Khám phá

Đường Bá Hổ có tới 9 người vợ, nổi tiếng phong lưu đa tình? Hóa ra hậu thế đã hiểu sai suốt 500 năm!

Khán giả Việt Nam thường biết tới Đường Bá Hổ qua bộ phim "Đường Bá Hổ điểm Thu Hương" của vua hài Châu Tinh Trì, song ít ai biết rõ sự thật về nhân vật này.

Nguyên mẫu lịch sử của Hoàng hậu Ki: Xuất thân quý tộc Cao Ly nhưng sa cơ thành cung nữ Trung Hoa, sau cùng được Hoàng đế sủng ái bậc nhất / Số phận của cung nữ Trung Hoa thời phong kiến: Thân phận thấp kém, cuộc đời bi ai, chỉ có 2 cái tên may mắn cãi phận

Nếu là một fan trung thành của vua hài Châu Tinh Trì chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với nhân vật Đường Bá Hổ - người đứng đầu "Tứ đại tài tử Giang Nam" trong bộ phim "Đường Bá Hổ điểm Thu Hương".

Đường Dần, tự Bá Hổ (1470-1524) là người Tô Châu, đời Minh. Ông là nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ kiệt xuất thời cổ đại Trung Quốc. Sinh thời Đường Bá Hổ còn tự khắc và sử dụng con dấu cho riêng mình là "Giang Nam đệ nhất phong lưu tài tử".

Qua đời hơn 500 năm nhưng Đường Bá Hổ vẫn là đề tài tranh cãi chưa bao giờ chấm dứt trong giới nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cũng như các thế hệ sau này. Những câu chuyện về ông thường được cải biên thành phim điện ảnh, truyền hình với hình tượng một tài tử phong lưu, đa tình, không màng thế sự. Thế nhưng thực tế có đúng là như vậy?

Tài tử truân chuyên

Đường Bá Hổ sinh ra trong một gia đình thương nhân ở Tô Châu. Tổ tiên của ông là Đường Kiệm (579- 656) một trong 24 vị khai quốc công thần của nhà Đường. Cha của Đường Bá Hổ kinh doanh một quán ăn nhỏ, không phải giàu có nhất vùng nhưng cũng không cần phải lo lắng về tiền bạc.

Đường Bá Hổ có tới 9 người vợ, nổi tiếng phong lưu đa tình? Hóa ra hậu thế đã hiểu sai suốt 500 năm! - Ảnh 1.
Châu Tinh Trì trong vai Đường Bá Hổ. Nguồn: Sohu.

Từ nhỏ ông đã chứng tỏ bản thân là một cậu bé vô cùng thông minh hiếu học, cha Đường Bá Hổ cũng thường tự hào khoe với những vị khách của mình rằng con trai ông nhất định sẽ thành danh. Năm 16 tuổi, Đường Bá Hổ đi thi Tú tài và đứng đầu bảng song vì cảm thấy việc đọc sách không còn hấp dẫn nên ông bỏ ngang không thi các kỳ thi cấp cao hơn.

Năm Đường Bá Hổ 24 tuổi, bi kịch gia đình ập đến. Chỉ trong một thời gian ngắn, 5 người trong gia đình ông gồm bố, mẹ, vợ, con trai và em gái lần lượt qua đời. Theo đó gia đình cũng ngày càng xuống dốc, kiệt quệ. Đường Bá Hổ chìm vào tháng ngày rầu rĩ, mất phương hướng, cuối cùng trụy lạc nơi đèn hoa.

Bấy giờ người bạn thân thiết của ông là Chúc Doãn Minh (1460- 1526) một nhà thơ, nhà thư pháp, học giả nổi tiếng triều Minh- cũng là một trong Tứ đại tài tử đã khuyên bảo và vực dậy Đường Bá Hổ, thuyết phục ông tiếp tục đi thi.

Sau đó, Đường Bá Hổ đạt được vị trí đứng đầu trong kỳ thi Hương, tiếp tục lên kinh thi Hội. Tuy nhiên, vận xui vẫn bám lấy ông. Sau khi thi xong, vì tự cao tự đại, Đường Bá Hổ chưa cần đợi ngày công bố bảng vàng đã mở tiệc ăn mừng.

Hành vi này đã khiến rất nhiều thí sinh khác không vừa mắt, tố cáo ông gian lận. Cũng trùng hợp là trước kỳ thi, Đường Bá Hổ từng đến thăm giám khảo một lần. Cuối cùng ông bị khép vào tội gian lận, phạt đánh 50 roi và đuổi về quê.

 

Trở về tay trắng, dù là một vị tài tử thì cũng phải lao động để sống qua ngày. Đường Bá Hổ bái danh họa Chu Thần (1460- 1535) làm sư và chuyển sang bán tranh. Chẳng mấy chốc ông đã tự sáng tạo một trường phái riêng cho mình.

Sở dĩ tranh của Đường Bá Hổ đạt đến thành tựu thượng đẳng, một phần vì ông biết học tập, cách tân, sáng tạo và cũng biết giải phá những khuôn khổ của hoạ phái phương Bắc, hoạ phái Giang Nam, viện thể Nam Tống và cả trường phái văn nhân sơn thuỷ hoạ thời Nguyên.

Đường Bá Hổ có tới 9 người vợ, nổi tiếng phong lưu đa tình? Hóa ra hậu thế đã hiểu sai suốt 500 năm! - Ảnh 3.
Một bức tranh của Đường Bá Hổ còn được lưu giữ. Nguồn: Sohu.

Cống hiến nổi bật của Đường Bá Hổ đối với lịch sử hội họa Trung Quốc là ở chỗ ông đã tổng hợp được những tinh hoa của Nam tông – Bắc phái, dung hoà được Thi tình – Hoạ ý và đạt được sự giao dung trong mối quan hệ: Thi – Thư – Hoạ.

Phần lớn hoạ phẩm của ông hiện được trưng bày tại các bảo tàng: Bắc Kinh, Đài Bắc, Thượng Hải, Tứ Xuyên và một số bức hiện được tàng lưu ở Mỹ như bức Hoa Sơn.

Hiểu lầm 500 năm của hậu thế

Trong giai đoạn này ông cũng gặp Trầm Cửu Nương (1475- 1512)- người phụ nữ đã bên ông cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Cái tên "Trầm Cửu Nương" với "Cửu" nghĩa là số 9 đã khiến nhiều người lầm tưởng Đường Bá Hổ có đến 9 người vợ, đây cũng là nguyên nhân chính khiến hậu thế thường nghĩ đến ông với hình tượng phong lưu đa tình.

 

Trầm Cửu Nương đã ở bên Đường Bá Hổ quãng thời gian khó khăn nhất này. Tiền bán tranh của ông khi ấy không được bao nhiêu, bà phải làm việc vất vả để chăm sóc cho gia đình.

Thế nhưng số phận bi thảm vẫn bám lấy Đường Bá Hổ. Năm ấy Tô Châu lũ lụt, gia đình túng thiếu, vì làm việc quá sức mà Trầm Cửu Nương mắc bệnh nan y rồi qua đời. Đường Bá Hổ đau khổ chẳng cầm lại được bút, một mình nuôi con. Sau này vì quá chán nản thế sự, ông ẩn cư nghiên cứu Phật pháp và qua đời ở tuổi 45.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm