Khám phá

Hỗ Tam Nương và bi kịch của một kiệt nữ trên Lương Sơn Bạc

108 anh hùng Lương Sơn Bạc, chỉ có 3 đầu lĩnh là nữ, nếu không tính trường hợp của Quận chúa Cừu Quỳnh Anh, vợ Một Vũ tiễn Trương Thanh đến phần “Tục Thủy Hử” mới xuất hiện. Trong 3 cái tên: Mẫu Dạ Xoa Tôn Nhị Nương, Mẫu Đại Trùng Cố Đại Tẩu và Nhất Trượng Thanh Hỗ Tam Nương, thì nữ kiệt họ Hỗ...

Xem đi xem lại Thủy Hử, mấy ai biết được ý nghĩa thực sự của tên phim / Thủy hử: Bí mật về cây Nhật Nguyệt Quyền Trượng của Lỗ Trí Thâm

Hỗ Tam Nương: mỹ nữ - kiệt nữ

So với Tôn Nhị Nương, vẻ ngoài diêm dúa, ngoại hình có phần kém sắc, cùng với chồng Thái Viên tử Trương Thanh mở quán rượu trá hình nhằm đánh thuốc mê, cướp của giết người làm nhân bánh bao và Cố Đại Tẩu, vốn nóng tính, có tướng đàn ông, làm nghề chủ sòng bạc và quán nhậu cùng chồng Tôn Tân thì Hỗ Tam Nương ở một đẳng cấp hoàn toàn khác.

ho tam nuong va bi kich cua mot kiet nu tren luong son bac hinh anh 1

Nhất Trượng Thanh Hỗ Tam Nương và chuỗi ngày ngập tràn bi kịch ở Lương Sơn.

Biệt hiệu của nàng, Nhất Trượng Thanh, tức “Cô cao một trượng” ít nhiều cũng cho thấy ngoại hình sắc vóc cũng như cá tính hơn người của Hỗ Tam Nương. Kiệt nữ họ Hỗ “ra mắt” ở hồi 46 Thủy Hử nhân chuyện Lương Sơn khởi binh đánh Chúc Gia Trang

Thi Nại Am viết: “Hỗ Gia Trang thì Hỗ Thái Công làm chủ, có một người con trai tên là Phi Thiên Hổ Hỗ Thành, võ nghệ cũng khá. Duy có một người con gái anh hùng nhất là Nhất Trượng Thanh Hỗ Tam Nương, khiến đôi Nhật Nguyệt Đao ngồi trên mình ngựa không ai chống nổi”. Tại Độc Long Cương, Hỗ Gia Trang cùng với hai nhà Chúc, Lý là những thế lực tài chủ mạnh nhất. Hỗ Tam Nương chưa đến mức con nhà trâm anh thế phiệt, nhưng cũng thuộc dòng dõi danh gia có tiếng, được giáo dục đủ đầy từ nhỏ.

Thủy Hử không nói rõ thời điểm Lương Sơn xuất quân tới Độc Long Cương, Hỗ Tam Nương bao nhiêu tuổi, nhưng có lẽ chưa tới đôi mươi. Lúc đó, Hỗ Tam Nương đã có hôn ước với tam thiếu gia nhà họ Chúc, Chúc Bưu: “Hỗ Gia có một nữ tướng là Nhất Trượng Thanh Hỗ Tam Nương, khiến đôi khẩu Nhật Nguyệt Đao rất tài giỏi, mà sắp gả cho con thứ ba họ Chúc nay mai”. Mối quan hệ giữa Chúc Bưu và Hỗ Tam Nương có thể coi là thanh mai trúc mã, lớn lên cùng nhau trong hoàn cảnh hai nhà Hỗ - Chúc vô cùng thân thiết và họ chỉ còn chờ ngày chính thức thành thân mà thôi.

ho tam nuong va bi kich cua mot kiet nu tren luong son bac hinh anh 2

Hỗ Tam Nương, dung mạo xinh đẹp, võ nghệ siêu quần.

 

Mười hiệp bắt sống Vương Anh, đánh ngang Âu Bằng, Mã Lân

Mà Hỗ Tam Nương không chỉ đẹp người, là con nhà danh giá mà còn võ nghệ siêu quần. Thủy Hử hồi 47 viết, Hỗ Tam Nương chỉ qua một trận đánh cũng đủ để khiếp đảm quần hùng Lương Sơn như thế này:

“Bên kia Nhất Trượng Thanh cũng xốc ngựa múa đao ra đấu với Vương Nụy Hỗ, đôi bên quân sĩ reo hò cả lên. Hai bên đánh nhau được mười lăm hiệp, thì Tống Giang thấy Vương Nụy Hỗ đã hơi luống cuống, chỉ quanh co che đỡ mà không đánh được hiệp nào nữa. Nguyên Vương Nụy Hỗ mới thấy Nhất Trượng Thanh đã tưởng là dễ bắt được ngay, ai ngờ đâu được hơn mươi hiệp thì chân tay đã mỏi mệt điên đảo, mà Nhất Trượng Thanh thì tinh thần vẫn vững chãi không hề khiếp loạn chút nào. Bấy giờ Nhất Trượng Thanh thấy vậy, liền múa đao hăng hái xông vào. Vương Nụy Hỗ không sao địch nổi, đành phải quay ngựa toan chạy về bản trận. Bị Nhất Trượng Thanh thừa thế tay phải xách hẳn ra ngoài mình ngựa, rồi bọn tranh khách túm đến mà bắt ở trận tiền”.

Không chỉ hơn chục hiệp bắt sống Vương Anh, Hỗ Tam Nương còn không hề kém phân khi giao đấu những tay võ tướng dày dạn kinh nghiệm như Âu Bằng hay Mã Lân: “Âu Bằng đứng ngoài thấy vậy, vội múa đao xông vào để đánh Nhất Trượng Thanh. Nhất Trượng Thanh lại múa đao xông ngựa đến đánh Âu Bằng. Nguyên Âu Bằng là một tay lính võ xuất thần, khiến một cây thiết trang rất giỏi. Tống Giang ngồi trên mình ngựa vẫn đắc chí khen thầm, song cũng không sao mà đánh đổ Nhất Trượng Thanh cho được. Mã Lân lại dẫn người sang toan cướp Vương Nụy Hỗ về. Nhất Trượng Thanh thấy vậy, bèn bỏ Âu Bằng mà sang đánh với Mã Lân. Đôi bên đều ngồi trên mình ngựa múa đánh song đao, vù vù như gió thổi, loàng nhoàng như tuyết sa”.

ho tam nuong va bi kich cua mot kiet nu tren luong son bac hinh anh 3

Trong trận giao chiến với Vương Anh, Hỗ Tam Nương chỉ mất 10 hiệp để bắt sống đầu lĩnh Lương Sơn.

 

Chịu cảnh diệt tộc, cùng đường phải ở Lương Sơn

Nhưng từ việc Thời Thiên trộm gà bị nhà họ Chúc bắt, đến chuyện Lý Ứng giao chiến với Chúc Bưu dính tên trúng thương rồi Tống Giang kéo nghĩa quân Lương Sơn đến đánh dẹp, cuộc đời của tiểu thư con nhà hào phú họ Hỗ đã rẽ sang một bước ngoặt không thể ngờ nổi, với đầy nỗi bi thương và ẩn ức. Khác với Tôn Nhị Nương, Cố Đại Tẩu vốn phường giang hồ có máu mặt, tự nguyện lên Lương Sơn nhập bọn, Hỗ Tam Tương bị ép vào thế không thể không “nương” ở bến nước.

Không được Thi Nại Am nhắc đến nhiều trong danh tác của mình nhưng nếu đọc thật sâu, thật kĩ Thủy Hử chúng ta có thể cảm nhận được nỗi niềm và bi kịch của nữ nhân họ Hỗ ở Lương Sơn. Thậm chí, có thể nói nàng, dù là thân nữ nhi nhưng lại là người mang trong mình nhiều ẩn ức hơn tất cả những nam nhân của Bến nước.

Hỗ Tam Nương trở thành đầu lĩnh Lương Sơn trong hoàn cảnh như thế nào? Người hứa hôn với nàng Trúc Bưu bị giết, cả nhà nàng trừ anh trai Hỗ Thành trốn đi biệt xứ, không một ai toàn mạng. Toàn bộ cơ ngơi nhà họ Hỗ cũng bị san bằng cùng vớ hai nhà Chúc - Lý sau thắng lợi của nghĩa quân Lương Sơn. Lý Quỳ, kẻ với đôi bản phủ trên tay chính là cừu thù giết cả nhà nàng, cả ý trung nhân của nàng, thì ngày nào trên Lương Sơn Hỗ Tam Nương cũng phải giáp mặt, một tiếng huynh trưởng, hai tiếng ca ca.

ho tam nuong va bi kich cua mot kiet nu tren luong son bac hinh anh 4

Gia tộc bị quân Lương Sơn tàn sát, Hỗ Tam Nương phải ngậm đắng nuốt cay “nương nhờ” nơi bến nước.

 

“Chúc Bưu liền vỗ ngựa chạy thẳng đến Hỗ Gia, bị Hỗ Thành sai trang khách trói lại, rồi đem giải đến Tống Giang. Vừa giải đến giữa chừng gặp Lý Quỳ giơ song phủ chém luôn một nhát... Lý Quỳ lại vác phủ xông đánh Hỗ Thành, Hỗ Thành thấy thế lực hùng dũng không sao đánh nổi, liền phóng ngựa bỏ cửa bỏ nhà, mà chạy sang phủ Diên An… Bấy giờ Lý Quỳ đang thuận tay thích chém, thẳng đến Hỗ Gia Trang, đem toàn gia họ Hỗ bất cứ trẻ già đều chém chết hết cả, rồi gọi tiểu lâu la dắt lấy cả ngựa, thu lấy của cải, rồi cho một mồi lửa đốt cháy trang viện, khi trở về dâng nộp Tống Giang”.

Sau khi giao chiến với Lâm Xung bị bắt, nàng đã sớm sống trong cảnh bị giam lỏng rồi: “Trước hết cho đem Nhất Trượng Thanh lên, bắt hai mươi tên tiểu lâu la lão thành, cùng bốn người Đầu mục, cưỡi bốn con ngựa, rồi trói chặt hai tay Nhất Trượng Thanh, cho cưỡi lên một con ngựa, lập tức giải về sơn trại giao cho phụ thân là Tống Thái Công thu giữ, để đợi khi về sẽ xử”.

Rồi tới khi, toàn gia thiệt mạng, anh trai thất lạc, thì Hỗ Tam Tương trở thành cô nữ nơi bến nước. Trong hoàn cảnh của nàng, suy cho cùng cũng chỉ có 2 lựa chọn: nếu không tự kết liễu đời mình thì phải cắn răng mà sống, phải nhập bọn cùng nhóm người đã gây ra cho nàng chính bi kịch này. Hỗ Tam Nương, một kiệt nữ, chọn cách thứ hai. Cũng là con đường khó nhất, sống cùng kẻ thù, sống trong bi kịch của riêng mình.

Bi kịch giằng xé của Hỗ Tam Nương

Nhưng bi kịch của Hỗ Tam Nương nào chỉ có vậy. Hóa ra, việc Tống Giang lưu nàng ở Lương Sơn, coi nàng như nghĩa muội, không phải là vì họ Tống thực sự trân trọng nàng hay cảm thấy có lỗi khi không quản được Lý Quỳ lạm sát cả nhà họ Hỗ, mà là bởi một mục tiêu chính trị sâu sắc. Tống Giang, sau khi bắt được Hỗ Tam Nương sớm đã có tâm cơ của mình.

 

ho tam nuong va bi kich cua mot kiet nu tren luong son bac hinh anh 5

Nếu được tự do lựa chọn, kẻ xấu người xấu nết như Vương Anh rõ là “không có cửa” để được Hỗ Tam Nương để ý tới.

Thủy Hử hồi 48 viết: “Tống Giang gọi Vương Nụy Hổ đến rằng:- Khi trước ở núi Thanh Phong, ta có hứa việc hôn nhân cho ngươi, từ bấy đến nay trong lòng vẫn áy náy, chưa sao mà như lời được. Vậy nay phụ thân ta có một người con gái, xin gả cho ngươi để khỏi phụ lời khi trước.

Nói đoạn liền mời Tống Thái Công cho dẫn Nhất Trượng Thanh ra mà khuyên dỗ rằng:- Người anh em tôi là Vương Anh đây tuy võ nghễ không bằng hiền muội, song trước tôi có hứa làm mối lương duyên cho hắn, mà chưa thành được. Vậy nay hiền muội đã nhận phụ thân tôi làm nghĩa phụ, thì các vị Đầu Lĩnh đây xin làm mối lái, chọn ngày lành tháng tốt cho hiền muội cùng Vương Anh kết làm phu phụ, nên chăng? Nhất Trượng Thanh thấy Tống Giang nói như vậy, không tiện từ chối, bèn cùng Vương Anh lạy tạ Tống Giang mà nhận lời kết tóc xe tơ”.

Than ôi, một kiệt nữ anh hùng như Hỗ Tam Nương, nếu được tự do lựa chọn, nào chịu một kẻ vừa xấu người lại xấu nết như Vương Anh làm chồng. Vương Anh biệt danh “Nụy Cước Hổ” – tức “Hổ Chân Ngắn” là kẻ lùn xủn, tứ chi ngắn ngủi, về mặt ngoại hình có thể nói là nam nhân xấu nhất Lương Sơn. Tính cách của gã thì háo sắc, cứ thấy gái đẹp lại nhào tới, vì sắc có thể gây hấn với anh em chẳng coi huynh đệ ra gì.

 

Thi Nại Am, hẳn có hàm ý sâu sắc khi “ghép đôi” Hỗ Tam Nương – “Cô cao một trượng”, nhan sắc khuynh thành với gã “Hổ chân ngắn” xấu từ ngoài vào trong như Vương Anh. Một cặp đôi có sự chênh lệch quá lớn về ngoại hình, tài năng võ nghệ lẫn tính cách. Và chi tiết này chính nó đã đặc tả cái bi kịch của kiệt nữ họ Hỗ. Lên Lương Sơn nàng không muốn cũng phải lên. Lấy Vương Anh nàng không mong cũng phải chịu. Trở thành một phần của cái tập thể đã phá nát cuộc sống yên bình của mình, đã giết sạch gần hết cả gia tộc mình, Hỗ Tam Nương không cam tâm cũng ngậm đắng nuốt cay mà giữ trong lòng.

Bi Kịch của “Nhất Trượng Thanh” thậm chí còn giằng xé, sâu sắc và đầy nỗi thống khổ hơn so với những Phan Kim Liên hay Diêm Bà Tích. Cái chết của Hỗ Tam Nương ở hồi 117 (Hậu Thủy Hử) ở Thanh Khê, dưới tay tên tướng Phương Lạp – Trịnh Bưu cùng với chính người chồng bị-ép-cưới Vương Anh, phải chăng “ơn huệ” cuối cùng mà Thi Nại Am dành cho nàng. Với Hỗ Tam Nương, đó hệt như một sự giải thoát vậy.

Theo Thanh Xuân/Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm