Khám phá

Gấu Bắc cực sẽ biến mất vào năm 2100?

Trước diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, chuyên gia dự báo gấu Bắc cực sẽ biến mất vào cuối thế kỷ.

Gấu Bắc cực đực kịch chiến giành giật tình yêu / 'Nín thở' xem gấu Bắc Cực mẹ dẫn đàn con bơi vượt biển

Khí thải nhà kính vẫn bao trùm trên nơi loài gấu trắng sinh sống. Nếu nhiệt độ cứ tiếp tục gia tăng thì đến năm 2100 loài vật này sẽ không còn tồn tại. Gần hơn, vào năm 2040, nhiều cá thể gấu Bắc cực sẽ khó hoặc không thể sinh sản, dẫn đến tuyệt chủng cục bộ. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

Gấu Bắc cực sẽ biến mất vào năm 2100? - 1

Gấu tuyết có thể nhịn ăn trong nhiều tháng nhưng điều này không tốt cho sức khỏe sinh sản của chúng, dẫn tới sự suy giảm cá thể loài. Ảnh: Katharina M Miller/Polar Bears International.

Viễn cảnh tuyệt diệt

Nghiên cứu được thực hiện bởi Péter K. Molnár, Cecilia M. Bitz cùng các cộng sự, chỉ ra 2 viễn cảnh có thể xảy ra cho loài gấu trước sự nóng lên toàn cầu.

Thứ nhất, khi con người cứ tiếp tục thả khói bụi ô nhiễm ra ngoài môi trường, gấu Bắc cực có thể sẽ chỉ còn lại ở Quần đảo Queen Elizabeth (cụm đảo nằm xa nhất về phía bắc trong quần đảo Bắc cực của Canada) vào cuối thế kỷ. Thứ hai, khi khí thải được giảm bớt ở mức độ vừa phải, vẫn có khả năng phần lớn các quần thể gấu Bắc cực sẽ gặp phải sự cố sinh sản vào năm 2080.

 

Gấu Bắc cực sẽ biến mất vào năm 2100? - 2

Bản đồ cho thấy nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến gấu Bắc cực năm 2020, 2080 và sau đó. Màu xanh: Không có nguy cơ, Màu vàng: Có ít, Màu đỏ: Có nhiều. Ảnh: Polar Bears International.

Tập tính của loài gấu này không tìm thức ăn trên đất liền mà tìm trên các tảng băng trôi. Nhưng khi băng biển giảm sút vì biến đổi khí hậu, chúng cũng sẽ chết theo vì đói. Gấu trắng có một cuộc sống xoay chuyển giữa 2 trạng thái no nê phì nhiêu và ốm đói trong một năm.

Vào mùa đông, nhiệt độ giảm thấp và băng tuyết tăng nhiều, gấu sẽ cố gắng săn bắt để ăn, tích trữ năng lượng sống sót qua những tháng hè khi mà những tảng băng tan đi, gấu buộc ở lại trên đất liền.

 

Gấu Bắc cực sẽ biến mất vào năm 2100? - 3

Nghiên cứu chỉ ra nhiều vấn đề tiêu cực sẽ xảy ra với gấu tuyết ở Alaska và vùng cực của Nga cuối thế kỷ này. Ảnh: Katharina M Miller/Polar Bears International.

Phía nam Alaska, các nhà sinh vật học đã chứng kiến ​​số lượng gấu Bắc cực giảm từ 25% đến 50% trong thời kỳ băng tan khi những con gấu bị buộc phải nhịn ăn quá lâu. Ngoài ra, ở phía tây vịnh Hudson, một trong những môi trường sống của gấu tuyết, số lượng đã giảm khoảng 30% kể từ năm 1987.

Thắp sáng hy vọng

 

Các nhà khoa học tính toán trên cơ thể gấu Bắc cực trong 2 trạng thái lúc tích mỡ và lúc khan hiếm thức ăn. Lập mô hình để tính số ngày mà gấu có thể nhịn đói trước khi kiệt sức mà chết. Sau đó, họ kết hợp các ngưỡng đó với số ngày dự kiến ​​không có băng trên biển trong tương lai để xác định số lượng loài này bị ảnh hưởng như thế nào ở các khu vực khác nhau trên Bắc cực.

Kết quả cho thấy ngay cả khi con người giảm thiểu khí thải, một số quần thể gấu cũng sẽ bị tuyệt chủng, không thể tránh khỏi viễn cảnh u ám đó. Tuy nhiên nếu chúng ta hành động sớm, đến cuối thế kỷ sẽ có vài loài gấu được cứu sống dù là số ít.

Theo ông Steven Amstrup, nhà khoa học trưởng của Polar Bears International đã thực hiện nghiên cứu khảo sát 13 trong số 19 quần thể gấu trắng trên toàn thế giới nhằm nỗ lực bảo vệ số lượng loài gấu này trong tương lai, khi cả thế giới cùng nỗ lực giảm thiểu khí thải, kết quả sẽ thấy được sau từ 25 năm đến 30 năm tới.

 

Gấu Bắc cực sẽ biến mất vào năm 2100? - 4

Nỗ lực cứu sống loài gấu cần thực hiện ở quy mô toàn cầu chứ không cục bộ tại một khu vực nào đó. Ảnh: BJ Kirschhoffer/Polar Bears International.

Không giống như các loài khác bị đe dọa bởi săn bắn hoặc phá rừng, gấu Bắc cực chỉ có thể được cứu sống nếu môi trường của chúng được bảo vệ, đòi hỏi phải giải quyết biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu.

Mặc dù đưa ra các con số không mấy khả quan, nhưng nghiên cứu giúp các nhà hoạt động môi trường và chính phủ các nước có cơ sở để đưa ra nhiều chính sách hiệu quả. Hiện tại, lượng CO2 trong khí quyển đã quá cao đến nỗi phải mất ít nhất 3 thập kỷ sau khi con người ngừng phát thải để biến mất, nhưng thời gian đó cũng đủ để cứu vãn một số ít loài gấu.

 

Ngoài dẫn ra các số liệu khoa học, nghiên cứu còn đi đến kết luận: số phận của những chú gấu trắng này đang nằm trong tay chúng ta - con người. Bất cứ cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào cùng nên trang bị cho mình những kiến thức nhất định về thiên nhiên môi trường vì tương lai của thế giới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm