Khám phá

Gian nan 17 năm lần tìm rùa Hoàn Kiếm

Ngày 18/12/2020, khi Sở NN&PTNT Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm gen và giới tính của cá thể rùa Hoàn Kiếm bẫy bắt được ở hồ Đồng Mô, anh Hoàng Văn Hà, điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á viết trên Facebook cá nhân “Đó là ngày vui nhất năm”.

Phát hiện hóa thạch ’rùa mai dày’ ở Columbia / Rùa đực ngã ngửa khi 'mây mưa' với bạn tình

Ăn chực nằm chờ bẫybắt rùa Hoàn Kiếm

Năm 2020, mùa đông đến sớm, nhiều đêm tháng 10 trên hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) rét buốt. Trong căn nhà hoang bên hồ được dùng tạm làm lán trại, cán bộ của Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) cùng những ngư dân, cứ 2 tiếng lại trở dậy một lần để đi kiểm tra lưới bẫy xem rùa có xuất hiện, có vướng vào lưới hay không.

Kế hoạch bẫy bắt cá thể rùa Hoàn Kiếm để xác định giới tính là một phần quan trọng trong nỗ lực khôi phục quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới với chỉ 3 cá thể được ghi nhận chính thức. Lên kế hoạch từ cuối năm 2018 nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có đại dịch COVID-19, đến tháng 6/2020, kế hoạch mới được triển khai…

Gian nan 17 năm lần tìm rùa Hoàn Kiếm - ảnh 1
Thực hiện giăng lưới để bẫy bắt cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Ảnh: ATP cung cấp.

Kể từ năm 2007, khi phát hiện một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, ATP luôn cử cán bộ theo dõi, bảo vệ cá thể này. Thời kỳ cao điểm bẫy bắt rùa, suốt từ tháng 6-9/2020, cán bộ của ATP túc trực 24/24 giờ chỉ để làm một công việc khá buồn tẻ, quan sát liên tục khắp vùng hồ rộng 1.400 ha xem rùa có nổi hay không, nổi vào lúc nào, nhiệt độ mặt nước khi ấy là bao nhiêu. Mặt hồ Đồng Mô rộng mênh mông, nhiều đảo nổi, góc khuất, với chiếc máy ảnh hàng nghìn USD tự sắm, anh Nguyễn Tài Thắng, điều phối viên dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm ngồi hàng giờ giữa đám lau bụi hoặc trên một lán nhỏ ven hồ để quan sát.

Thời tiết mùa hè nắng gắt, anh Thắng cũng như những cán bộ bảo tồn khác luôn trong tình trạng “đen nhẻm như thổ phỉ, râu ria lùm xùm, ăn uống tạm bợ khi thì mỳ tôm, lúc thì bánh mỳ”. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng những cơn mưa dông bất chợt trên hồ. “Dông trên hồ thường đến rất nhanh và đột ngột, nếu không có kinh nghiệm nhìn thời tiết, hướng gió để chèo thuyền về sớm trú ẩn sẽ cực kỳ nguy hiểm”, anh Thắng kể.

Anh Hoàng Văn Hà chia sẻ, thực ra đó không chỉ tin vui nhất trong năm nay mà là tin vui nhất hơn chục năm qua, khi anh gắn bó với công tác bảo tồn rùa Hoàn Kiếm này.

Gần 3 tháng như thế, đến ngày 22/9, Tổ bẫy bắt rùa đã dẫn dụ rùa về khu vực rộng khoảng 90 ha để giăng lưới. Cùng với cán bộ bảo tồn ATP, hơn 20 ngư dân là những người dày dạn kinh nghiệm sương gió được thuê để thực hiện công việc bẫy bắt. Tranh thủ ngôi nhà bỏ hoang bên bờ hồ, Tổ bẫy bắt dựng thành lán trại, chia ca thay phiên nhau túc trực tại khu vực giăng lưới.

Gian nan 17 năm lần tìm rùa Hoàn Kiếm - ảnh 2
Anh Nguyễn Tài Thắng đi đến bản làng vùng sâu để thu thập thông tin về loài rùa Hoàn Kiếm. Ảnh: ATP cung cấp.

Rồi, gần tháng ăn chực nằm chờ, ngày 22/10, khi thấy rùa xuất hiện gần mép lưới, việc bẫy bắt đã được thực hiện thành công. Ngay sau đó, Tổ thú y do Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã WCS đã cử cán bộ đến Đồng Mô để lấy mẫu gen, mẫu máu xét nghiệm, máy siêu âm cũng được huy động để xác định giới tính cá thể rùa.

 

Kết quả phân tích gen cho thấy, đây là cá thể rùa cùng loài với rùa Hoàn Kiếm và là cá thể rùa cái, mở ra những hy vọng mới cho việc khôi phục quần thể loài rùa quý hiếm này. Anh Hoàng Văn Hà chia sẻ, thực ra đó không chỉ tin vui nhất trong năm nay mà là tin vui nhất hơn chục năm qua, khi anh gắn bó với công tác bảo tồn rùa Hoàn Kiếm này.

Ði 28 tỉnh thành tìmdấu vết rùa Hoàn Kiếm

Chương trình Bảo tồn rùa châu Á bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1998 với sứ mệnh tìm kiếm và bảo tồn những loài rùa quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao, trong đó dự án bảo tồn Rùa Hoàn Kiếm, loài rùa mai mềm khổng lồ quý, hiếm nhất thế giới được khởi động vào năm 2003. Năm 2007, sau 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được thành quả đầu tiên khi chụp được một bức ảnh về cá thể rùa mai mềm khổng lồ tại hồ Đồng Mô, ghi nhận sự có mặt của loài này bên ngoài Hồ Gươm. Từ đó, ATP thuê một ngư dân địa phương là anh Nguyễn Văn Trọng hàng ngày tuần tra, bảo vệ và ghi chép tất cả di biến động về cá thể rùa này.

Công cuộc bảo vệ cá thể rùa cũng nhiều phen thót tim. Anh Hoàng Văn Hà nhớ lại, năm 2008 trong trận lụt lịch sử ở Hà Nội, ATP lo ngại cá thể rùa trong hồ có thể thoát ra sông Tích rồi ra sông Hồng sau khi đập Đồng Mô bị vỡ. Nếu điều đó xảy ra thì công cuộc bảo tồn thành công cốc. Vì thế, ATP đã dùng lưới để ngăn rùa thoát ra. 10 đêm liên tiếp, trong điều kiện sương lạnh, anh Hà và anh Trọng thay nhau ngủ ngay bên bờ sông, đúng nghĩa màn trời chiếu đất để canh rùa. Cá thể rùa Hoàn Kiếm sau đó bị ngư dân địa phương bắt giữ. Nhờ sự can thiệp tích cực của ATP, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và cơ quan chức năng, rùa được trả về hồ Đồng Mô. Đó cũng là lần đầu tiên, những bức ảnh cận cảnh cá thể rùa Hoàn Kiếm này được chụp lại.

Cùng với việc bảo vệ rùa Hoàn Kiếm ở Đồng Mô, cán bộ ATP không ngừng “lùng sục” khắp những nơi có niềm hy vọng để tìm loài rùa này. Gắn bó với ATP từ năm 2010, khi mới tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, anh Nguyễn Tài Thắng đã dành những năm tháng thanh xuân rong ruổi trên nhiều cung đường ở 28 tỉnh thành miền Bắc Việt Nam để tìm rùa Hoàn Kiếm. Loài rùa này từng có một vùng phân bố rất rộng lớn từ phía nam sông Dương Tử (Trung Quốc) đến miền Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Trên chiếc xe máy, anh Thắng khi thì ngược lên tận Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, khi thì vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Loài rùa có đặc tính bí ẩn này thường sinh sống ở vùng sông sâu, hồ rộng, nước xiết. Vì thế, những nơi anh Thắng đến hầu hết là vùng rừng rú hoang vu, sông sâu nước cả, đường sá hiểm trở.

 

Anh Hà chia sẻ, chặng đường đi để bảo tồn rùa Hoàn Kiếm vẫn còn rất dài và rất nhiều thử thách ở phía trước, làm thế nào để tìm kiếm thêm những cá rùa mới, bảo tồn những cá thể đã phát hiện, xác định giới tính, nhân nuôi và sinh sản. Đó là một con đường nhiều chông gai, thử thách và những cán bộ của ATP vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Anh Hoàng Văn Hà chia sẻ, gắn bó với bảo tồn rùa cần sự kiên trì đến kinh ngạc. Thử tưởng tượng mất đến 2 năm trời ăn chực nằm chờ, cán bộ ATP mới chụp được một bức ảnh rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh. Phải mất nhiều năm trời, những người làm công tác bảo tồn loài rùa này mới nhận được tin vui như phát hiện thêm các thể mới hay như tin bẫy bắt thành công và xác định được giới tính.
Anh Thắng kể, sau khi lấy vợ có con, những chuyến đi dài ngày như thế khiến thời gian anh dành cho gia đình không nhiều, nên có lúc muốn dừng lại, để tìm hướng đi mới nhưng rồi lại nghĩ, mình đã dành cho loài rùa này bao năm, bao mồ hôi công sức bỏ ra, rẽ ngang không đành. Thế là quyết định ở lại, chớp mắt cũng đã 10 năm.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm