Khám phá

Lý do bất ngờ khiến Gia Cát Lượng không chọn phò tá Tào Tháo

Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngọa long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, quân sự, nhà phát minh lỗi lạc của Thục Hán, thời Tam Quốc. Lượng được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất trong thời đại của mình, xếp ngang hàng với Tôn Tử.

Vì sao Gia Cát Lượng không dưỡng già mà lại phải 5 lần Bắc phạt? / Sự thật việc Gia Cát Lượng làm ngơ khiến Quan Vũ chết thảm?

Gia Cát Lượng theo Lưu Bị, chứ không phò Tào Tháo

Hình tượng của Gia Cát Lượng được dân gian ca tụng qua những câu chuyện, về sau được La Quán Trung tiểu thuyết hóa và càng trở nên nổi tiếng qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, một trong Tứ đại kỳ thư Trung Hoa. Trong tác phẩm này, Gia Cát Lượng được mô tả là một vị quân sư - thừa tướng tài đức song toàn với tài năng "xuất quỷ nhập thần", là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh.

1

Bí ẩn không ngờ giải thích lý do tại sao Gia Cát Lượng không bao giờ chọn theo Tào Tháo.

Gia Cát Lượng là nhân vật được khai thác rất nhiều, qua văn học, thơ ca, kịch nghệ và các tác phẩm phim ảnh. Và một trong những chủ đề được tranh cãi thường xuyên, dai dẳng nhất trong cộng đồng độc giả yêu “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng như giới sử học, chính là việc tại sao Lượng, với tài kinh bang tế thế của mình, lại chọn Lưu Bị làm chủ thay vì đệ nhất quân phiệt thời đó là Tào Tháo.

Có rất nhiều kiến giải đã được đưa ra, nhưng tựu trung lại đều xoay quanh 2 điểm quan trọng sau đây. Thứ nhất, giữa Lượng và Bị - vốn dòng dõi Hoàng tộc, có sự phù hợp về mặt lý tưởng chính trị Nho gia (nhân nghĩa, trung quân, ái quốc, phò Hán). Thứ hai, về dưới trướng Lưu Huyền Đức Khổng Minh có được không gian đủ lớn để phát huy sở học và tài năng của bản thân.

ly do bat ngo khien gia cat luong khong chon pho ta tao thao hinh anh 2

Gia Cát Lượng – chiến lược gia xuất sắc nhất thời Tam Quốc.

 

Trong khi đó, Tào Tháo dù nền tảng cực tốt, binh hùng tướng mạnh nhưng họ Tào có 2 điểm không phù hợp với tư tưởng chính trị và tham vọng tiến thân của Lượng. Thứ nhất, Tào Tháo mang tiếng là gian hùng, khống chế Hoàng đế, lệnh chư hầu, bị coi là “giặc của nhà Hán”. Thứ hai, Tào Tháo không thiếu những quân sư tài ba, từ Quách Gia, Giả Hủ, Tuân Úc đến Trình Dục, Mao Giới… Về với Tào, Lượng có thể lập nên đại nghiệp nhưng chắc chắn không thể trở thành SỐ MỘT, DUY NHẤT. Với một người luôn ví mình sánh ngang Quản Trọng, Nhạc Nghị như Lượng, đấy không phải là thứ “tiền đồ” mà ông theo đuổi.

Căn nguyên thực sự là gì?

Nhưng suy cho cùng, tất cả những kiến giải quen thuộc nêu trên đa phần đều dựa vào thời thế lúc chuẩn bị “xuất sơn”của Gia Cát Lượng, lựa theo kết quả mà luận bàn vậy. Thực tế, ẩn sâu trong con người Gia Cát Lượng vốn đã in sâu một vết hằn tâm lý khiến Khổng Minh, ngay từ đầu đã không muốn theo phò Tào Tháo rồi.

ly do bat ngo khien gia cat luong khong chon pho ta tao thao hinh anh 3

Gia Cát Lượng chọn Lưu Bị vì giữa họ có nhiều điểm tương đồng về quan điểm chính trị, tư tưởng Nho gia.

 

Để giải mã “vết hằn tâm lý” mà Tháo gây ra cho Khổng Minh, chúng ta cần đào sâu vào hoàn cảnh xuất thân và tuổi thơ của Lượng. Trước hết, Lượng sinh năm 181, là con trai thứ ba trong một gia đình hậu duệ Hiệu úy Nhà Hán – Gia Cát Phong tại Dương Đô (thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay), trên có 2 chị gái và anh trai Gia Cát Cẩn, dưới có em trai út Gia Cát Quân. Năm lên 9 tuổi, mẹ Lượng qua đời. Sau đó, cha Lượng – Gia Cát Khuê đưa các con đến sống tại Từ Châu, nơi ông đảm nhiệm một chức vụ nhỏ (Quận thừa). Tới năm 12 tuổi (193), Khuê mất, Lượng và các anh chị em trở thành trẻ mồ côi.

Cũng trong quãng thời gian ấy, tầm giữa năm 193, Tào Tháo cũng trải qua nỗi đau mất người thân khi cha ông – Tào Tung từ Lạc Dương tới Lang Nha để dưỡng lão, mang theo hơn 100 xe hành lý chứa nhiều vàng bạc châu báu; đi ngang qua Từ châu thì bị bộ tướng của Đào Khiêm - thứ sử Từ châu – là Trương Khải giết chết và cướp hết đồ.

ly do bat ngo khien gia cat luong khong chon pho ta tao thao hinh anh 4

Tào Tháo là “đạo diễn” màn thảm sát kinh hoàng nhất lịch sử Tam Quốc tại Từ Châu năm 193.

