Khám phá

Lào: Chấn động hóa thạch người 86.000 tuổi “thay đổi lịch sử nhân loại”

Hài cốt hóa thạch từ hai cá thể Homo sapiens ở hang Tam Pà Ling đã thách thức lý thuyết lâu đời về làn sóng di cư đầu tiên của loài chúng ta khỏi châu Phi 50.000-60.000 năm trước.

Phát hiện hóa thạch loài khủng long mới thuộc họ ăn thịt / Hóa thạch cá cho thấy có thể con người đã nấu ăn sớm hơn 600.000 năm so với chúng ta nghĩ

Theo bài công bố trên Nature Communication, trước đó các nhà khoa học đã phát hiện những mảnh xương người 70.000 năm tuổi ở hang Tam Pà Ling, còn gọi là Hang Khỉ, ở độ cao 1.170 so với mực nước biển, phía Bắc nước Lào.

Điều dị thường này đã thôi thúc họ đào sâu hơn nữa vì theo những lý thuyết đã được chứng minh bằng hồ sơ khảo cổ trước đây, loài người hiện đại Homo sapines (Người Tinh Khôn) chỉ vừa mới di cư khỏi châu Phi khoảng 50.000 - 60.000 năm.

Các nhà nghiên cứu đang làm việc tại hang Tam Pà Ling (Lào) - Ảnh: Kira Westaway

Cuộc khai quật mới đã thu về các mảnh hộp sọ và xương ống chân hóa thạch từ 2 cá thể, được xác định đúng là Homo sapiens chứ không phải một người khác loài bản địa nào, đài CNN đưa tin.

Theo Live Science, việc xác định niên đại bằng đồng vị carbon phóng xạ trên lớp trầm tích mà các hài cốt này được bao bọc cho thấy điều gây sốc nhất: Hộp sọ phải có niên đại 73.000 năm, trong khi xương ống chân có niên đại tới 86.000 năm!

Chưa rõ bằng cách nào mà những Homo sapiens cổ đại này lại hiện diện ở Lào trước cuộc đại di cư được chứng minh qua bằng chứng khảo cổ ở châu Âu, châu Á và Bắc Phi khác tới hàng chục ngàn năm, nhưng rõ ràng các tài liệu lịch sử phải được viết lại.

Tác giả chính của nghiên cứu - nhà cổ sinh vật học từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) - cho biết Tam Pà Ling là địa điểm lý tưởng để đặt một số câu hỏi về di cư, vì Đông Nam Á thực sự nằm ở "ngã tư" của Đông Á và đảo Đông Nam Á - Úc.

 

Phát ngôn này gợi ý đến một giả thuyết rằng hàng chục ngàn năm trước, có những "cây cầu đất" nối các lục địa bị chia cắt ngày nay, tạo ra nhiều con đường di cư trên bộ giúp Homo sapiens có cơ hội đi khắp thế giới theo những con đường đã hoàn toàn biến mất trong thời hiện đại.

Và cho dù theo cách nào đi nữa, các hóa thạch này khẳng định đã có các cuộc di cư khác trước cuộc đại di cư 50.000 - 60.000 năm trước. Dù có thể chúng đi vào ngõ cụt, nhưng đó mới là những Người Tinh Khôn đầu tiên rời bỏ "cố hương" châu Phi.

Có rất ít nghiên cứu cổ nhân học ở Lào từ trước đến nay, do đó các nhà khoa học tin rằng còn nhiều điều thú vị còn bị bỏ sót, có thể giúp họ hoàn thành trang sử thú vị về cuộc khai phá thế giới của Homo sapiens: Rời châu Phi, tỏa ra khắp các châu lục khác, cạnh tranh hoặc hôn phối dị chủng với các loài người cổ và trở thành kẻ sống sót cuối cùng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm