Không phải do "tam cố thảo lư", đây mới là động cơ chính khiến Gia Cát Lượng theo Lưu Bị
Vì sao Gia Cát Lượng không dưỡng già mà lại phải 5 lần Bắc phạt? / Gia Cát Lượng tài trí hơn người nhưng vẫn kém Tào Tháo?
Vào giai đoạn loạn thế như thời Tam Quốc, nhân tài ưu tú xuất hiện nhiều không đếm xuể. Một trong số những nhân vật được hậu thế ngưỡng mộ hơn cả phải kể tới vị Thừa tướng cả đời cúc cung tận tụy của Thục Hán – Gia Cát Lượng.
Từ cổ chí kim, cuộc tương ngộ của vị quân chủ họ Lưu với Ngọa Long tiên sinh cũng từng trở thành đề tài ca ngợi của không ít văn nhân mặc khách.
Thế nhưng, điều khiến hậu thế không khỏi tò mò lại nằm ở chỗ: Vì sao một nhân tài hiếm có như Khổng Minh lại không gia nhập vào những tập đoàn chính trị lớn mạnh khác mà quyết định đầu quân cho Lưu Bị?
Theo nhận định của KKNews, việc Gia Cát Lượng quyết định phụng sự cho vị quân chủ họ Lưu vốn không phải vì cảm động trước chuyện Lưu Bị "tam cố thảo lư" (ba lần tới lều tranh) mà thực chất còn bắt nguồn từ nhiều động cơ sâu xa khác.
Hé lộ chí hướng thực sự của Ngọa Long tiên sinh: Không chỉ dừng lại ở chức tước!
Gia Cát Lượng. Ảnh minh họa.
Điều Gia Cát Lượng thực sự mong muốn không chỉ dừng lại ở chức tước mà còn là chí hướng tạo dựng thành tựu, khiến tên tuổi lưu danh thiên cổ. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Trước khi lý giải động cơ thực sự của Gia Cát Khổng Minh khi lựa chọn đầu quân cho Lưu Bị, ta không thể không nhắc tới chí hướng lúc sinh thời của nhân tài hiếm có này.
Vào thời cổ đại, việc nhân tài nương nhờ dưới trướng của một vị quân chủ cũng không khác biệt nhiều so với quy trình tuyển dụng của chúng ta ngày nay.Theo đó, yếu tố đầu tiên mà các nhà tuyển dụng quan tâm tới ứng viên chính là chí hướng của người ứng tuyển.
Sử sách ghi lại, Gia Cát Lượng khi xưa dù ẩn cư ở vùng Long Trung nhưng lại thường xuyên giao thiệp với các danh sĩ địa phương, danh tiếng từ sớm đã vang xa. Đó cũng là một trong những lý do khiến danh sĩ nổi danh ở Kinh Châu là Tư Mã Huy quyết định tiến cử Khổng Minh cho Lưu Bị.
Việc Gia Cát Lượng kết giao với các danh sĩ trong vùng không chỉ chứng minh ông là người có mạng lưới giao thiệp rộng rãi mà còn gián tiếp chỉ ra khao khát khẳng định bản thân, tạo dựng thành tựu của nhân tài hiếm có này.
Bên cạnh đó, sử sách cũng có ghi lại chi tiết: Gia Cát Lượng lúc sinh thời thường xuyên so sánh bản thân mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Năm xưa, Quản Trọng từng là công thần có công phò tá Tề Hoàn Công chín lần họp chư hầu và trở thành bá chủ, có thể ví như anh hùng cứu giúp thiên hạ.
Còn Nhạc Nghị cũng là bậc nhân tài kiệt xuất từng giúp nước Yên tấn công nước Tề, thậm chí thiếu chút nữa đã đẩy Tề quốc vào cảnh diệt vong.
Việc Gia Cát Khổng Minh đem hai vị tiền nhân này làm thần tượng đã chỉ rõ: Ông vốn không ham thích những chức quan như Thái thú, Thứ sử mà mong muốn góp sức mình để tạo lập kỳ tích, gây dựng nên những sự nghiệp vĩ đại.
Cho nên, thứ mà Khổng Minh tiên sinh muốn tìm kiếm là một tập đoàn chính trị có "đất" cho ông thể hiện toàn bộ tài năng của mình.
Bỏ qua Tào Tháo - Mưu tính khôn ngoan của Gia Cát Lượng
Mặc dù thế lực của Tào Tháo xếp vào hàng hùng mạnh bậc nhất thời bấy giờ, nhưng Gia Cát Lượng đã quyết định bỏ qua tập đoàn chính trị này vì nhiều lý do. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Nếu nhắc tới những thế lực chư hầu mạnh nhất thời bấy giờ, nhiều người sẽ nhớ ngay tới thế lực Tào Ngụy của Tào Tháo.
Khi đó, Tào Tháo nắm trong tay tập đoàn chính trị hùng mạnh bậc nhất, hơn nữa dưới trướng cũng chẳng thiếu thủ hạ, mưu thần. Đó là chưa kể các mưu sĩ dưới trướng như Tuân Úc, Tuân Du, Quách Gia... đều là bậc nhân tài hiếm có.
Nếu như Gia Cát Lượng làm thủ hạ cho Tào Ngụy, người yêu quý nhân tài như Tào Tháo chắc chắn sẽ rất trọng dụng ông.Tuy nhiên việc gia nhập tập đoàn chính trị này ngược lại sẽ khiến cho Khổng Minh khó có cơ hội tận dụng tài năng.
Bởi lẽ, phương diện nội chính khi đó đều đã có Tuân Úc, mảng quân sự cũng có Tuân Du, các nhân tài trên những lĩnh vực khác đều nhiều không đếm xuể.
Một khi phụng sự cho Tào Tháo, một Gia Cát Lượng đương độ hai mươi sẽ tận dụng được một ưu điểm duy nhất còn lại – đó chính là tuổi trẻ.
Cho nên, người khôn ngoan như Ngọa Long tiên sinh ngay từ đầu đã biết rõ thế lực của Tào Tháo không phải là điểm đến tốt nhất dành cho mình.
Nhìn gương Bàng Thống, Khổng Minh không chọn Tôn Quyền
Nhìn thấu địa vị không dễ dàng bị thay thế của Chu Du, Khổng Minh cũng nhận ra rằng Tôn Ngô không phải là một thế lực tốt để gây dựng sự nghiệp, thi triển tài năng. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh Tào Tháo, tập đoàn chính trị của Tôn Quyền cũng là một thế lực lý tưởng để dựa vào.
Lúc bấy giờ, Tôn Ngô cũng đang phải đối diện với sự uy hiếp từ Tào Ngụy. Nếu Gia Cát Lượng đầu quân cho Tôn Quyền vào thời điểm này, ông chắc chắn không thiếu cơ hội để thi triển tài năng.
Tuy nhiên mấu chốt nằm ở chỗ, dưới trướng Tôn Quyền đã lúc này có một trang tuấn kiệt đắc lực. Đó chính là nhân vật vừa có tài năng, vừa có tuổi trẻ - Chu Du.
Vào thời bấy giờ, nhân vật nổi danh là tài ngang Khổng Minh chính là Phượng Sồ Bàng Thống. Thế nhưng ngay tới Bàng Thống vẫn chỉ có thể làm việc dưới quyền Chu Công Cẩn, vậy thì Gia Cát Lượng chưa chắc đã có thể vượt mặt nhân tài vừa có tuổi trẻ lại vừa được tín nhiệm như vậy.
Nhận định về tính cách của Ngọa Long tiên sinh, một số sử gia cho rằng ông thực chất là một người có ham muốn nắm quyền lực trong tay và khó cam tâm làm việc dưới quyền người khác (theo KKNews).
Vì vậy rất có khả năng Khổng Minh năm xưa vì e ngại một Chu Du đã "chắc chân" ở Tôn Ngô nên đã bỏ qua tập đoàn chính trị này.
Phụng sự cho Lưu Bị - Nước cờ thông minh giúp Gia Cát Lượng đổi đời
Có ý kiến cho rằng việc Gia Cát Khổng Minh quyết định đầu quân cho Lưu Bị thực chất là một nước cờ đầy suy tính của ông. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nếu so với Tào Tháo, Tôn Ngô, Lưu Bị dù có lúc bại, lúc thắng, nhưng cũng không phải là nhân vật chẳng có chút vốn liếng nào.
Chưa bàn tới trong tay Lưu Huyền Đức có các mãnh tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân…, chỉ riêng hình tượng nhân nghĩa của ông đã trở thành vốn liếng quý nhất đối với vị quân chủ này.
Điểm mấu chốt còn nằm ở chỗ, tập đoàn chính trị của Lưu Bị vừa hay đang thiếu một mưu sĩ nòng cốt có tầm nhìn chiến lược.
Kết hợp những điều kiện kể trên, thế lực của Lưu Bị đã trở thành lựa chọn tốt nhất đối với Khổng Minh.
Về những chư hầu khác như Lưu Chương, Lưu Biểu, chỉ cần là mưu sĩ có đầu óc ắt sẽ biết rằng đi theo họ sẽ chẳng có tiền đồ.
Như vậy, việc Gia Cát Lượng đầu quân cho Lưu Bị rất có thể là quyết định từ sớm đã được cân nhắc kỹ càng.
Sự thực là sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng đã trở thành nhân vật quyền lực hàng đầu trong tập đoàn chính trị Thục Hán. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Vào thời kỳ đầu khi mới gia nhập, Khổng Minh thực chất chưa có được sự tín nhiệm tuyệt đối từ vị quân chủ họ Lưu.
Thực tế, cốt lõi của tập đoàn chính trị này vốn là bộ ba huynh đệ Lưu – Quan – Trương, sau đó lại có thêm nhiều tên tuổi "nặng ký" như Pháp Chính, Bàng Thống, Hoàng Trung…
Tuy nhiên sau này Quan Vũ, Trương Phi bỏ mạng, Pháp Chính, Mã Siêu, Hoàng Trung lâm bệnh qua đời, Bàng Thống cũng hy sinh trong chiến trận.
Đến thời điểm Lưu Bị hấp hối ở Bạch Đế thành, những người được tín nhiệm khi ấy cũng chỉ còn Gia Cát Lượng, Triệu Vân, Ngụy Diên. Trong số đó, Khổng Minh được xem là người tốt nhất để ủy thác.
Sau khi Tiên chủ qua đời, Ngọa Long tiên sinh từ vị trí của mưu sĩ đã trở thành Thừa tướng "dưới một người, trên vạn người".
Thế cục này vừa là minh chứng cho thấy việc Khổng Minh lựa chọn Lưu Bị là việc làm đúng đắn, cũng vừa giúp Ngọa Long tiên sinh hoàn thành nguyện vọng để đời, thể hiện trọn vẹn tài năng xuất chúng của mình, nhờ đó mà vang danh thiên hạ, lưu danh thiên cổ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Y học Ai Cập cổ đại đã biết điều trị ung thư từ 4000 năm trước? Dấu vết điều trị 'ung thư' gây sốc được tìm thấy
Người ngoài hành tinh đang cố gắng liên lạc với Trái Đất? Tín hiệu đã truyền đi 8 tỷ năm qua không gian là gì?