Vào bất kì thời điểm nào trong năm, trong khí quyển của Trái Đất cũng sẽ có những cơn bão đang dần thành hình. Và trong lòng của những cơn bão này tiềm ẩn một trong những hiện tượng đáng sợ nhất của tự nhiên, đó chính là sấm sét.
Xác suất mà bạn có thể bị sét đánh trong đời là rất hiếm, vào khoảng 1/12.000. Mỗi năm trên thế giới có gần 500 người bị sét đánh và tỷ lệ sống sót xấp xỉ 90%.
Sét hay tia sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu. Đôi khi sét còn xuất hiện trong các trận phun trào núi lửa hay bão bụi (cát).
Khi phóng điện trong khí quyển, tia sét có thể di chuyển với tốc độ 36.000 km/h và đạt tới nhiệt độ 30.000°C. Sét chạm đất với một sức mạnh của 300 kV, vượt xa năng lượng của một lò phản ứng hạt nhân. Khi sét đánh xuống, chúng sẽ tạo ra một vết plasma chói sáng trên bầu trời với những đường loằng ngoằng mà chúng ta thường gọi là ánh chớp.
Lý do sét hình thành và nguồn gốc của nó vẫn là một vần đề còn đang tranh luận. Các nhà khoa học đã nghiên cứu các nguồn gốc khác nhau như gió, độ ẩm, ma sát và áp thấp khí quyển cho đến ảnh hưởng của gió Mặt trời và các hạt tích điện trong năng lượng Mặt trời. Các tinh thể băng trong các đám mây có thể là yếu tố quan trọng trong việc hình thành tia sét, do nó có thể tạo ra một môi trường tích điện cực trái dấu nhau trong các đám mây dẫn đến việc hình thành sét.
Rất nhiều quá trình phức tạp có thể xảy ra trong khoảng thời gian kéo dài ba phần nghìn giây khi một tia sét chạy qua cơ thể bạn.
Khi sét đánh vào và thoát ra khỏi cơ thể bạn, nó sẽ để lại những vết thương sâu và các vết bỏng cấp độ 3. Tóc và quần áo của bạn có thể bắt lửa. Thậm chí những gì mà bạn đang mặc trên người có thể bị xé nhỏ thành nhiều mảnh do lực nổ của không khí bao bọc xung quanh vì nhiệt độ tăng lên quá cao trong khoảng thời gian cực ngắn.
Nếu bạn đang mang bất kì một đồ vật kim loại nào như dây chuyền, khuyên tai hoặc nhẫn trên người khi bị sét đánh thì chúng sẽ nóng đỏ lên và đốt cháy da thịt của bạn. Và nếu sét thoát qua đôi chân bạn để truyền xuống lòng đất thì nó se xé nát luôn đôi giày mà bạn đang mang.
Vết sẹo Lichtenberg cũng có thể xuất hiện trên da của những người bị sét đánh, vì nhiệt độ cao đã làm cháy mạch máu, tạo thành các vết sẹo chạy loằng ngoằng và rẽ nhánh khắp cơ thể như bộ rễ của một cái cây.
Một số người bị sét đánh cũng bị rách màng nhĩ và từ đó mất đi thính giác vĩnh viễn. Đau đớn là điều không thể tránh khỏi. Một nạn nhân kể lại rằng cảm giác đau nhói như có một con ong bầu đột ngột chích vào bên trong màng nhĩ.
Ngay lập tức sau khi bị sét đánh, áp lực quá lớn sẽ khiến cho tim của nạn nhân ngừng đập. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người bị sét đánh. Cú sốc cũng có thể gây ra hiện tượng co giật hoặc ngừng hô hấp.
Nếu dòng điện đi vào hộp sọ của bạn, nó thật sự có thể “nấu” bộ não của bạn, dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc khiến bạn rơi vào tình trạng hôn mê tạm thời.
Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó.
Nếu sau khi bị sét đánh và vẫn còn sống sót, bạn có thể sẽ phải đối mặt với sự rối loạn thần kinh kéo dài suốt cả quãng đời sau này. Một số nhà khoa học tin rằng những tia sétđã làm tổn hại những dây thần kinh quan trọng, thay đổi hành vi của các tế bào bên trong não. Bạn có thể sẽ thay đổi nhân cách, tâm trạng, mất trí nhớ, đau đầu kinh niên và co giật cơ bắp không kiểm soát.
Trong một số trường hợp, bị sét đánh có thể khiến cho bạn trở thành thần đồng. Theo một bài viết trên chuyên trang khoa học thần kinh Psychology Today, nhà thần kinh học Berit Brogaard đến từ Đại học Miami (Hoa Kỳ) đã có nhắc đến trường hợp của một vị bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình bị sét đánh trong lúc đi dã ngoại.
Sau khi bình phục, ông bắt đầu xuất hiện niềm đam mê kì lạ đối với âm nhạc và dần dần tự học đàn piano. Ông tự soạn ra những bản nhạc kì lạ mà ông đã nghe trong lúc hôn mê mà không cần phải trải qua bất kì trường lớp đào tạo nào. Một vài tháng sau, ông từ bỏ luôn sự nghiệp bác sĩ của mình và trở thành một nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc cổ điển. Đây là một hiện tượng kì lạ trong giới khoa học mà hiện vẫn chưa có lời giải đáp.