Khám phá

Lịch sử phương tiện “biết bay” đầu tiên của nhân loại

Cách đây đúng 235 năm, vào đầu tháng 6/1783, một nguồn tin lan truyền làm rung chuyển "kinh thành ánh sáng" Paris của Pháp quốc: ở phía nam đâu đó gần Avignon, một khối cầu nhân tạo khổng lồ đã bay từ dưới đất lên trời, trông như một "con tàu khói" giữa biển mây.

Hoàng đế La Mã và những sở thích "phòng the" khiến người đời "rùng mình" / Thích thú rùa bị bạch tạng nhưng có màu vàng siêu hiếm

Đúng thật thế không, hay lại là một trò lường gạt như bao sự kiện khác - từng xảy ra trong buổi bình minh của cuộc cánh mạng công nghiệp - ở cuối thế kỷ XVIII đầy sôi động ấy?

Ngày lịch sử 4/6/1783

Anh em nhà Montgolfier sinh trưởng tại thị trấn Annonay, thuộc vùng Rhône-Alpes, phía đông nam nước Pháp, là những nhà chuyên sản xuất giấy trắng đẹp rất có uy tín, gồm người anh Joseph-Michel Montgolfier (1740-1810) vốn rất say mê khoa học, đồng thời cũng là người yêu thích toán học cùng những phát minh sáng chế; còn người em Jacques-Étienne Montgolfier (1745-1799) từng theo học ở Paris, sau làm công tác thiết kế và tham gia xây dựng những ngôi nhà phức tạp, đồng thời giao du mật thiết với giới trí thức thủ đô, rồi trở lại với nghề giấy truyền thống của gia đình.

Anh em nhà Montgolfier luôn mơ ước cái điều mà nhiều thế hệ xưa nay từng mong mỏi: làm sao để con người có thể… bay lên được như loài chim!

Anh em nhà Montgolfier - "cha đẻ" của khinh khí cầu.

Thế kỷ XVIII của lịch sử nhân loại, ngoài sự bùng nổ của những trò phù thủy mê tín lừa phỉnh ra, cũng là giai đoạn đầy ắp các sáng tạo thuần túy kỹ thuật. Đó là thời của triết gia bất hủ người Pháp Voltaire (1694-1778) và các nhà biên soạn từ điển bách khoa toàn thư hàng đầu.

Tới năm 1765, Henry Cavendish (1731-1810) người Anh tìm ra khí hydro; còn James Watt (1736-1819) người Scotland đã thử nghiệm thành công với chân không và hơi nước - mở đường cho một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật rầm rộ chưa từng thấy, cùng sự xuất hiện các cỗ máy hơi nước trong mọi ngành sản xuất; rồi nhà Vật lý và Y học lừng danh người Italia Luigi Galvani (1737-1798) phát minh ra điện năng…

Kế đến anh em nhà Montgolfier bắt đầu nghĩ cách bỏ hydro nhẹ vào trong một quả cầu giấy lớn, khiến chúng tự bay lên được. Thoạt đầu nghe có vẻ khó tin, nhưng chính vậy mới tồn tại khinh khí cầu - loại phương tiện "biết bay" đầu tiên của con người.

Tới năm 1782, cặp anh em liền thiết kế một quả cầu lớn bằng giấy. Lúc này điện từ đang là mốt thịnh hành trong giới làm khoa học, nên họ dùng rơm và len đốt bên dưới thành khói điện từ đẩy quả cầu bốc lên. Với sự ủng hộ hết mình của vị giám mục đầy quyền uy tại địa phương, cuộc thử nghiệm đầu tiên được tiến hành dưới sự chứng kiến của nhiều quan chức từ kinh đô Paris tới.

Đó là ngày 4/6/1783 trên quảng trường chính của thị trấn Annonay, được nhà chép sử gạo cội Désenfans ghi lại: "Không ai trong số những người có mặt tin rằng thực nghiệm sẽ thành công.

 

Thử nghiệm đầu tiên tại Annonay.

Hai anh em Montgolfier trực tiếp "nhồi khói điện" cho những mảng giấy xẹp dán vào bộ khung trái cầu phồng dần lên… Tới độ cánh đàn ông không thể giữ được nó dưới đất nữa, rồi quả cầu khổng lồ bất thình lình bứt lên cao tới 7.200 bộ (2km). Nó bay độ 10 phút về hướng đông, sau đó hơi điện từ hết và bắt đầu chầm chậm rơi xuống. Đám đông cuồng nhiệt phấn chấn ùa theo "cỗ máy biết bay" này…

Cuộc thử nghiệm mỹ mãn đã bảo đảm cho sự dẫn đầu của hai ngài Montgolfier trọn cả trong tương lai về sáng chế độc đáo của mình. Chúng ta cũng cần thêm rằng, quả cầu bay không có phi hành đoàn, và ơn chúa, bởi khi tiếp đất nó va phải một bức tường rào và bốc cháy mà không gây hề hấn gì…". Kết cục, anh em nhà Montgolfier bị triệu hồi ngay về Paris, để minh chứng sáng chế của họ không phải là… trò phù thủy.

Với kỳ tích nêu trên, anh em nhà Montgolfier được lịch sử ghi nhận như là "cha đẻ" của khinh khí cầu, thứ phương tiện "biết bay" đầu tiên của nhân loại. Nhưng tình thế xem ra có phần phức tạp hơn, bởi kinh đô Paris cũng có "nhà vô địch" riêng về các phương tiện bay đầu tiên của mình, mà là một Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp hẳn hoi.

Đó là Giáo sư Jacques Charles (1746-1823), người từng miệt mài hàng chục năm với chất khinh khí. Nhưng thứ khí này dễ bay hơi, mà con người lúc ấy chưa nghĩ ra cách nén chúng lại và điều tiết dần dần được. Cũng xuất hiện thêm một “đối thủ” thứ 3 nữa, chẳng ai khác mà chính là vĩ nhân văn chương người Đức Johann Volfgang von Goethe (1749-1832). Vị học giả lỗi lạc người Đức này đã chuyên tâm tới vấn đề khinh khí cầu ngay từ năm 1780.

Khinh khí cầu bay qua Điện Versailles trước sự chứng kiến của nhà Vua và Hoàng hậu Pháp.

Năm 1975 ở thành phố Weimar thuộc trung bộ nước Đức, nơi Goethe từng sống những năm cuối đời, người ta đã tìm ra những dụng cụ sản xuất khí hydro và sọt dành cho khí cầu của ông. Nhưng câu chuyện của Goethe với khinh khí cầu người đương thời không hề hay biết…

 

Về phần Giáo sư J. Charles, được người dân thủ đô ủng hộ 10.000 đồng quan vàng, một món tiền khổng lồ khi ấy nhằm hoàn thiện việc bay lên bằng khinh khí cầu, để tranh ngôi với "bọn tỉnh lẻ" Montgolfier dùng… rơm. Cùng với những tên tuổi khoa học trứ danh là anh em nhà Robert gồm Anne-Jean Robert (1758-1820) và Nicolas-Louis Robert (1760-1820), trong nhiều tuần lễ sau họ đã tạo ra được thứ hợp chất lý tưởng làm nguyên liệu khâu quả cầu bằng tơ, có đường kính rộng tới 4m.

Qua một thiết bị chuyên dụng, Giáo sư J. Charles cũng đã điều tiết được lượng khinh khí cần thiết. Sau hơn 3 ngày liên tục nạp khí hydro, trái cầu căng phồng đã được mang tới công viên Champ de Mars ngay trung tâm Paris. Đúng 5h sáng hôm 27/8/1783, khinh khí cầu của J. Charles bay lên cùng với vận tốc rất lớn. Dụng cụ đo chiều cao đặc biệt đặt trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris đã đo được độ cao đúng 1.000m! Rồi quả cầu tiếp tục bay bổng trên bầu trời thủ đô Pháp... Cả Paris cùng đồng thanh hô lớn: "Jacques Charles muôn năm! Hydro muôn năm!".

Cuộc ganh đua vẫn tiếp tục, Jacques-Étienne Montgolfier đặt làm quả cầu lớn màu xanh da trời có gắn các phù hiệu của triều đình Pháp. Tới ngày 19/9/1783 đức Vua Louis XVI (1754-1793) cùng Hoàng hậu Marie Antoinette (1755-1793) đã mục kích trái cầu bay trên Điện Versailles. Đây là một "cú sốc" thực sự cho Giáo sư J. Charles, bởi đi kèm với khí cầu của Montgolfier là "phi hành đoàn" gồm cừu, gà tây và vịt trong một cái chuồng đeo buộc phía dưới - những sinh vật đầu tiên bay vào không trung ngoài giống chim có cánh.

Người biết bay đầu tiên

Bây giờ đến lượt con người, ai sẽ có diễm phúc là nhân vật đầu tiên? Joseph-Michel Montgolfier hay Jacques-Étienne Montgolfier? Nhưng "kẻ hy sinh" lại là Jean-Francois Pilatre de Rozier (1754-1785), một giáo viên kiêm quản lý viện bảo tàng trẻ tuổi. Riêng đức Vua Louis XVI thì đề nghị nên cho 2 tên tử tù đi trên khinh khí cầu trong chuyến đầu tiên, nhằm đề phòng mọi bất trắc… Nhưng rốt cục D'Rozier vẫn giành được phần ưu tiên về mình, cùng đi là Hầu tước Francois Laurent le Vieux d'Arlandes (1742-1809).

 

Phương tiện bay đầu tiên chở theo con người gồm khoa học gia D'Rozier và Hầu tước D'Arlandes.

Trước đó cho tới tháng 10 và tháng 11 cùng năm, vẫn chưa xác định được rõ ai sẽ là người dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này - anh em nhà Montgolfier hay Giáo sư Charles? Riêng D'Rozier đã chứng minh lòng dũng cảm của anh em nhà Montgolfier: hôm 19/10/1783, D'Rozier đã trèo vào chiếc sọt và bay lên tới… 100m! (do khinh khí cầu được người ta cẩn trọng buộc chặt với mặt đất).

Nhưng ngày trọng đại lại chính là hôm 21/11/1783, quả khinh khí cầu đầu tiên mang theo 2 người đàn ông gồm D'Rozier và D'Arlandes đã “đoạn tuyệt” mặt đất và bay lên cao - sản phẩm của nhà Montgolfier! D'Arlandes và D'Rozier trở về mặt đất an toàn thắng lợi. Nhưng mối đe dọa là từ dưới đất, bởi công chúng quá hưng phấn suýt nữa thì… đè bẹp nát cả 2 người (sau D'Rozier tử nạn trong một cuộc thử nghiệm bay vượt bể La Manche bằng khinh khí cầu từ Pháp sang Anh, trở thành nạn nhân đầu tiên thiệt mạng trong lịch sử hàng không thế giới).

Khinh khí cầu dùng khí hydro của Giáo sư J. Charles cùng người cộng sự N. Robert trên bầu trời Paris hôm 1/12/1783.

Còn Giáo sư J. Charles cùng người cộng sự N. Robert của ông bay lên bằng quả cầu chứa khí hydro hiện đại - mãi 9 ngày sau, vào hôm 1/12/1783. Cả Paris lại tưng bừng đón chào người của mình - tuy không phải là những người đầu tiên "biết bay". Mọi phương tiện mà Giáo sư J. Charles sử dụng trong chuyến đi này đã "thống trị" suốt 1,2 thế kỷ trong ngành khinh khí cầu học quốc tế, cho tới khi xuất hiện các phương tiện bay có gắn động cơ. Chuyến đi của Charles và Robert đã đạt tới độ cao 3.000m và bay xa hẳn 60km.

Còn Goethe? Ông không có thời gian để hoàn thiện công trình hằng ấp ủ của mình, do quá bận rộn với những công việc trong cung đình Phổ. Ngày nay chúng ta chỉ đọc được những dòng chữ buồn bã từ ông: "Người ta đã làm được khinh khí cầu! Tôi cũng đã sắp chế ra chúng! Tôi rất tiếc rằng mình đã không kịp làm ra nó đầu tiên. Nhưng giờ đây thì đã… muộn rồi!".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm