Khám phá

Khủng long không tuyệt chủng vì suy yếu: Nghiên cứu mới “minh oan” cho loài thống trị Trái Đất

DNVN - Nếu không có cú va chạm định mệnh từ vũ trụ cách đây 66 triệu năm, có lẽ khủng long vẫn đang sải bước bên cạnh loài người trên hành tinh này.

CLIP: Chó ngao đơn độc "tử chiến" gấu đen, cái kết bất ngờ khiến người xem ngỡ ngàng / Hài cốt ngàn năm hé lộ "lời nguyền sức khỏe" đè nặng người Viking

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Current Biology đã làm sáng tỏ cuộc tranh cãi kéo dài hàng chục năm: liệu khủng long có đang trên đà tuyệt chủng trước khi thiên thạch đâm vào Trái Đất?

Kết quả cho thấy, giả thuyết cho rằng loài khủng long suy giảm về số lượng và đa dạng trước thảm họa hoàn toàn có thể bắt nguồn từ dữ liệu hóa thạch chưa đầy đủ – chứ không phải là thực tế sinh học.

Một hình minh họa về khủng long — Edmontosaurus annectens (trái), Tyrannosaurus rex và Triceratops prorsus — trên một vùng đồng bằng ngập lụt từ cuối kỷ Maastrichtian khoảng 66 triệu năm trước.

Một hình minh họa về khủng long - Edmontosaurus annectens (trái), Tyrannosaurus rex và Triceratops prorsus - trên một vùng đồng bằng ngập lụt từ cuối kỷ Maastrichtian khoảng 66 triệu năm trước.

Nhóm nghiên cứu từ University College London đã phân tích hơn 8.000 mẫu hóa thạch từ Bắc Mỹ, trải dài trong 18 triệu năm cuối cùng của kỷ Phấn Trắng, tập trung vào bốn nhóm khủng long chủ lực: khủng long giáp (Ankylosauridae), khủng long sừng (Ceratopsidae), khủng long mỏ vịt (Hadrosauridae) và họ khủng long bạo chúa (Tyrannosauridae).

Theo dữ liệu thô, sự đa dạng khủng long dường như đạt đỉnh khoảng 76 triệu năm trước rồi dần suy giảm trước khi bị xóa sổ hoàn toàn bởi cú va chạm thiên thạch. Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy môi trường sống hay khí hậu lúc đó xấu đi. Ngược lại, các loài này vẫn phổ biến và thích nghi tốt.

Điều đáng nói là lớp đá thuộc giai đoạn cuối – kỷ Maastrichtian – nơi có thể chứa nhiều hóa thạch, lại gặp điều kiện bảo tồn kém. Việc rút lui của biển nội địa Western Interior và sự hình thành dãy Rocky Mountains đã khiến lớp đất đá bị vùi lấp, xói mòn hoặc bao phủ bởi thảm thực vật, khiến các bằng chứng hóa thạch trở nên khan hiếm một cách không công bằng.

“Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có dấu hiệu nào cho thấy khủng long đang đi đến hồi kết trước khi thiên thạch xuất hiện,” tiến sĩ Chris Dean, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. “Sự vắng bóng của hóa thạch không đồng nghĩa với sự vắng bóng của khủng long.”

 

Các mô hình còn cho thấy những loài như Ceratopsians – điển hình là Triceratops – vốn sống ở các vùng đồng bằng khô ráo, có điều kiện thuận lợi hơn để hóa thạch. Trong khi đó, Hadrosaurians – khủng long mỏ vịt – sống gần sông suối, nơi có ít cơ hội để dấu tích được lưu giữ lại.

“Nếu không vì cú va chạm thiên thạch khủng khiếp ấy, khủng long hoàn toàn có thể tiếp tục tồn tại cùng với các loài động vật có vú, bò sát và cả hậu duệ của chính chúng – loài chim,” nhà cổ sinh vật học Alfio Alessandro Chiarenza khẳng định.

Nghiên cứu này không chỉ đặt lại vấn đề về thời khắc cuối cùng của loài khủng long, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc hiểu đúng “dòng chữ hóa thạch” mà tự nhiên để lại. Trong lịch sử tiến hóa đầy những ngã rẽ, đôi khi sự sống – dù hùng mạnh đến đâu – vẫn có thể bị xoá sổ bởi một khoảnh khắc duy nhất từ vũ trụ.

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm