Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Úc thực hiện đang dần làm sáng tỏ những bí ẩn về quá trình hấp thụ và giữ nước ở loài gấu túi Koala – đặc trưng của nước Úc.
Phần lớn lượng nước mà cơ thể Koala hấp thụ được lấy từ lá bạch đàn tươi. Trung bình, một con Koala thường ăn hết khoảng nửa pound (1 pound = 0,45 kg) lá cây mỗi ngày. Tuy nhiên, nguồn cung này cũng mới chỉ đáp ứng được gần 75% nhu cầu về nước của chúng.
Quan sát ngẫu nhiên hành vi của Koala trong điều kiện nuôi nhốt, hoặc vào những thời điểm khô nóng khắc nghiệt do hiện tượng sóng nhiệt, các nhà khoa học nhận thấy loài này thường di chuyển xuống khỏi thân cây để đi tìm nguồn nước, song vẫn chưa rõ chúng làm thế nào để bổ sung lượng nước thiếu hụt.
Sau hơn một thập kỷ quan sát, ghi chép, chọn lọc và tổng hợp kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy một hành vi độc đáo của Koala mà chưa ai từng biết. Đó là: chúng thường xuyên liếm nước chảy dọc thân cây khi trời mưa.
“Suốt một thời gian dài, chúng ta đều nghĩ rằng Koala không cần phải uống nhiều nước do đã hấp thụ đủ lượng cần thiết từ lá cây. Nhưng phát hiện mới đã hoàn toàn làm thay đổi nhận thức của chúng ta về vấn đề này, và nó thực sự rất thú vị,” TS. Valentina Mella – nhà khoa học dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại ĐH Sydney – cho biết.
Ngoài ra, do các quan sát được tiến hành trong nhiều năm, trải qua các mùa và điều kiện thời tiết khác nhau, cho nên Mella cùng cộng sự tin rằng đó là bản năng tự nhiên của Koala, khác với hành vi uống nước bất thường mà chúng ta quan sát thấy khi chúng bị căng thẳng, vì hạn hán hoặc cháy rừng.
Bên cạnh việc giúp làm sáng tỏ bí ẩn tồn tại từ lâu xung quanh cơ chế lấy nước và giữ nước của cơ thể Koala, nhóm nghiên cứu kỳ vọng kết quả này sẽ đóng góp vào những nỗ lực liên tục để bảo tồn loài này, nhất là trong hoàn cảnh diễn biến môi trường và khí hậu tại Úc đang ngày càng phức tạp.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Ethology.
Theo Phương Hiền/KH&PT