Chiếm hạm Bismarck và chuyến hải hành định mệnh
Làng "dị nhân" uống nước nhiễm thạch tín bao năm mà không chết / Bí ẩn về những bức tượng có thể khóc ra máu: Hiện tượng siêu nhiên hay trò lừa gạt?
Cuộc đời ngắn ngủi, sứ mệnh hiếm hoi
Cho đến ngày 27/5/1941 định mệnh ấy, Bismarck mới phục vụ trong biên chế Hải quân Đức Quốc xã được vỏn vẹn tám tháng. Và thật đáng buồn, chiến dịch đầu tiên, chiến dịch duy nhất mà nó tham gia - Chiến dịch Rheinuebung - cũng chính là chiến dịch cuối cùng.
Bismark bị tiêu diệt bởi Hải quân Hoàng gia Anh, cho dù đã thể hiện được thứ tinh thần chiến đấu rất đáng khâm phục và tôn trọng.
Hạ thủy tháng 2/1939, hoàn tất chế tạo tháng 8/1940, Bismarck cùng con tàu "chị em" mang tên Tipritz được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn bổ sung sức mạnh mới cho Hải quân Đức, nhằm thách thức ưu thế tuyệt đối của Hải quân Anh trên Đại Tây Dương. Đó cũng là thời điểm Trận chiến nước Anh đang diễn ra giai đoạn khốc liệt nhất, khi Luân Đôn và những thành phố lớn khác của đảo quốc sương mù oằn mình dưới những trận mưa bom của Không quân Đức.
Song, chưa kịp đóng góp gì, trận chiến ấy đã kết thúc. Nước Anh đứng vững. Adolf Hitler chuẩn bị chuyển quân qua mặt trận phía Đông để tấn công Liên Xô, và trọng tâm của quân đội Đức Quốc xã cũng dịch chuyển về đó. Hải quân Đức chỉ còn đóng nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ bờ biển phía Tây, quấy nhiễu và ngăn cản các nguồn tiếp tế từ nước Mỹ cho Anh. Công việc này, Đại đô đốc Erich Raeder giao phó vai trò chủ công cho các hạm đội tàu ngầm.
Tuy nhiên, khi cường độ xuất hiện của những chuyến tàu hàng mỗi lúc một gia tăng, và khi Hải quân Hoàng gia Anh liên tục phát huy được sức mạnh vượt trội nhằm bảo vệ những chuyến tàu hàng đó, chỉ các cuộc đột kích bằng tàu ngầm là không đủ. Ngày 18/5/1941, Bismarck và tuần dương hạm Prinz Eugen được lệnh rời căn cứ Gotenhafen ở biển Baltic, tiến ra Đại Tây Dương. Đại đô đốc Erich Raeder muốn có thêm hỏa lực mặt nước bổ sung, nhằm chặn đứng những hải đoàn vận tải đến từ Bắc Mỹ.
Song hành với phấn khích và kiêu hùng, bi kịch bắt đầu từ đó.
Trận chiến đơn độc
Vào thời điểm đó, éo le thay, Hải quân Đức Quốc xã không còn khả năng điều động thêm "trợ thủ" cho Bismarck và Prinz Eugen.
Chiếc Tipritz chỉ vừa được chế tạo xong, phải đến tận cuối năm mới sẵn sàng tham gia chiến đấu. Một thiết giáp hạm khác ở căn cứ hải quân Brest (Pháp) - Gneisenau - bị trúng cả ngư lôi rồi cả bom của Không quân Hoàng gia Anh, khi đang sửa chữa trong ụ tàu. Hai tuần dương hạm hạng nặng Admiral Scheer và Admiral Hipper cũng phải đợi đến tận tháng 8 mới có thể hoạt động, bởi quá trình sửa chữa cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt oanh tạc. Thiết giáp hạm Scharnhorst phải đại tu nồi hơi.
Rút cục, kể cả khi Adolf Hitler cùng Thống chế Wilhem Keitel đã đích thân đến thị sát tình hình ở Gotenhafen, chiến dịch Rheinuebung vẫn chỉ có thể được lệnh tiến hành với Bismarck và Prinz Eugen (nghĩa là rất hạn chế cả về hỏa lực trên biển lẫn không quân tùng thiết).
Hộ tống cho hai con tàu gồm 18 tàu tiếp liệu được bố trí trên hải trình, bốn tàu ngầm U-boat đi tiền trạm từ Baltic đến cảng Halifax của Anh, ba tàu khu trục cùng một đội tàu quét mìn mở đường. Không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe) cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ trên không, trong suốt hành trình ra khỏi lãnh hải Đức.
Vấn đề là, ngay giữa trưa ngày 20/5, Bismarck cùng hải đoàn quanh mình đã bị bắt gặp bởi một nhóm máy bay trinh sát Thụy Điển, và sau đó là bởi tuần dương hạm Gotland của Thụy Điển. Những báo cáo lập tức được gửi về Stockholm (thủ đô Thụy Điển, nước trung lập trong Đệ nhị Thế chiến). Ở đó, tùy viên quân sự và tình báo Anh quốc cũng nhanh chóng nắm bắt được vấn đề, để chuyển tiếp về cho Bộ Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh.
Cũng phải nói thêm rằng trước đó, trong quãng thời gian Bismarck nằm đợi ngày xuất kích đầu tiên tại cảng Hamburg, cũng qua kênh Thụy Điển, người Anh đã nắm được khá chi tiết về các thông số của chiến hạm này. Rất có thể, chuyện Adolf Hitler bất chấp quy chế nước trung lập mà xua quân vào Bỉ để đánh Pháp, hay phái các biệt đội SS lên duyên hải Na Uy tiến hành các hoạt động phá hoại nhằm cản bước các lực lượng Anh đã khiến Thụy Điển hành động như vậy.
Cả Đô đốc Gunther Luetjens - người được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch Rheinuebung - lẫn Đại tá Ernst Lindemann (chỉ huy tàu Bismarck) đều cho rằng yếu tố bí mật đã bị mất. Tuy vậy, quân lệnh như sơn, họ vẫn tiến ra Đại Tây Dương, với hy vọng mong manh là phía Anh còn chưa nắm được hết các thông tin về hải trình của mình để chuẩn bị chống trả.
Dấu chấm hết cho một tham vọng
Nhưng không, mọi chuyện hoàn toàn không như mong đợi. Tại eo biển Đan Mạch, Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh John Tovey đã ra lệnh cho tuần dương hạm Hood cùng thiết giáp hạm Prince of Wales vừa được đưa vào hoạt động, cùng sáu tàu khu trục và hai tuần dương hạm khác sẵn sàng đón đánh. Các phi đội dội bom cũng được lệnh lên đường.
00 giờ 15 phút ngày 22/5, Bismarck và Prinz Eugen tăng tốc, tách khỏi các tàu khu trục hộ tống, đột phá về hướng Đại Tây Dương. 4 giờ sáng ngày 23/5, họ tiến vào eo biển Đan Mạch. Ở đó, radar phát hiện tín hiệu từ tuần dương hạm Suffolk của Anh, và phía Đức hiểu rằng kế hoạch của họ đã bị lộ.
Luetjens ra lệnh giao chiến, nhưng trong sương mù, hai tàu Đức không thể nã đạn trúng kẻ thù. Ngược lại, tàu Suffolk, cũng như tuần dương hạm Norfolk gia nhập trận đánh sau đó đều nương vào sương mù để tránh đụng độ sớm, mà chỉ tập trung theo dõi vị trí kẻ địch.
Hành trình đầy cạm bẫy . |
5h45 phút ngày 24/5, sương mù dần tan, và ở chân trời hiện lên các vệt khói của hạm đội Anh. Nhưng thật đáng kinh ngạc, ngay ở những loạt đạn đầu tiên, uy phong của Hải quân Hoàng gia Anh - bá chủ mặt biển hàng trăm năm qua - đã bị xô ngã.
Cả hai tàu Đức tập trung nã pháo vào tuần dương hạm Hood, và chỉ sau tám phút khai hỏa, họ đã bắn trúng kho thuốc đạn. Hood vỡ làm đôi, nổ tung và chìm xuống đáy biển, mang theo 1145 người trong thủy thủ đoàn, kể cả Đô đốc Holland. Chỉ có 3 người được cứu sống bởi tàu khu trục Electra.
Nhận thấy tàu mình có nguy cơ va phải những mảnh vỡ của Hood, người chỉ huy chiến hạm Prince of Wales - John Leach - ra lệnh quay ngang lái. Một quyết định quá mạo hiểm, khi hai tàu Đức có cơ hội thuận lợi hơn để bắn cấp tập. Prince of Wales bị hư hại nghiêm trọng và phải tháo chạy. Song, trước đó, nó cũng kịp bắn trúng Bismarck ba quả đạn.
Hai tàu Đức không đuổi theo, mà vẫn cố tiến ra Đại Tây Dương. Nhưng bây giờ, cuộc săn đuổi những con thủy quái bị thương ấy của Hải quân và Không quân Hoàng gia Anh mới chính thức bắt đầu. Mọi tàu chiến Anh trong khu vực (tổng cộng 6 thiết giáp hạm, 2 tàu sân bay, 13 tuần dương hạm, 21 khu trục hạm) được lệnh lên đường. Prince of Wales, đã được phục hồi đáng kể, dẫn đầu cuộc săn.
Thời tiết xấu trở lại, và Prinz Eugen nhân cơ hội đó, được lệnh rời đi, chỉ còn một mình Bismarck lênh đênh một hướng thu hút các tàu Anh. Dù đã "thương tích đầy mình", niềm tự hào của Hải quân Đức Quốc xã vẫn có thể đạt vận tốc với tàu King George V tối tân bên phía hạm đội Anh. Nhưng, nó không chống đỡ được với những hiểm họa từ bầu trời.
10h30 phút sáng 26/5, khi tưởng như đã "cắt đuôi" thành công mọi sự truy đuổi để trở về căn cứ Brest, Bismark bị phát hiện bởi một máy bay trinh sát. Lập tức, cả một phi đội Anh - Mỹ ập tới, từ tàu sân bay Ark Royal. Dính cả bom lẫn ngư lôi, Bismarck bị hỏng bộ phận điều khiển, và chỉ còn có thể lết trên mặt biển với vận tốc 7 hải lý/giờ.
Những tàu chiến Anh hiếm hoi còn đủ nhiên liệu bắt kịp Bismarck từ hướng Tây, bao gồm hai thiết giáp hạm King George V và Rodney, cùng hai tuần dương hạm Dorsetshire và Norfolk. Các chỉ huy Bismarck đánh điện về Bộ Tư lệnh Hải quân Đức: "Chúng tôi sẽ chiến đấu đến quả đạn cuối cùng". Tất cả đều hiểu và chờ đợi điều phải đến sẽ đến.
Sáng 27/5, hơn 700 quả đạn pháo hạng nặng dồn dập trút xuống thứ gần như chỉ còn là cái xác tàu mang tên Bismarck ấy. Nó cố gắng bắn trả vào vòng vây, nhưng không đạt được điều gì. Cả Lindermann lẫn Luetjens, theo như phỏng đoán, đều đã thiệt mạng ngay trong loạt đạn đầu. Hạm phó Hans Oels sau đó cũng chết bởi một vụ nổ, trên boong. Bismarck lật nghiêng. Nước biển tràn vào. Và cuối cùng, thiết giáp hạm Hood của Anh quốc cũng đã được trả thù.
Sau Bismarck, chẳng còn mấy ai nhắc đến các chiến hạm của Đức Quốc Xã trên Đại Tây Dương. Chỉ còn lại những tàu ngầm…
* Gần 2.100 người chết theo Bismarck. Hải quân Anh chỉ cứu được khoảng 110 người, và có 5 người được cứu bởi các tàu ngầm Đức.
* Bismarck được đặt tên theo vị Thủ tướng huyền thoại Otto Von Bismarck - người góp công lớn thống nhất nước Đức, biểu tượng của tinh thần sắt máu Đức. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời
Bài toán hóc búa của thầy giáo Việt Nam trong đề thi Olympic: Độ khó khiến nhiều nước muốn loại bỏ