Tào Tháo nghe tin cha bị hại ở Từ Châu, cho rằng Đào Khiêm đồng mưu sai khiến thủ hạ, lấy cớ Khiêm ủng hộ Lý Thôi và ngụy hoàng đế Khuyết Tuyên, bèn cất vài chục vạn quân đi đánh Từ Châu. Tháo cũng muốn nhân việc trả thù cho cha, chiếm luôn địa bàn Từ châu liền kề với Duyện châu để mở rộng thế lực nên thúc quân tấn công mạnh mẽ. Quân Tào chiếm lĩnh hơn 10 thành, sau đó đánh bại quân Đào Khiêm ở Bành Thành. Quân Từ châu bị quân Tào đánh bại, bị giết hơn 1 vạn người, nước sông Tứ Thủy vì vậy không chảy được.

 

Trận chiến Từ Châu, phát động bởi Tào Tháo đã tạo ra một trong những cuộc thảm sát kinh hoàng nhất thời Tam Quốc nói riêng và lịch sử Trung Quốc nói chung. Sử sách ghi rõ: “Lưu Bị giúp Đào Khiêm thủ ở Đan Dương, Tào Tháo vây đánh nhiều ngày không sao phá được, bèn trút tức giận lên dân thường để trả thù cho cha, ra lệnh tàn sát hơn 10 vạn người ở 5 thành Thủ Lự, Tuy Lăng, Hạ Khâu, Bành Thành, Phó Dương cùng các hương trấn sở thuộc...”.

Nỗi ám ảnh Táo Tháo gây ra cho tuổi thơ của Gia Cát Lượng

Trong số hàng vạn lương dân ở Từ Châu phải chạy nạn trong trận chiến này, có Gia Cát Lượng, mới chỉ là một cậu bé 12 tuổi vừa trải qua nỗi đau mất cha, lại tận mắt chứng kiến vụ thảm sát khủng khiếp, với hàng ngàn thây người la liệt khắp nơi, những cảnh đâm chém đẫm máu, những tiếng khóc than ai oán…. Tất cả đều được “đạo diễn” bởi Tào Tháo.

ly do bat ngo khien gia cat luong khong chon pho ta tao thao hinh anh 5

Lưu Bị 3 lần tới lều cỏ mời Gia cát Lượng xuống núi.

 

Tức ngay từ thuở thiếu thời, khi còn là một chú nhóc, ấn tượng đầu tiên, sâu sắc và đầy ám ảnh của Lượng về Tào Tháo, vốn đã gắn liền với một miền kí ức khủng khiếp. Nó trở thành một vết hằn tâm lý không thể phai mời, trong con người Lượng từ đó. Và đấy chính là căn nguyên khiến Lượng “nếu không gặp được chủ tốt, thì thà bỏ phí sở học của mình chứ không bao giờ chọn về dưới trướng Tào Tháo”.

Sau khi chạy nạn khỏi Từ Châu, Lượng và các anh chị em đến nương nhờ nhà chú ruột Gia Cát Huyền ở Dự Chương, rồi sau theo chú qua Kinh Châu. Sau khi chú mất, Gia Cát Lượng đến đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, cất 1 căn nhà nhỏ trên núi Ngọa Long Cương, sống tại đó, chờ thời.

Khi Lưu Bị ở Tân Dã, có đến nhà Tư Mã Huy bàn việc thiên hạ. Huy đáp: "Bọn nho sinh đời nay chỉ là một phường tục sĩ. Hạng tuấn kiệt hai người, đó là Ngọa Long và Phượng Sồ. Ngọa Long tức Gia Cát Khổng Minh, Phượng Sồ tức Bàng Thống tự Sĩ Nguyên. Có được 1 trong 2 người đó thì có thể định được thiên hạ". Chính Tư Mã Huy khuyên Lưu Bị nên tới tận Long Trung để mời Gia Cát Lượng giúp mình.

ly do bat ngo khien gia cat luong khong chon pho ta tao thao hinh anh 6

Vết hằn tâm lý ám ảnh từ thuở ấu thơ khiến Lượng luôn coi Tào Tháo là kẻ địch số 1.

 

Một nhân vật khác nhận được sự kính trọng từ Lưu Bị là Từ Thứ đã tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, gọi Gia Cát Lượng là “con rồng nằm”. Lưu Bị sau đó 3 lần đến Long Trung mời Khổng Minh ra giúp. Trong lần thứ ba mới gặp được và trong lều cỏ của mình, Lượng đã trình bày Long Trung đối sách, kế hoạch chia ba thiên hạ, rất hợp ý của Lưu Bị. Với cả Lượng và Bị, đến với nhau trong bối cảnh đó chính là “như cá gặp nước” vậy.

Lúc bấy giờ là năm 208, Gia Cát Lượng, 27 tuổi, chính thức xuất sơn, điểm khởi đầu cho hành trình làm nên đại nghiệp của 1 trong những chiến lược gia tài ba nhất lịch sử Trung Quốc. Và không có gì ngạc nhiên, khi một người mang trong mình “nỗi ám ảnh Tào Tháo” như Lượng, trước sau luôn coi Tào Ngụy là kẻ địch lớn nhất, cần phải tiêu diệt vậy!

Theo danviet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm