Nơi mái chùa khuôn viên đậm chất thôn quê, chúng tôi thấy có nhiều loại chim như: cồng cộc, bồ câu... trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại như cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen.
Thấy chúng tôi thắc mắc về cái tên rất lạ “chùa Cò”, bà Kim Thu, ngụ xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh kể rành rọt: “Chùa có tên lạ lùng vậy, là câu chuyện hàng ngàn con cò các loại tụ tập về đây sinh sống hàng trăm năm qua. Nhà chùa thấy lạ nên cứ mở rộng diện tích vườn cây cạnh chùa để chúng sinh sống tới nay. Từ đó mới có tên lạ lùng này”.
Nơi mái chùa khuôn viên đậm chất thôn quê, chúng tôi thấy có nhiều loại chim như: cồng cộc, bồ câu... trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại như cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen...
Theo nhiều tư liệu: Chùa Nodol (chùa Cò) tọa lạc tại ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú. Chùa còn có tên khác là chùa Giồng Lớn, cách thị xã Trà Vinh khoảng bốn mươi cây số về phía nam, cách trung tâm huyện Trà Cú khoảng 4 km.
Được biết, ngôi chùa được xây dựng từ năm 1766. Sau nhiều lần trùng tu, lần mới nhất vào năm 2009, đến năm 2012 thì hoàn thành. Du khách đến đây sẽ có dịp chiêm ngưỡng nét bề thế, công phu với hoa văn, họa tiết từ các công trình được chăm chút tỉ mỉ. Đặc biệt khu vực Chính điện rất lộng lẫy, nhiều màu sắc với nhiều bức tranh, tượng phật được chế tác tinh xảo. Chùa còn tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội... có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hóa Khmer ở Trà Vinh. Ngôi chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như thần Riehu (Reahu), thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt...
Không chỉ vậy, đến chùa Cò, du khách còn được đắm hồn trong tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng gọi nhớ về thời khai hoang mở cõi, nhớ về những bậc chân tu đã vượt qua nhiều khó khăn nguy hiểm, phải sống cảnh thiếu thốn để tu tập, để phát triển đạo pháp cho đến ngày nay.
Thư thái, tĩnh lặng, nhẹ nhàng đó là những cảm xúc cho bất kỳ ai có dịp đến tham quan, thưởng lãm một ngôi chùa đẹp, trang nhã, uy thiêng có cái tên dân dã rất Nam bộ “ Chùa Cò”…
Theo Tô Phụng Hưng/Phật Giáo