Khám phá

Hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler (Kỳ IV)

Khi nghe lời kể của người chứng kiến phản ứng tức thì của Hitler với thuốc trong mũi tiêm, người ta có thể đoán loại thuốc đó là một loại thuốc kích thích thuộc nhóm amphetamine hoặc cocaine.

Xác ướp một bào thai hé lộ quy trình phẫu thuật thời cổ xưa / Bí ẩn bên trong lăng mộ nữ ca sĩ hoàng gia thời Pharaoh

Kỳ IV:“Nghi can” amphetamine
Theo tác giả Heston, trong hai khả năng trên, amphetamine là “nghi can” số một vì amphetamine dạng tiêm rất sẵn có còn tiêm cocaine là bất hợp pháp. Ngoài ra, tác dụng của amphetamine kéo dài từ hai đến ba giờ, trong khi tác dụng của cocaine ngắn hơn. Trong thực tế, thời gian chịu tác dụng thuốc của Hitler tương đối dài.
Hitler trao bội tinh hiệp sĩ cho bác sĩ Morell năm 1944.
Hitler trao bội tinh hiệp sĩ cho bác sĩ Morell năm 1944.
Amphetamine giúp người dùng tăng năng lượng, cải thiện tâm trạng nhưng hiện nay loại thuốc này bị cấm vì chúng gây nghiện khủng khiếp và có quá nhiều tác dụng phụ gây suy nhược. Dù chỉ một lượng vừa phải, amphetamine cũng có thể gây chứng mất ngủ (tác dụng mà Hitler trải qua) và chán ăn. Khi liều tăng lên, số lượng phản ứng phụ cũng như cường độ cũng tăng. Tác dụng phụ về mặt tâm lý gồm phấn khích, cáu kỉnh, hoang tưởng, bốc đồng, mất kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ cứng nhắc, ám ảnh với các chi tiết nhỏ nhặt. Vì những triệu chứng này khiến người dùng không có khả năng hiểu các sự kiện và bối cảnh xung quanh nên hay đưa ra các quyết định sai lầm.
Hitler chịu đựng tất cả các triệu chứng này. Theo lời các tướng của Hitler, suy nghĩ của hắn thực sự bị ảnh hưởng, không thể đưa ra các quyết định khôn ngoan, lý trí. Một số vị tướng còn cho rằng hắn đã mất trí.

Amphetamine đã khiến Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc sớm?

Một trong những lý do mà chiến tranh ở châu Âu kết thúc vào mùa xuân năm 1945, chứ không phải nhiều tháng và năm sau đó là: Ngay cả khi nước Đức đang ở thế bất lợi, Hitler vẫn yêu cầu các chỉ huy cố thủ để giữ từng cm mét đất mà họ đã chiếm được trên chiến trường, cho dù khi tình hình trở nên vô vọng. Ví dụ như cuối năm 1942, tướng Friedrich von Paulus, chỉ huy đơn vị lục quân số 6 đã xin phép rút binh sĩ khỏi thành phố Stalingrad của Liên Xô để tránh bị lực lượng Liên Xô mạnh hơn bao vây. Thời điểm đó, Hitler đang được tiêm hàng ngày. Hắn đáp lại một cách điên rồ rằng đơn vị lục quân số 6 có thể rút khỏi Stalingrad, miễn là vẫn có thể giữ được Stalingrad.
Không thể nghĩ ra cách nào vừa bỏ vị trí lại vừa giữ được vị trí đó cùng lúc, tướng Paulus tuân lệnh ở lại thành phố. Stalingrad bị bao vây vài tuần sau đó. Tháng 1/1943, đơn vị này đầu hàng. Có tới 800.000 binh sĩ phe Trục tử trận tại Stalingrad. Nếu Hitler cho phép rút quân thì hàng trăm nghìn binh sĩ Đức sẽ sống để có thể chiến đấu thêm một thời gian nữa và cuộc chiến có thể kéo dài hàng năm. Thay vào đó, trận Stalingrad lại là bước ngoặt cuộc chiến và là khởi đầu cho hồi kết của Đức quốc xã. Có thể nói, chính bác sĩ Morell và những liều amphetamine của ông ta đã giúp cho chiến tranh kết thúc sớm.
Ngoài tác dụng phụ về tâm lý do lạm dụng amphetamine, loại thuốc này còn gây ra một số tác dụng phụ khác như co giật, run rẩy, có những hành vi ép buộc như liên tục cấu hay cắn vào da mình. Với Hitler, hắn co giật, đầu giật mất kiểm soát, cơ thể run rẩy. Cơn run bắt đầu từ tay trái và lan xuống chân trái, rồi tay phải. Hắn thể hiện ít nhất hai loại hành vi điển hình: cắn vào da quanh móng tay và ngón tay cái, ngón tay trỏ và ngón tay giữa; cấu và cào da phía sau cổ cho đến khi bị nhiễm trùng.
Cơn run ở chân trái khiến Hitler không thể đi lại bình thường. Tuy nhiên, có cách giải thích khác cho dáng đi chậm chạp, lết chân, mất chức năng vận động trong thời gian cuối đời của Hitler. Lạm dụng amphetamine lâu năm gây tác hại khủng khiếp với hệ tim mạch và có thể gây đau tim và đột quỵ. Điện tâm đồ của Hitler tháng 7/1941 và tháng 9/1943 cho thấy chức năng tim của hắn suy giảm giữa hai thời gian này.
Trong số những tài liệu còn lại của bác sĩ Morell, có một bài viết trên một tạp chí y khoa tháng 6/1943 có thể cung cấp thêm một bằng chứng. Tên của bài viết là: “Cách chữa đau tim”. Sau đó, tháng 2/1945, tác giả Heston lại viết: “Hitler trải qua ít nhất một cơn đột quỵ nhẹ nhưng hắn có thể đã phải gặp nhiều cơn đột quỵ hơn. Trong thực tế, sức khỏe suy giảm từ sau lần đó cho thấy Hitler có dấu hiệu bệnh tim mạch. Việc một người đàn ông 56 tuổi khỏe mạnh vừa bị cả đau tim lẫn đột quỵ là điều rất khó xảy ra. Lời giải thích hợp lý nhất cho điều này là cả hai lần đều liên quan tới việc tiêm amphetamine vào tĩnh mạch”. Tháng 5/1945, Hitler gần với tử thần đến mức nếu hắn không tự tử thì cái chết cũng chỉ là vấn đề thời gian.
Bác sĩ Morell vẫn ở cạnh Hitler cho đến tận gần phút chót. Điều mỉa mai là nguyên nhân khiến Hitler bất đồng với bác sĩ lang băm Morell yêu quý chính là một mũi tiêm. Hitler đã quyết định ở nguyên trong boongke ở Berlin và tự tử trước khi thành phố rơi vào tay quân Liên Xô. Nhiều người trong số các nhân vật thân cận của Hitler muốn hắn trốn tới dãy núi ở miền nam nước Đức. Tại đây, hắn có thể chỉ huy nhóm tàn quân để cầm cự đến cùng.
Tuy nhiên, Hitler không nghe lời khuyên này của các phụ tá. Hắn quyết tâm chết ở thủ đô Berlin. Tuy nhiên, hắn sợ các cấp dưới sẽ đánh thuốc mê và đưa hắn ra khỏi Berlin trái ý. Còn ai có thể tiêm thuốc mê tốt hơn bác sĩ Morell? Khi bác sĩ này tới gặp Hitler ngày 21/4 với một xy lanh bơm đầy chất mà không ai biết là cái gì, có thể là thêm amphetamine, ông đã gặp một Hitler nổi điên và bị hắn sa thải ngay tại chỗ. Bác sĩ Morell không bận tâm tới chuyện đó. Lúc này, bom đã dội lên trên boongke suốt ngày đêm và bác sĩ Morell đang tuyệt vọng tìm cớ để ra khỏi boongke.
Ông Morell ra được khỏi Berlin và sống sót sau chiến tranh. Nhưng không lâu sau, chỉ vài ngày trốn khỏi thành phố, ông ta đã phải nhập viện vì có vấn đề về tim. Ngày 17/7/1945, ông ta bị người Mỹ bắt và bỏ tù. Sau khi các điều tra viên xác định rằng ông Morell không phạm bất kỳ tội ác chiến tranh nào, ông ta đã được thả. Sức khỏe của ông Morell tiếp tục xấu đi. Đến tháng 6/1947, ông ta lại phải trở lại bệnh viện và nằm liệt giường đến tháng 5/1948 thì chết sau khi bị đột quỵ.

Hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler phần 1 (CHI TIẾT)

Hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler phần 2 (CHI TIẾT)

Hồ sơ bệnh án của trùm phát xít Hitler phần 3 (CHI TIẾT)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm