ đó là hấp thụ chất độc thạch tín cao gấp 20 lần ngưỡng được cho là an toàn.

Khí kinh dị "ma trơi" lộ dấu vết sự sống ngoài hành tinh / Sự thật kinh dị về những bàn tay tự bốc cháy rùng rợn

Khung cảnh ngôi làng San Antonio de los Cobres, Argentina

Khung cảnh ngôi làng San Antonio de los Cobres, Argentina

Thạch tín là một trong những chất độc hại nhất từng được con người phát hiện ra và trong quá khứ từng được sử đụng để đầu độc các vị vua, những chính khách và thậm chí cả những chú ngựa đua thắng giải.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khám phá ra một nhóm nhỏ những người sống ở vùng núi Andes xa xôi, phía Tây Bắc Argentina có khả năng đề kháng với chất độc hại này.

Hàng nghìn năm trước đầy, người dân địa phương ở làng San Antonio de los Cobres tọa lạc ở vị trí cao trên dãy núi Andes trong vùng Puna của Argentina, đã phát triển khả năng có tính di truyền để chuyển hóa nhằm giảm tác dụng độc hại của thạch tín trên cơ thể người.

Trên khắp thế giới, tình trạng ngộ độc thạch tín do nguồn nước hoặc thực phẩm nhiễm độc đã ảnh hưởng tiêu cực tới hơn 137 triệu người.

Ngay cả ở mức nhiễm độc thấp cũng có thể gây ra tổn thương cho phổi, tim, thận và gan, thậm chí dẫn tới nguy cơ phát triển ung thư, tim mạch và tiểu đường. Với liều lượng cao hơn, chúng có thể làm tổn hại hệ miễn dịch, động kinh và nặng hơn là hôn mê và tử vong.

Tuy nhiên, những người đang sinh sống ở làng San Antonio de los Cobres dường như đã phát triển theo hướng đối phó với thạch tín một cách hiệu quả hơn

Khoảng gần 11.000 năm qua, dân cư ở đây, hậu duệ của người Atacameños, đã sống, sinh hoạt, uống nguồn nước đã bị nhiễm độc thạch tín.

Làng
Đường quanh co xung quanh ngôi làng

Tiến sĩ Karin Broberg, một nhà nghiên cứu y học môi trường thuộc Đại học Lunds, Thụy Điển và các cộng sự đã phát hiện ra rằng cách đây khoảng 7.000 – 10.000 năm, cư dân trong vùng đã trải qua một số biến đổi di truyền, khiến cơ thể họ có sự đề kháng thạch tín tốt hơn. Họ có thể đề kháng lượng thạch tín cao gấp 20 lần ngưỡng được cho là an toàn.

Tiến sĩ Broberg cho hay: “Thạch tín nằm ở tầng đá nền của núi lửa và một số địa điểm có nồng độ tập trung cao. Sau đó, chúng được giải phóng vào các dòng suối mà người dân địa phương thường lấy làm nước sinh hoạt. Người dân sống trong khu vực này tiếp xúc với thạch tín tương đối cao và có sự chuyển hóa chất hiệu quả hơn, ít độc hại hơn”.

Theo tạp chí Molecular Biology and Evolution, tiến sĩ Broberg đã nghiên cứu hệ gen của 124 phụ nữ trong làng và kiểm tra khả năng chuyển hóa thạch tín thông qua việc xem xét lượng nguyên tố á kim trong nước tiểu.

Họ đã phát hiện ra một loạt đột biến quan trọng trong gen của người bản địa, tạo cho họ khả năng chống chịu với việc phơi nhiễm hàm lượng thạch tín cao.

Ngoài ra, gen có tên gọi AS3MT, có tham gia vào quá trình biến đổi thạch tín ở người dân làng San Antonio de los Cobres xuất hiện với tần suất cao hơn khá nhiều so với dân sống ở Columbia hay Peru.

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là một ví dụ về sự thích nghi của con người trước chất độc môi trường, điều mà trước đây chỉ thấy trên động vật.

Việc nhiễm độc thạch tín có thể xảy ra một cách tự nhiên hoặc do kết quả của hoạt động công nghiệp cao như đào vàng.

Trong thời Elizabeth Đệ nhất, chất asen từ thạch tín đã được dùng để làm phấn trang điểm cho phái nữ.

Chúng cũng được sử dụng để tạo khí lewisite độc hại dùng trong Thế chiến thứ nhất, khiến nhiều nạn nhân bị bỏng rộp trước khi chết.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chất độc hại này là nguyên nhân dẫn đến sự phát điên của vua George III của nước Anh và vị tướng lừng danh người Pháp Napoleon Bonaparte.

Năm 2008, nhà chức trách Trung Quốc cũng xác nhận, vị vua Quang Tự (1871 – 1908) của đất nước này đã bị đầu độc bằng một liều thạch tín nặng.

 

Vua Faisal I của Iraq từng được phát hiện có các triệu chứng nhiễm độc thạch tín trong thời gian ở Thụy Sỹ năm 1993. Vị lãnh đạo phong trào độc lập Nam Mỹ Simon Bolivar từng được cho là đã mất mạng do việc nhiễm độc thạch tín mãn tính.

Con ngựa đua Phar Lap thành công nhất Australia cũng từng được phát hiện chết sau khi bị đầu độc bằng một liều thạch tín nặng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Daily Mail - tờ báo hàng ngày của Vương Quốc Anh, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1896. Đây hiện là tờ báo bán chạy thứ hai tại Vương Quốc Anh sau The Sun. Daily Mail cũng là báo hàng ngày đầu tiên của Anh nhắm vào thị trường những người thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân.

Theo infonet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm