Theo sử cũ, năm 1781, một hương chức thôn hội làng Thắng Tam (vũng Tàu) đã dựng miếu Bà trên Hòn Bà để thờ cúng bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển.
Năm 1939 một sỹ quan người Pháp tên Archi-nard cho nã đạn vào miếu nhưng chỉ bắn trúng một phát vào góc miếu. Viên sĩ quan này sau đó đã bỏ mạng trên Hòn Bà do một lần bất cẩn khi dùng súng. Vì vậy người Pháp đặt tên cho hòn đảo là Archi-nard, nhưng người dân Vũng Tàu vẫn gọi tên là Hòn Bà.
Vào năm 1971, một người quê Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp đã đứng ra quyên góp tiền của để sửa chữa ngôi miếu.
Trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, miếu Hòn Bà mới có hiện trạng như ngày nay.
Bên trong là điện thờ các vị thần linh. Dưới nền điện thờ có một tầng hầm dài 6m, rộng 3m, từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào chiến sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến.
Từ Hòn Bà có thể nhìn bao quát một vùng bờ biển thơ mộng của thành phố Vũng Tàu.
Hay phóng tầm mắt ra khoảng không gian bao la của Biển Đông.
Những lô cốt cũ của Pháp vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" dưới chân Hòn Bà.
Điều lý thú nhất của Hòn Bà có lẽ là cách đi ra hòn đảo này. Phần lớn thời gian ban ngày, khi thủy triều lên chỉ có thể ra đảo bằng thuyền.
Nhưng vào buổi sáng, khi thủy triều rút, một con đường độc đạo dẫn ra đảo sẽ hiện ra.
Đây là một con đường nhân tạo được làm để phục vụ nhu cầu của người hành hương
Nếu chưa quen, việc đi trên con đường này là một thách thức không nhỏ.
Những phiến đá lởm chởm qua tháng năm đã trở thành nơi cư trú của vô số con hà có vỏ sắc nhọn.
Nếu bước đi không cẩn thận, rất dễ bị trượt ngã hoặc đứt chân vì hà cứa.
Nhưng chính điều này lại làm cho chuyến thăm miếu Hòn Bà trở nên hấp dẫn.
Trải qua nhiều năm tháng, Hòn Bà trở thành một danh thắng nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến thăm quan.
Trong tương lai, một cây cầu sẽ được xây dựng để nối Hòn Bà với đất liền, nhưng "con đường thủy triều" có lẽ vẫn sẽ là cách viếng thăm đảo được nhiều người lựa chọn.