Thỉnh thoảng trên phim ảnh, bạn sẽ thấy một số bộ phim khoa học viễn tưởng mô phỏng ngày tận thế của Trái Đất, như bầu không gian xám xịt, đỏ lửa, nhiều vật thể lạ từ bầu trời phóng xuống Trái Đất tạo ra các vụ nổ kinh hoàng, đại hồng thủy, đại dịch, thậm chí là những cổ máy người ngoài hành tinh được thả xuống xâm chiếm, chiến tranh robot… đưa con người tới bờ vực tuyệt chủng.
Nếu như các kịch bản này không còn trong trí tưởng tượng con người nữa mà lại do chính con người tạo ra thì sẽ dẫn đến điều gì? Nghe có vẻ mơ hồ nhưng hoàn toàn có thể xảy ra.
Bởi những năm gần đây, nhiều chuyên gia nghiên cứu công nghệ đã cảnh báo về những viễn cảnh khốc liệt có thể đẩy loài người đến bờ vực diệt vong. Điều đáng nói, viễn cảnh đó là kết quả của những thứ mà con người đã và đang tạo ở một tầm cao mới.
Chiến tranh hạt nhân
Đây là chiến tranh sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này cho đến nay chỉ mới diễn ra một lần, đó là vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Mỹ nhắm vào Nhật Bản tại thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Ngày nay, thuật ngữ “Chiến tranh hạt nhân” thường dùng để chỉ các cuộc đối đầu giữa các bên có trang bị vũ khí hạt nhân.
Khác với chiến tranh thông thường, chiến tranh hạt nhân có mức độ và phạm vi phá hủy lớn hơn nhiều và gây những hậu quả lâu dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau cuộc chiến đó. Một cuộc chiến tranh hạt nhân trên quy mô lớn có thể hủy diệt tất cả sự sống trên Trái Đất.
Vào năm 1984, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng viết trong một thông cáo báo chí rằng: “Giống như một đại dịch, các tác động sinh học của chiến tranh hạt nhân sẽ không đơn thuần xảy ra ở quốc gia nơi có vụ nổ. Bởi các đồng vị chất phóng xạ từ loại vũ khí này không hề biết “phân biệt” biên giới.
Nó dư sức lan rộng khắp thế giới, bay vào bầu khí quyển, đại dương…, nghĩa là mọi ngõ ngách mà chúng ta đang sống, khiến con người tử vong hàng loạt. Còn những người còn sống sót cũng phải chịu những hệ lụy bệnh tật đau khổ về sau”. Thậm chí, một nghiên cứu khoa học công bố vào tháng 10/2019 đã mô hình hóa việc sử dụng hàng trăm vũ khí hạt nhân có kích thước quả bom hạt nhân từng đổ xuống Hiroshima.
Nghiên cứu này chỉ rõ, Pakistan và Ấn Độ có thể sở hữu 400 đến 500 vũ khí hạt nhân vào năm 2025, với sản lượng từ 12 đến 45 kiloton, thậm chí tới đến vài trăm kiloton. Nếu Ấn Độ sử dụng 100 đầu vũ khí hạt nhân để tấn công các trung tâm đô thị và Pakistan sử dụng 150 vũ khí này thì số người thiệt mạng có thể lên tới 50 đến 125 triệu người. Các đám cháy do hạt nhân phản ứng có thể giải phóng 16 đến 36 Tg carbon đen trong làn khói bốc lên tầng đối lưu phía trên, sau đó là tới tầng bình lưu và lan rộng ra khí quyển toàn cầu chỉ trong vài tuần.
Lúc này, lượng ánh sáng mặt trời sẽ giảm từ 20 đến 35% xuống Trái Đất, lượng mưa theo đó có thể giảm từ 15% đến 30%. Các vùng đất lục địa sẽ mất 15-30% chức năng trồng trọt cây lương thực, các đại dương mất từ 5-15% chức năng sinh tồn cho các sinh vật sống dưới nước.
Thời gian phục hồi phải mất hơn 10 năm dài đằng đẳng. Điều này sẽ dẫn tới nạn đói, nguy cơ chiến tranh, cướp bóc, sau đó là chết chóc bắt đầu lan rộng lên toàn thế giới, cướp đi hàng tỷ mạng sống.
Cùng chung quan điểm này, Luke Kemp- một nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, chia sẻ: “Chiến tranh hạt nhân đã khắc sâu vào tâm trí chúng ta như một rủi ro khốc liệt đối với sự sống còn của loài người, gây ra mức sát thương khủng khiếp cho toàn nhân loại. Nhưng điều đáng lo ngại là hiện một số các quốc gia vẫn đang làm giàu uranium, trong khi căng thẳng chính trị giữa các quốc gia leo thang, nguy cơ dùng tới chiến tranh hạt nhân không phải là thấp.”
Theo thống kê của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), hiện nay trên toàn thế giới có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, với tổng cộng gần 16.000 đầu đạn hạt nhân.
Đại dịch,lạm dụng công nghệ sinh học
Nhờ thành tựu vĩ đại của công nghệ sinh học, bạn có được những loại thức ăn mới, vật nuôi mới khác xa với giống loài tổ tiên, hay có bia, rượu vang và phô mai nhờ cộng nghệ lên men sinh học. Chẳng hạn như khi Edward Jenner phát minh ra vắc-xin hay Alexander Fleming phát hiện ra kháng sinh, tất cả đều khai thác sức mạnh của công nghệ sinh học. Đó là điều tất yếu trong nền văn minh hiện đại.
Trong những thập kỷ tới, các nhà khoa học sẽ sử dụng công nghệ sinh học để điều khiển các tế bào qua việc chỉnh sửa DNA, hay tổng hợp toàn bộ các gen từ các khối xây dựng hóa học cơ bản để tạo ra thuốc trị ung thư thần kỳ. Thậm chí có thể dùng để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cũng vì thế mà khái niệm vũ khí sinh học ra đời. Vũ khí sinh học sử dụng vi sinh vật hoặc độc tố để gây bệnh ở người, động vật hoặc thực vật…
Để hoạt động như một vũ khí, mầm bệnh cần một phương tiện truyền bệnh. Nó có thể được giao bằng bom hoặc tên lửa. Nhưng điều này cũng không cần thiết, bởi một quốc gia hoặc một nhóm khủng bố cũng có thể làm ô nhiễm nguồn cung cấp thực phẩm và nước, hoặc sử dụng côn trùng, cá thể phơi nhiễm hoặc bình xịt để truyền mầm bệnh đó.
Trong quá khứ có vài trường hợp sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học đã được ghi nhận, như mầm bệnh than xuất hiện sau ngày 9/11, hay vụ 5 người chết sau khi các tế bào độc hại được gửi qua thư. Việc lạm dụng công nghệ sinh học để tạo vũ khí sinh học có thể dễ dàng nhắm vào một dân tộc nhất định, hoặc thậm chí chỉ là một bức thư đơn giản gửi đến một nhà lãnh đạo thế giới nào đó.
Những năm gần đây, có thông tin gây xôn xao khi Triều Tiên đang lưu giữ một kho vũ khí sinh học chứa mầm bệnh than, bệnh ngộ độc, sốt xuất huyết, dịch hạch, đậu mùa, thương hàn và bệnh sốt vàng, và họ sẵn sàng đem ra sử dụng trong trường hợp bị tấn công.
Thực tế, việc lạm dụng công nghệ sinh học là một rủi ro nguy hiểm có liên quan tới sự diệt vong của loài người. Trưởng nhóm nghiên cứu về an toàn sinh học tại Viện Nhân loại Tương lai tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh Cassidy Nelson, cho biết: “Việc lạm dụng công nghệ sinh học để chế tạo các virus mới với mục tiêu lây lan, rò rỉ để tấn công là một điều cực kỳ nguy hiểm”.
"Tôi lo lắng về một loạt các kịch bản đại dịch khác nhau do lạm dụng công nghệ sinh học gây ra. Tôi nghĩ những mầm virus sinh học do con người tạo ra có thể là mối đe dọa lớn nhất, mà chúng ta có thể phải gánh chịu nặng trong các thế kỷ tới”, cô nói.
Cô nhận ra rằng: “Việc lạm dụng này cũng gây ra các bệnh truyền nhiễm mới, đại dịch mới hoặc dùng nó như một vũ khí sinh học. Các virus mầm bệnh được thiết kế đặc biệt dễ lây lan và có mức sát thương khủng khiếp hơn so với các mầm virus có trong tự nhiên. Điều đó có nghĩa là chúng có khả năng tiêu diệt một lượng lớn dân số Trái đất trong thời gian ngắn hạn nào đó”.
Biến đổi khí hậu
Trong bài báo có tiêu đề “Biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa hiện sinh đối với nền văn minh nhân loại" được xuất bản bởi Hội đồng Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (IPCC), các chuyên gia khoa học quốc tế đã dự đoán cách mà biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến hành tinh chúng ta trong tương lai gần.
Phần lớn cho rằng, cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu hiện nay lớn hơn và phức tạp hơn, so với bất kỳ cuộc khủng hoảng khí hậu nào mà con người từng đối mặt trước đây. Với tốc độ nóng lên toàn cầu diễn ra ở hiện tại thì có thể tới năm 2050, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 3 độ C nữa.
Giáo sư Julian Hunt thuộc Đại học College London cho rằng, việc tăng thêm 3 độ C vào năm 2050 rất dễ xảy ra. Bởi các lý do sau: tình trạng giải phóng khí methane từ đáy biển và mặt đất, những thay đổi lớn trong việc phản xạ ánh sáng tại một số nơi trên bề mặt Trái đất, tình trạng ô nhiễm không khí cao ở châu Á sẽ làm giảm việc phản xạ lại năng lượng mặt trời trong không gian, kèm theo đó là hiệu ứng nhà kính, tình trạng Trái Đất nóng lên diễn ra nhanh chóng.
Lúc này, các tảng băng trên thế giới sẽ biến mất, hạn hán tàn khốc giết chết nhiều cây xanh trong rừng nhiệt đới Amazon, hành tinh chúng ta ngày càng nóng hơn. "35% trăm diện tích đất toàn cầu và 55 % dân số toàn cầu phải chịu điều kiện nhiệt độ “nóng chết người” kéo dài phải hơn 20 ngày, vượt quá ngưỡng sống sót ", các tác giả đưa ra giả thuyết.
Kèm theo đó, tình trạng hạn hán, lũ lụt và cháy rừng thường xuyên tàn phá đất đai, nhà cửa, tính mạng con người. Gần 1/3 bề mặt đất liền của thế giới sẽ biến thành sa mạc. Toàn bộ hệ sinh thái sụp đổ, bắt đầu từ các rạn san hô cho đến rừng nhiệt đới, và sau cùng sẽ là dải băng ở Bắc Cực.
Bên cạnh đó, các vùng nhiệt đới trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hình thái khí hậu khắc nghiệt này. Nó sẽ phá hủy nền nông nghiệp của khu vực và biến hơn 1 tỷ người trở thành người tị nạn bởi nạn đói lan rộng.
Lượng thức ăn và nước uống, tài nguyên suy giảm sẽ kích hoạt tình trạng cướp bóc, chiến tranh, gây căng thẳng giữa các quốc gia dẫn đến xung đột vũ trang, mà đỉnh điểm có thể là cả chiến tranh hạt nhân. Và chính sự hỗn loạn đó có lẽ sẽ kết thúc nền văn minh toàn cầu, trong khi biến đổi khí hậu chính là mầm mống.
Trí tuệ thông minh nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo được định nghĩa là khả năng của một cỗ máy bắt chước hành vi thông minh của con người. Giống như con người cần sách để học thì máy móc cần dữ liệu, thuật toán để học hỏi. Nó có hai nhánh chính là nhóm AI ứng dụng và khái quát.
Trong đó, nhóm AI ứng dụng là hình thức phổ biến nhất hiện nay và được sử dụng để tự động hóa chỉ ở một vấn đề hay nhiệm vụ cụ thể nào đó, chủ yếu là trong các máy tính, ô tô, điện thoại, thiết bị công nghệ các loại….
Còn nhóm AI tổng quát là hình thức khó hơn nhiều, và do đó nó ít phổ biến hơn. Nó được lập trình không chỉ để thực hiện duy nhất một nhiệm vụ, mà có thể xử lý nhiều nhiệm vụ khác nhau giống như con người, như các cổ máy robot hình người, động vật chẳng hạn.
Có ý kiến cho rằng loài người hiện đang thống trị các loài khác vì bộ não con người có một số khả năng đặc biệt mà các loài động vật khác không có. Nhưng nếu AI vượt qua loài người về trí thông minh nói chung và trở thành đối tượng "siêu thông minh ", thì con người sẽ không thể kiểm soát được chúng trong tương lai, khiến con người bị lu mờ trước thời đại AI, cùng hàng loạt hệ lụy có thể xảy ra như:
AI thúc đẩy tự động hóa khiến nhiều người mất việc làm, nạn vi phạm quyền riêng tư bảo mật sẽ ngày càng khắc nghiệt, kỹ thuật lạm dụng Deepfakes, bất bình đẳng kinh tế-xã hội, xuất hiện vũ khí tự động hóa, robot quân sự, chiến tranh công nghệ…
Tác hại nguy hiểm nhất từ AI đó là sự xuất hiện các vũ khí tự trị hoặc robot sát thủ, robot quân sự, chúng có thể tìm kiếm mục tiêu và nhắm mục tiêu độc lập theo hướng dẫn được lập trình sẵn. Và hầu như tất cả các nước công nghệ tiên tiến trên thế giới đều đang phát triển những robot này.
Trên thực tế, một giám đốc điều hành cấp cao của công ty quốc phòng Trung Quốc còn tuyên bố rằng: “Các cuộc chiến trong tương lai sẽ không được chiến đấu bởi con người, và việc sử dụng vũ khí tự trị gây chết người là viễn cảnh không thể tránh khỏi”.
Ngoài ra, nhiều thành phần xấu có thể dùng nó để đi lừa đảo và giết người vô tội. Hoặc thậm chí tệ hại hơn nếu các hệ thống vũ khí tự trị, robot quân sự này không thể phân biệt đối tượng mục tiêu với những người vô tội dẫn đến tình trạng giết người nhầm lẫn hàng loạt.
Bởi hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng, một vũ khí tự trị hay robot quân sự AI siêu thông minh dường như không thể hiện cảm xúc của con người như yêu hay ghét, và không có lý do gì để mong đợi AI trở nên nhân từ hơn.