Khám phá

Kính viễn vọng James Webb phát hiện dấu hiệu tiềm năng đầu tiên về sự sống ngoài hành tinh?

DNVN - Cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất hành trình kéo dài hàng thế kỷ có thể vừa đạt được bước ngoặt quan trọng.

CLIP: Trâu rừng dũng mãnh húc bay sư tử lên trời để giải cứu đồng loại / CLIP: Lợn bướu ngang nhiên thách thức 5 chú sư tử nhưng vẫn may mắn sống sót

Các nhà khoa học đến từ Đại học Cambridge tuyên bố đã phát hiện tín hiệu hóa học có thể là bằng chứng thuyết phục nhất từ trước đến nay về sự sống ngoài hành tinh, trên một thế giới xa xôi mang tên K2-18b.

Hành tinh này cách Trái Đất 124 năm ánh sáng, có kích thước lớn gấp gần 9 lần hành tinh của chúng ta, và từ lâu đã được xem là ứng viên tiềm năng cho sự sống nhờ bầu khí quyển giàu hydro và khả năng tồn tại đại dương lỏng. Nhóm nghiên cứu, do Giáo sư Nikku Madhusudhan dẫn đầu, đã sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) trị giá 10 tỷ USD của NASA để phân tích ánh sáng sao xuyên qua bầu khí quyển của K2-18b.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kết quả đáng kinh ngạc: họ phát hiện dấu vết của dimethyl sulfide (DMS) và có thể cả dimethyl disulfide (DMDS) hai hợp chất mà trên Trái Đất chủ yếu do các sinh vật biển tạo ra. Đây là lần đầu tiên những dấu hiệu hóa học như vậy được ghi nhận bên ngoài Hệ Mặt Trời, làm dấy lên hy vọng rằng hành tinh K2-18b có thể là một “hành tinh Hycean” một thế giới có đại dương nước dưới lớp khí quyển dày, giàu hydrogen môi trường lý tưởng cho sự sống.

Trước đó, vào năm 2023, nhóm nghiên cứu cũng từng công bố phát hiện khí methane và carbon dioxide tại hành tinh này. Lần này, độ chắc chắn khi phát hiện DMS được báo cáo lên đến 99,7%. Nếu được xác nhận, đây có thể là bằng chứng đầu tiên về sự sống ngoài hành tinh từng được con người tìm thấy.

Tuy nhiên, cộng đồng khoa học vẫn thận trọng. Dữ liệu từ JWST cực kỳ nhạy cảm, và việc giải mã các tín hiệu hóa học yếu như DMS hay DMDS đòi hỏi độ chính xác cao. Một số nhà khoa học cảnh báo rằng các hợp chất này có thể được hình thành từ những quá trình phi sinh học mà chúng ta chưa hiểu rõ chẳng hạn như từ hoạt động địa chất hoặc môi trường hóa học đặc biệt trên hành tinh đó.

Giáo sư Madhusudhan cũng nhấn mạnh: phát hiện này, dù đầy hứa hẹn, vẫn cần được kiểm chứng kỹ lưỡng thông qua các quan sát sâu hơn. Dù chưa thể khẳng định chúng ta đã “gặp” sự sống ngoài hành tinh, nhưng rõ ràng, K2-18b đã trở thành tâm điểm mới trong hành trình khám phá vũ trụ bao la.

 

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm