Nếu những vật thể có kích thước lớn do vệ tinh của Úc chụp ảnh được trên vùng biển nam Ấn Độ Dương đúng là mảnh vỡ của máy bay MH370 thì rõ ràng chiếc máy bay này đã đối mặt với một kết cục bi thảm, và giờ đây nó đang nằm lại tại vị trí cách nơi xuất phát hàng ngàn km.
Rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra về việc tại sao chiếc máy bay này lại chuyển hướng xuống tận cùng phía nam vùng biển Ấn Độ Dương xa xôi để chịu một kết cục bi thảm như vậy. Một số người cho rằng vì một lý do nào đó, phi công đã cố tình điều khiển máy bay đến tận nơi xa nhất, sâu nhất của Ấn Độ Dương để tự sát.
Trong khi đó, một vài chuyên gia lại nhận định rằng MH370 có thể đã bị một trục trặc kỹ thuật nào đó làm áp suất bên trong khoang máy bay bị giảm một cách đột ngột, khiến phi công và hành khách rơi vào trạng thái bất tỉnh, và MH370 đã thực sự trở thành một “máy bay ma” bay trong tình trạng không người lái suốt 7 giờ tiếp theo.
Tuy nhiên, dù là giả thuyết gì đi chăng nữa, với số nhiên liệu hạn chế mang theo, khi bay đến vùng biển này thì MH370 cũng chắc chắn đã bị rơi vào tình trạng hết nhiên liệu. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi một chiếc Boeing 777 nặng 200 tấn hết nhiên liệu trên một vùng biển mênh mông?
Giáo sư Jason Middleton, chuyên gia hàng không tại Khoa Hàng không Đại học New South Wales cho biết: “Khi bị hết nhiên liệu, tất cả các loại máy bay đều tiếp tục lượn thêm một quãng đường nữa trước khi rơi xuống. Cứ mỗi 1000 mét độ cao, chúng sẽ lượn tiếp thêm được quãng đường khoảng 10 km.”
Nói cách khác, nếu MH370 bị hết nhiên liệu khi đang bay ở độ cao 10.000 mét trên bầu trời Ấn Độ Dương, nó có thể lượn thêm được 100 km trong tình trạng không có xăng, bất kể phi công trong buồng lái có bị bất tỉnh hay không.
Trong trường hợp phi công bị bất tỉnh, khi hết giai đoạn lượn, việc máy bay đâm xuống mặt biển như thế nào còn tùy thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, giáo sư Middleton nói.
Theo ông, trong hoàn cảnh này ngay cả với những phi công giỏi nhất và hoàn toàn tỉnh táo, việc lao xuống một vùng biển đầy sóng gió như Ấn Độ Dương là vô cùng khó khăn, và máy bay có thể đâm vào những con sóng rất lớn khiến nó bị vỡ ra làm nhiều phần.
Giáo sư Middleton cho rằng phi công chỉ có khoảng vài phút ngắn ngủi để đưa máy bay xuống dưới độ cao 4000 mét trước khi việc hạ độ cao đột ngột khiến cho phi hành đoàn và toàn bộ hành khách bị bất tỉnh.
Năm 1999, chiếc phản lực Lear chở tay golf chuyên nghiệp Payne Stewart đã bay suốt nhiều giờ trong khi các hành khách và phi hành đoàn đều rơi vào trạng thái bất tỉnh trước khi nó hết nhiên liệu và đâm xuống một cánh đồng ở Nam Dakota, Mỹ.