Bánh mì hiện đại là một món ăn cổ đại có nguồn gốc xuất xứ từ ít nhất hơn 22.000 năm trước. Mãi cho đến gần đây, mà cụ thể là vào năm 1930, loại bánh mì được cắt thành từng lát và được bán với hình dạng như một chiếc gối mới được phát minh và tạo một hướng đi riêng cho bánh mì truyền thống.
Năm 2004, tại một điểm khai quật có tên gọi là Ohalo II thuộc Israel ngày nay, các nhà khoa học đã tìm thấy những hạt lúa mạch có niên đại 22.000 năm nằm trong những lớp đá mài. Đây là bằng chứng sớm nhất về việc con người đã sử dụng ngũ cốc để chế biến thành món ăn.
“Nhưng những món ăn này không giống như bánh mì mềm mịn mà chúng ta ăn ngày nay, nó giống như những hạt ngũ gốc được đặt trên nền đá nóng hoặc đốt trong lửa hơn,” nhà lịch sử về ẩm thực và là giáo sư tại Đại học Lipscomb, Nashville, Tennessee, cho biết.
Những loại ngũ cốc đầu tiên được trồng và thu hoạch để sử dụng cho mục đích làm thức ăn được bắt đầu ở nền văn hóa Natufian. Bộ tộc Mesolithic chuyên săn bắt thú hoang dã sống ở vùng thung lũng sông Jordan thuộc Trung Đông ngày nay, đã làm điều này từ khoảng 12.500 năm trước.
“Người Natufian được cho là những người đầu tiên thực hiện quá trình chuyển đổi từ ngũ cốc sống, thu hoạch trong tự nhiên thành thực phẩm ăn được. Những người Natufian còn thực hiện áp chế độ kiểm soát thực phẩm lên loại thức ăn từ ngũ cốc, cho thấy chúng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày,” William Rubel, nhà lịch sử ẩm thực và là tác giả của cuốn “Bánh mì: Lịch sử phát triển” xuất bản năm 2011, cho biết.
Nền văn hóa Natufian có một trong những xã hội nông nghiệp được hình thành sớm nhất trên thế giới, họ đã biết cách chế biến nông sản thô thành những chiếc bánh mì nhỏ không lên men và đốt trực tiếp qua lửa.
Trong hàng ngàn năm tiếp theo sau đó, nông nghiệp phát triển khắp Trung Đông và việc trồng ngũ cốc được mở rộng ra đến Tây Nam Á thông qua việc giao thương giữa những bộ tộc ở vùng thung lũng sông Nile, sông Mesopotamia và phía đông thung lũng Indus.
“Bánh mì chính là động lực rất lớn thúc đẩy sự hình thành các chế độ nhà nước và phân cấp hành chính. Bánh mì có thể dự trữ với số lượng lớn, do đó những làng mạc sản xuất ra nhiều bánh mì sẽ dần trở thành các thành phố,” Rubel cho biết thêm.
Hơn 5.000 năm sau kể từ khi người Natufian làm ra bánh mì phẳng, đã có ba nền văn minh phát triển rực rỡ và mở rộng tối đa sự ảnh hưởng của mình trong Thời đại Đồ đồng, là người Ai Cập, người Mesopotamia (ở Iraq ngày nay) và người Harappan (sống ở Thung lũng Indus, nay thuộc Pakistan). Ba nền văn hóa này được xem là lớn nhất trong thế giới cổ đại, phát triển rực rỡ được là do sự phụ thuộc lớn vào bánh mì.
“Bánh mì là thực phẩm chứa nhiều calo. Bánh mì khi đi vào cơ thể có thể giúp no lâu và qua đó con người có thể làm được nhiều công việc hơn. Kể từ đây, chúng ta có những người thợ làm việc cả ngày, điều này sẽ không xảy ra nếu chúng ta không có bánh mì,” Rubel nói.
Bánh mì lên men đầu tiên được làm từ nấm lên men bán tự nhiên vào khoảng năm 1.000 TCN ở Ai Cập. Tuy nhiên, các học giả vẫn đang tranh luận về tính chính xác của giả thuyết này, cũng như đã có nhiều bằng chứng cho thấy người Mesopotamia cũng đã sản xuất được bánh mì lên men trong thời gian đó.
Theo những gì chúng ta biết được, việc sản xuất ra bánh mì lên men là một sự tình cờ. Một nghiên cứu năm 1994 cho thấy, người Ai Cập cổ đại đã sử dụng lúa mạch và lúa mì để nấu bia chua từ bánh mì chua. Họ nướng bột yến mạch thành những ổ bánh mì và hòa với nước để tạo thành bia.
Bia là bánh mì lỏng. Chúng có cùng những thành phần gồm nước, ngũ cốc và men, chỉ khác nhau ở tỷ lệ khác nhau của những thành phần tạo thành. Từ thứ thúc đẩy các nền văn minh phát triển, đến thứ được bày bán rộng rãi ở mọi cửa hàng, bánh mì là món ăn đã gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người, chúng ta đã ăn nó suốt hàng ngàn năm qua.