Điều ít biết về các vụ mưu sát Hồ Qúy Ly: Giết quần thần thất bại, hoàng đế bị phế ngôi
Lạc đà Arập có 57% hệ gen tương đồng với người / Bất ngờ 3 tiêu chuẩn cơ bản khi tuyển chọn phi tần, Hoàng đế Trung Hoa
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số vụ mưu sát nhằm vào ông cả trong khoảng thời gian trước và sau khi lên ngôi...
Bảng nhãn họ Lê trừ “nghịch tặc”
Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, là một nhân vật rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Tổ tiên vốn họ Hồ, nguyên quán ở vùng Bào Đột đất Diễn Châu (nay thuộc Nghệ An), đến đời thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, đất Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa), làm con nuôi quan Tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình gọi là Lê Liêm. Quý Ly là cháu bốn đời của Lê Liêm (Hồ Liêm) nên trước khi làm vua có tên là Lê Qúy Ly.
Có hai người cô ruột đều là cung phi của vua Trần Minh Tông, từ quan hệ ngoại thích, Lê Quý Ly dần được các vua Trần tin dùng, chức vụ ngày một thăng tiến, từ Chi hậu tứ cục chánh chưởng lên Khu mật diện đại sứ, rồi được phong thêm chức Trung tuyên quốc thượng hầu... Năm Kỷ Mùi (1379), thêm chức Tiểu tư không và Nguyên nhung hành Hải tây đô thống chế, tới năm Đinh Mão (1387) được phong Đồng bình chương sự, được ban cho một thanh gươm và một lá cờ đề chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”... Năm Ất Hợi (1395), Qúy Ly giữ chức Nhập nội phụ chính Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù bằng vàng...
Thế lực của Lê Qúy Ly ngày càng lớn, quyền thế khuynh đảo triều đình, một số đại thần dũng cảm công khai phản ứng. Bảng nhãn Lê Hiến Giản (đỗ năm 1374) lúc ấy đang giữ chức Đại học sĩ, Tri thẩm hình viện, thấy Hồ Quý Ly chuyên quyền, thường ngày đến làm việc ở nhà chính sự đường vẫn ngồi trên một chiếc ghế sơn đen tức lắm liền nói: “- Nay ông dám ngồi ghế đen, rồi nữa, ngai vàng ông cũng ngồi à?” Qúy Ly giật mình nhưng vẫn đe lại: “- Xin ông hãy đổi cái bụng dạ ấy đi!” Giản không hề sợ, cứng cỏi trả lời rằng: “- Bụng dạ trời sinh, sao có thể đổi được!”. Nói xong ông ngâm mấy câu thơ:
Ngã tâm phỉ tịch,
Bất khả quyển dã.
Ngã lâm phỉ thạch,
Bất khả chuyển dã.
Nghĩa là:
Lòng ta chẳng phải chiếc chiếu,
Không thể cuốn tròn được.
Lòng ta chẳng phải hòn đá,
Không thể chuyển vần được.
Lê Qúy Ly nghe xong giận lắm, nhưng để bụng, lẳng lặng không nói gì. Biết Giản trung thành, có khí tiết nên vua Trần Xương Phù (còn gọi là Giản Hoàng) rất tin dùng và bàn mưu với ông tìm cách loại trừ Qúy Ly. Sách Nam Định tỉnh địa dư chí khi viết về Lê Hiến Giản có đoạn chép như sau: “Hồ Qúy Ly chuyên quyền làm ngang, ông cùng Giản Hoàng lo mưu giết Qúy Ly. Gặp khi Qúy Ly đi vào phủ công, ông sai môn khách cầm dao đâm Qúy Ly, bị Qúy Ly bắt được, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng:
Thốn nhận trừ gian thiên địa bạch,
Nhất tâm báo quốc quỷ thần tri.
(Tấc kiếm trừ gian trời đất biết,
Một lòng báo quốc quỷ thần hay).
Rồi bị Qúy Ly giết chết. Giản Hoàng ban cho áo quan bằng đồng, quách bằng đá và lễ vật rất hậu để chôn cất”.
Dã sử thì cho hay, em Lê Hiến Giản là Lê Hiến Tứ cùng dự mưu giết Hồ Quý Ly nên cũng bị sát hại, cùng bị hành hình ngày 12/12 năm Kỷ Mão – 1399 (thần tích thì ghi là năm Canh Ngọ 1390), thi hài hai người được đưa về chôn cất tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Việc mưu sát Qúy Ly do Lê Hiến Giản chủ trương theo lệnh của vua Trần cũng được ghi lại trên nội dung tấm bia đá “Tứ xã miếu từ” dựng ở xã Xối Thượng (nay thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định): “… Giận Qúy Ly tiếm quyền vua ngai đen đã lấn có khi ngai vàng. Lòng vương thất gian nan bao quản, chẳng đá vần chiêu cuốn được sao, ngày đêm lo tính ra vào, vốn người trung trực cường hào xem không. Sai một khách dấu trong thỉ thủ, quyết mũi này với kẻ ruột tà. Nào ngờ việc lại xảy ra, Ly thì chưa chết người đà quyên sinh. Câu báo quốc rành rành còn để, chữ trừ gian thế thế bất di…”.
Một phạm nhân bị hình phạt lăng trì (Hình minh họa) |
Mưu giết đại thần thất bại, hoàng đế phải lìa đời
Sau khi sai Lê Hiến Giản tìm cách giết Lê Qúy Ly nhưng không thành, vua Trần Xương Phù rất lo lắng, nhất là sau đó em trai Qúy Ly là Lê Qúy Tỳ được cử làm Phán thủ, Tri tả Hữu ban sự (là một chức hầu cận vua) danh nghĩa là phục dịch nhưng thực tế là giám sát, theo dõi mọi hoạt động của hoàng đế.
Vào tháng 8 năm Mậu Thìn (1388) vua Trần Xương Phù lại tiếp tục tìm cách diệt trừ Qúy Ly, sử chép: “Mùa thu, tháng 8, sao Chổi hiện ở phương tây. Vua bàn mưu với Thái úy Ngạc rằng: “- Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm, nếu không lo trước đi thì sau sẽ rất khó chế ngự.”
Con Vương Nhữ Chu là Nhữ Mai hầu vua học, nhân tiết lộ mưu đó. Quý Ly biết được. Đa Phương khuyên Quý Ly lánh ra núi Đại Lại để đợi biến động. Phạm Cự Luận nói: “- Không được, một khi đã ra ngoài thì khó lo chuyện sống còn”. Quý Ly nói: “- Nếu không còn phương sách gì thì ta đành tự tử, không để tay kẻ khác giết mình”.
Cự Luận nói: “- Thượng hoàng trong lòng vẫn căm vua về việc giết Quan Phục Đại vương [Trần] Húc, vua rất không hài lòng. Nay quyền bính trong thiên hạ đều ở đại nhân cả mà vua lại mưu hại ngài thì Thượng hoàng lại càng ngờ lắm. Đại nhân hãy liều vào lạy Thượng hoàng, bày tỏ lợi hại, thì nhất định Thượng hoàng sẽ nghe theo ngài, chuyển họa thành phúc, dễ như trở bàn tay. Thượng hoàng có nhiều con chính đích, ngài cứ tâu rằng thần nghe ngạn ngữ nói "Chưa có ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con" may ra Thượng hoàng tỉnh ngộ mà đổi lập Chiêu Định Vương. Nếu Thượng hoàng không nghe thì chết cũng chưa muộn”. Quý Ly nghe theo, bí mật tâu với Thượng hoàng như lời Cự Luận. Thượng hoàng cho là phải” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Mặc dù có ý phế ngôi và trừng trị vua Xương Phù nhưng đến ngày mồng 6/12 năm ấy Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mới hành động, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Thượng hoàng giả vờ đi chơi đất An Sinh, cho bầy tôi trong nội điện triệu nhà vua. Khi nhà vua đã đến, Thượng hoàng nói: "Đại vương lại đây!", rồi liền sai người dẫn nhà vua ra giam ở chùa Tư Phúc, rồi ban tờ nội chiếu nói: "Trước đây Duệ Tông vào đánh trong Nam, không trở về, cho nên dùng người cháu trưởng nối ngôi vua là theo đạo đời cổ. Nhưng từ ngày quan gia lên ngôi đến nay, chưa bỏ hết tính nết trẻ con, chưa giữ được đức độ vững chắc, thân cận với bọn tiểu nhân như bọn Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị, lập tâm hãm hại người bầy tôi có công, làm dao động cả xã tắc. Vậy cho giáng làm Linh Đức đại vương. Lại xét: Nhà nước không thể không có người chủ trương, ngôi vua không thể để trống mãi được, chuẩn y cho rước Chiêu Định vương là Ngung vào triều, nối giữ đại thống. Vậy ban bố chiếu thư cho trong kinh thành, ngoài các lộ ai nấy đều biết".
Chiêu Định vương Trần Ngung là con út của Thượng hoàng Nghệ Tông được lập làm vua (tức Trần Thuận Tông), không lâu sau sự kiện này Linh Đức Đại vương (tức vua Xương Phù – sử gọi là Trần Phế Đế) bị thắt cổ chết, các quan tướng có liên quan là Tri thẩm hình viện Lê Á Phu, tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân Thiết Giáp là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách… đều bị giết cả.
Như vậy Trần Phế Đế ngay từ đầu không phải không nhận ra tham vọng của Lê Qúy Ly, hoặc ít nhất cũng thấy nguy cơ việc một ngoại thích nắm quyền lớn trong triều có thể gây ra mối đe dọa cho chính sự đương thời. Chính vì vậy vua đã có ý định diệt mầm họa ấy, thế nhưng sự việc không thành, trái lại số mạng vị vua này cùng một số quan tướng khác đã lâm vào kết cục bi thảm. Đánh giá về ông, sách Việt sử tiêu án chê vua “là người hôn ám, hèm kém không làm được việc, để quyền về tay kẻ dưới, làm cho xã tắc nghiêng đổ, đến thân cũng không giữ được”.
Thất bại của vua tôi Trần Xương Phù cũng được chính sử bình phẩm như sau: “Vua là người ngu hèn, chẳng biết làm gì, uy quyền ngày một về tay người dưới, xã tắc nghiêng đổ, đến thân mình cũng chẳng giữ được. Thương thay!... Giản Hoàng nhút nhát phải tự lập quyền bính có chủ, mệnh lệnh từ trên ban ra, thì lòng tham của họ Hồ tự phải dẹp đi. Trang Định không tính đến việc ấy; Á Phu cũng không hiểu là vua không có tài cương đoán, lại khuyên vua giết Qúy Ly mà cơ mưu không cẩn thận, để cho nó biết trước. Trang Định lại không quyết đoán sớm, làm lỡ cơ hội, đến nỗi việc hỏng mình chết” (Đại Việt sử ký toàn thư)…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