Khám phá

Lục địa 'mất tích' thứ 8 của Trái Đất lớn đến đâu?

Những nghiên cứu mới nhất đã cho thấy kích thước thật sự của Zealandia, lục địa thứ 8 của thế giới.

Khủng khiếp: Ngôi mộ tập thể của 227 đứa trẻ bị hiến tế / Tìm thấy 'người anh em song sinh' của Trái Đất

Năm 2017, giới khoa học đã xác nhận lục địa thứ 8 của Trái Đất, gọi là Zealandia. Đây là lục địa nằm phía dưới quốc gia New Zealand hiện tại, sát châu Úc và được cho là đã chìm xuống dưới biển cách đây 75 triệu năm.

Lục địa 'mất tích' thứ 8 của Trái Đất lớn đến đâu? - 1

Zealandia là lục địa thứ 8 của Trái Đất, nằm sát châu Úc. Ảnh: Azaniapost.

Tuy xác định Zealandia đủ tiêu chuẩn để được cọi là một lục địa mới, các nhà khoa học vẫn chưa thể tính chính xác kích thước của lục địa này. Thông tin đó chỉ được tiết lộ trong nghiên cứu mới nhất từ Viện nghiên cứu GNS của New Zealand.

Lục địa nằm dưới biển

"Chúng tôi đã tạo ra những bản đồ tương tác để cung cấp những hình ảnh chính xác, đầy đủ và cập nhật nhất về địa chất New Zealand và vùng tây nam Thái Bình Dương", Nick Mortimer, người đứng đầu dự án nghiên cứu chia sẻ.

Bằng cách lập bản đồ thềm đại dương cũng như phân tích địa chất vùng lục địa Zealandia, bản đồ của nhóm nghiên cứu cho thấy diện tích của lục địa này lên tới gần 5 triệu km vuông, bằng khoảng một nửa châu Úc.

Lục địa 'mất tích' thứ 8 của Trái Đất lớn đến đâu? - 2

Bản đồ phân bổ độ sâu cho thấy chỉ những 6% diện tích lục địa này, có màu vàng và đỏ sậm trong hình, nổi lên trên mặt nước biển. Ảnh: GNS Science.

 

Tuy nhiên, chỉ có 6% diện tích của Zealandia nằm phía trên mực nước biển. Phần diện tích này bao gồm New Zealand, các đảo xung quanh nước này cùng đảo New Caledonia. Toàn bộ diện tích còn lại nằm dưới biển, khiến cho việc khảo sát khó khăn hơn nhiều.

Bản đồ phân bố độ sâu do nhóm nghiên cứu tạo ra cho thấy những phần rìa, độ sâu của từng phần trên lục địa Zealandia, cũng như vị trí của nó so với thềm đại dương.

Bản đồ này cũng cho thấy Zealandia nằm ở giữa nhiều mảng kiến tạo của Trái Đất, cũng như quá trình dịch chuyển và tương tác của các mảng. Theo Science Alert, nghiên cứu bản đồ có thể chỉ ra lịch sử hình thành của lục địa Zealandia.

Cái tên Zealandia được nhà địa lý học Bruce Luyendyk đưa ra cách đây 25 năm. Khi đó, ông Luyendyk không nghĩ tới một lục địa hoàn toàn mới, mà chỉ đưa ra một khái niệm bao gồm New Zealand và những vùng xung quanh được tách ra từ siêu lục địa Gondwana 85 triệu năm trước.

"Tôi chỉ tiện thì đặt ra cái tên đó thôi. Những khu vực đó đều có liên quan đến nhau khi xem xét lục địa Gondwana, nhưng lại mang những cái tên hoàn toàn khác biệt", ông Luyendyk chia sẻ.

 

Gondwana được tạo thành khi siêu lục địa cổ nhất của Trái Đất là Pangea tách thành 2 phần. Siêu lục địa Laurasia sau này tách ra thành lục địa Á-Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, Gondwana tách ra châu Phi, Nam Cực, Nam Mỹ và châu Úc.

Lục địa 'mất tích' thứ 8 của Trái Đất lớn đến đâu? - 3

Vùng đất là New Zealand hiện nay chỉ là phần nhỏ của lục địa Zealandia. Ảnh: NASA.

Những tác động địa lý khiến cho Zealandia chìm dần xuống nước, và khoảng 30-50 triệu năm trước thì tách hẳn khỏi Gondwana khi mảng Thái Bình (Pacific) dần dần bị hút chìm xuống dưới.

Đến năm 2017, Zealandia vẫn được coi là một "tiểu lục địa" giống như Madagascar. Tuy nhiên, ông Mortimer cho rằng những bản đồ mới đã chứng minh Zealandia đủ tiêu chuẩn để được coi là một lục địa

 

Cụ thể, các tiêu chuẩn bao gồm có ranh giới rõ ràng, diện tích trên 1 triệu km vuông, nhô cao so với vùng thềm đại dương xung quanh, và có lớp vỏ dày hơn vỏ đại dương. Như vậy, Zealandia đúng là lục địa thứ 8 của thế giới.

"Nếu có thể rút hết nước khỏi đại dương, chúng ta sẽ thấy Zealandia nổi hẳn lên. Nước biển là lý do chúng ta không thể nhận ra được lục địa này từ xưa", nhà khoa học này cho biết.

Nếu Zealandia được công nhận là lục địa, mối quan hệ trong địa chính trị của khu vực này sẽ có nhiều thay đổi. Phần chìm dưới nước của Zealandia có nhiều tài nguyên, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch và khí gas tự nhiên

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm