Khám phá

Đôi nét về Hội chợ Viềng xuân - Nam Định

Từ chiều mồng 7 đến hết mồng 8 Tết Ất Mùi (tức ngày 25, 26-2), tại Nam Định diễn ra Hội chợ Viềng xuân năm 2015, là phiên chợ duy nhất trong năm.

Tiết lộ nóng: Vùng 51 "giấu nhẹm" UFO của người ngoài hành tinh? / Cận cảnh sâu bướm cổ xưa nguyên vẹn trong hổ phách 44 triệu năm

Theo sách Địa chí Nam Định (NXB Chính trị quốc gia- năm 2003): “Ở Nam Định có chợ Viềng thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Trực và chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản hay còn gọi là chợ Phủ. Chợ họp cả đêm mồng 7 và cả ngày mồng 8 Tết. Sự hấp dẫn của hai chợ xuân này có những nét khác nhau, nhưng điểm chung nhất là đi chợ cầu may, đó là nét đậm trong tâm lý dân gian khi đến với chợ xuân sau dịp Tết. Đi chợ Viềng chủ yếu là đi chơi xuân”.

Theo các bậc cao niên ở địa phương, cả hai chợ Viềng ở Nam Định có từ xa xưa và cả năm chỉ có một phiên, chuyên bán - mua nông cụ, vật dụng gia đình (dần sàng, nong nia, nơm giỏ, bàn - ghế - chõng tre…) và cây, con giống chuẩn bị cho một năm sản xuất nông nghiệp. Ở cả hai địa phương này đều có nghề nghề rèn truyền thống, nên các mặt hàng nông cụ ở đây rất đa dạng, phong phú, chất lượng cao, có sức hấp dẫn người sử dụng. Vì là phiên chợ đầu năm nên người bán kiêng nói thách, người mua không mặc cả, để cả hai bên bán - mua đều vui vẻ và mong muốn việc làm ăn được may mắn trong cả năm. Lâu dần thành tập tục đẹp của chợ Viềng xuân là đi chợ cầu may.

Quầy trưng bày đồ sứ cổ ở chợ Viềng - Nam Trực.

Hiện, nhiều người thường nói, chợ Viềng “bán rủi, mua may” là không chuẩn xác, chẳng qua chỉ là cách nói cho tiện mà thôi. Bởi một lẽ rất đơn giản ai cũng có thể nghĩ được “người bán chỉ mong bán “cái rủi” thì làm gì có “cái may” để người khác mua”, và đâu còn là ý nghĩa cầu may nữa!

Ngoài việc bày bán nông cụ, vật dụng gia đình, cây con giống, ở chợ Viềng còn bán thịt bò thui nhằm phục vu nhu cầu ẩm thực của khách du xuân. Nhưng tại sao lại chỉ có thịt bò thui. Điều này được các bậc cao niên giải thích, trong những ngày Tết, mọi người đã ngán với các món loại món ăn chủ yếu được làm từ thịt lợn (thịt đông, giò chả…) nên muốn đổi món ăn cho ngon miệng khi đi chợ xuân. Thời ấy, với cư dân nông nghiệp thì thịt bò thui ắt hẳn là “hảo hạng”. Lâu dần thành quen, sản phẩm thịt bò thui cũng là nét đặc trưng của chợ Viềng - Nam Định.

Sở dĩ chợ họp từ đêm mồng 7 Tết là do trước đây, người ta đến chợ chủ yếu là đi bộ. Nên ai cũng phải đi sớm mong sao cho kịp phiên chợ “năm chỉ có một phiên”, nhất là đối với những người bán hàng.

Đặc sản thịt bò thui ở hai chợ Viềng - Vụ Bản, Nam Trực.

 

Tương truyền, chợ Viềng thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Trực, gắn liền với việc thờ ông tổ đúc đồng Nguyễn Minh Không, gắn với làng rèn Vân Chàng ở xã Nam Giang có bề dày truyền thống hơn 700 năm. Theo đó, ở chợ Viềng này thường bày bán đồ đồng, đồ cơ khí nhiều hơn và trưng bày cổ vật bằng đồng, sứ.

Chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản còn được gọi là chợ Phủ, là do chợ gắn với Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy - thờ Mẫu Liễu Hạnh. Theo đó, người ta tới chợ Viềng - Vụ Bản còn với tâm thức đến lễ Mẫu, xin lộc Mẫu. Họ tin rằng mọi vật dụng mà họ mua trong chợ sẽ được Mẫu - Mẹ chứng giám và phù hộ. Vì thế, người ta vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt. Trung tâm chợ Viềng - Vụ Bản được chuyển vào xã Trung Thành nhằm tạo không gian rộng để du khách vừa đi chợ vừa đi lễ Mẫu đầu năm được thuận tiện hơn.

Trải qua những biến đổi của lịch sử, nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh và hoạt động tín ngưỡng của nhân dân ngày một cao hơn, chợ Viềng xuân - Nam Định đã trở hành điểm giao lưu của khách thập phương về cầu may, mong cho “một năm thuận lợi, cả đời thành công” trên bước đường làm ăn của mình.

Từ chiều mồng 7 Tết, chợ Viềng - Vụ Bản đã “chật cứng” người.

 

Theo lệ, cứ vào khoảng 22 giờ đêm ngày mồng 7 Tết, du khách từ khắp nơi nườm nượp đổ về hai chợ Viềng - Nam Định. Khách thập thương về hội chợ Viềng phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ. Trong đó có nhiều người con của quê hương Nam Định đi lập nghiệp ở nơi xa, khi có điều kiện cũng trở về hội chợ cùng người thân.

Trong những năm gần đây, UBND tỉnh Nam Định cùng hai huyện Vụ Bản, Nam Trực rất quan tâm đến việc tổ chức Hội chợ Viềng xuân hằng năm nhằm tạo điều kiện cho mọi người đến với Hội chợ với một tâm thế phấn khởi, thoải mái và đi lại thuận tiện, an toàn nhất. UBND hai huyện Vụ Bản, Nam Trực đều thành lập Ban chỉ đạo Hội chợ Viềng xuân. Các ngành công an, điện lực, giao thông vận tải ở Nam Định đều huy động lực lượng, phương tiện cao nhất phục vụ Hội chợ. Trong đó, việc bảo đảm giao thông được đặt lên hàng đầu.

Đại tá Trần Văn Luân - Trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (CA tỉnh Nam Định) cho biết, theo kế hoạch bảo vệ lễ hội chợ Viềng, CA tỉnh Nam Định đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an thuộc lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động kết hợp với lực lượng CA tại các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên, Mỹ Lộc, các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và các lực lượng chức năng khác, bảo đảm cho du khách về lễ hội chợ Viềng được an toàn, thông suốt.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, năm nay là năm đầu tổ chức triển khai thực hiện Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, nên công tác tổ chức Hội chợ Viềng xuân có nhiều chyển biến tốt. Ngoài lực lượng CA tỉnh tăng cường bảo đảm giao thông, bảo vệ chợ Viềng, UBND huyện Vụ Bản cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các ngành chức năng của huyện cùng tham gia giải quyết triệt để nạn cờ bạc, ăn xin, trộm cắp; đồng thời tổ chức và quản lý tốt các khu vực họp chợ, bãi đỗ - gửi xe tư nhân… nhằm ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Du khách mua cây giống ở chợ Viềng - Vụ Bản để cầu mong cho một năm làm ăn hòa thuận, phát đạt.

 

Tuy nhiên trong những năm gần đây, hai chợ Viềng xuân - Nam Định cũng bị lạm dụng và biến tướng. Các mặt hàng nông cụ, vật dung gia đình truyền thống ngày một vắng bóng, thay vào đó là hàng nước ngoài hào nhoáng, rẻ tiền hợp túi tiền của người dân thôn quê. Cây, con giống được mua về chủ yếu để trồng cảnh nên bị thương mại hóa, hàng giả. Nhiều du khách mua một cây về những mong lấy may, nhưng mua phải cây giả, hoa được gắn keo 502, thành ra phải lo lắng suốt cả năm. Các dịch vụ ăn theo cũng được “quát” với giá “trên trời”: 150 nghìn đến 200 nghìn đồng một lượt gửi ô-tô; xe máy 50 nghìn đồng/lượt.Trong tối ngày mồng 7, tại khu vực chợ Viềng Vụ Bản chúng tôi chứng kiến, một gia đình gồm năm người từ Hà Nội về hội chợ, vào quán ăn phở bò mà hết những 750.000 đồng, trong đó một mớ rau cần được tính với giá 20.000 đồng…

Vì vậy, để có một Hội chợ Viềng vui hơn, trở thành động lực tinh thần trong đời sống của người dân Việt, bên cạnh sự cố gắng của các cấp chính quyền rất cần đến ý thức tự giác, hành vi cư xử văn hóa của mỗi người dân địa phương cũng như của du khách thập phương mỗi khi đến với: “Chợ Viềng năm có một phiên/ Em đi trẩy hội chợ Viềng vui xuân”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm