Khám phá

Mức thu nhập "trên trời" của các đao phủ thời cổ đại: Ngoài lương còn có khoản "kiếm chác" không ngờ

Mức thu nhập và đãi ngộ "trên trời" của các đao phủ Trung Quốc thời xưa vốn không chỉ có được nhờ tiền lương cố định của họ mà còn đến từ nhiều khoản thu ngoài luồng đáng kể khác.

Chốn lãnh cung ai oán: Nơi chôn vùi cuộc đời không chỉ của các phi tần mà còn đầy ải nhiều nam nhân trong lịch sử / Bí ẩn phía sau Tử Cấm Thành - nơi rùng rợn bậc nhất Trung Quốc

Tại Trung Hoa vào thời cổ đại, chém đầu được biết tới là một trong những cực hình phổ biến nhất. Phải tới khi chế độ phong kiến sụp đổ, hình phạt rùng rợn này mới được xóa bỏ khỏi xã hội.

Cùng với sự biến mất của án chém đầu, nghề đao phủ cũng không còn vị trí tồn tại trong dòng chảy của lịch sử. Thế nhưng ít ai biết rằng đã từng có giai đoạn, nghề nghiệp này trở thành mục tiêu theo đuổi của không ít người nhờ vào chế độ đãi ngộ… trên trời!

Phía sau cuộc đời của những đao phủ hành nghề... "lấy đầu người"

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Đao phủ là cách gọi đối với những người trực tiếp thi hành án chém đầu các phạm nhân vào thời cổ đại. Bấy giờ, việc muốn trở thành một đao phủ hợp cách cũng không phải là chuyện dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng.

Chỉ nói riêng đến phương diện kỹ thuật, việc hạ thủ sao cho dứt khoát và chuẩn xác đã là cả một vấn đề không hề đơn giản. Trên thực tế, các đao phủ lành nghề cũng phải mất rất nhiều năm mới có thể luyện được thủ pháp cao tay.

Tương tự như không ít nghề nghiệp khác, món nghề "lấy đầu người" nói trên cũng thường được truyền lại cho các thành viên trong gia đình, gia tộc. Tuy nhiên bất luận trải qua bao nhiêu đời kế thừa, kỹ xảo chém đầu vẫn phải được giữ bí mật tuyệt đối, không phải người chí thân thì nhất định không thể truyền cho.

Hơn nữa nếu muốn trở thành một đao phủ, ngoài việc sở hữu kỹ thuật thành thục thì lòng gan dạ cũng là yếu tố không thể thiếu. Bởi lẽ vào thời đại mê tín như lúc bấy giờ, chỉ cần là người có tố chất tâm lý yếu thì sẽ rất dễ bị ám ảnh một khi hành nghề này.

Thế nhưng ngay cả khi đối mặt với những yêu cầu đầu vào nghiêm khắc như trên, vẫn có không ít người tình nguyện kế thừa, tiếp quản công việc đao phủ từ cha ông. Điều này cho thấy nghề nghiệp này vào thời cổ đại thực chất sở hữu sức hút không hề tầm thường.

 

Trên thực tế, thù lao của đao phủ cũng được trả tương xứng với độ khó công việc mà họ phải đảm bảo. Do đó món nghề ấy từng có giai đoạn được xem là một trong những nghề có thu nhập và đãi ngộ ở mức cao ngất ngưởng.

Sự thật về thu nhập của các đao phủ thời xưa: Ngoài tiền lương còn có cả hối lộ?

Mức thu nhập trên trời của các đao phủ cổ đại: Ngoài lương còn có khoản thu không ngờ - Ảnh 2.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Theo sử liệu ghi lại, nghề đao phủ xuất hiện vào giai đoạn cuối thời Chiến Quốc, đầu thời nhà Tần. Trong bối cảnh thiên hạ rơi hỗn chiến như lúc bấy giờ, bản thân các đao phủ thực chất cũng chỉ coi đây là một nghề tay trái.

Phàm là những ai từng trải qua chiến trận, từng có kinh nghiệm chém giặc, giết địch thì đều có thể xin làm công việc xử trảm phạm nhân. Cũng vì vậy mà ở giai đoạn đầu khi mới xuất hiện, tiền công của các đao phủ không thể được coi là cao nếu so với mặt bằng chung.

Sau khi hoàn thành phần việc của mình, họ mới có thể nhận được mức thù lao bèo bọt. Hơn nữa việc xử trảm tội nhân được xem là hình thức thi hành pháp luật nên không ai dám đi cửa sau để hối lộ cho các đao phủ.

 

Tới thời nhà Hán, mức đãi ngộ cho nghề nghiệp này cũng bắt đầu thay đổi. Hán Cao Tổ Lưu Bang năm xưa từng xuất thân từ tầng lớp bình dân, vì vậy ông hiểu hơn ai hết việc bách tínhrất phản cảm với các cực hình nghiêm khắc.

Thông qua những cải cách mang tính tích cực của mình, vị Hoàng đế khai quốc của nhà Hán đã giúp cuộc sống của dân chúng ngày một ổn định, thu nhập của các ngành nghề cũng dần dần gia tăng, nghề đao phủ cũng không phải ngoại lệ.

Bên cạnh đó, đao phủ vào thời bấy giờ ngoại trừ tiền lương cố định mỗi tháng thì còn thường xuyên có thêm các khoản hối lộ. Thân nhân của những người bị xử trảm sẽ chủ động tìm tới họ để đưa tiền, xin đao phủ chém một đao dứt khoát để giúp cho phạm nhân giảm bớt đau đớn.

Trên thực tế, khoản tiền hối lộ này chẳng qua chỉ đem lại chút cảm giác an ủi cho thân nhân của những người phạm tội. Bởi hầu hết các đao phủ đều phải trải qua huấn luyện nghiêm khắc, ngoại trừ gặp phải tình huống ngoài ý muốn thì họ sẽ rất ít khi gây khó dễ cho các phạm nhân trong lúc thi hành án.

Tuy nhiên đối mặt với những khoản tiền hối lộ đã dâng tới tận cửa, những đao phủ thời bấy giờ đương nhiên không có lý do gì để từ chối.

 

Tới thời nhà Tùy, triều đình đã hạ lệnh phế trừ nghề đao phủ. Phải tới khi Đường triều thành lập, nghề nghiệp này mới được khôi phục lại.

Thế nhưng do thời gian xóa bỏ không lâu, thiên hạ liên tiếp trải qua nhiều cuộc chiến loạn, nhóm người đao phủ lại tiếp tục có đất dụng võ, ung dung sống cuộc sống với mức thù lao và hối lộ cao ngất ngưởng.

Điểm đáng nhắc tới ở giai đoạn này nằm ở chỗ, động cơ hối lộ của bách tính Đường triều lại khác hẳn so với thời kỳ trước đó.

Do sự thịnh hành của Phật giáo vào triều đại này, người dân khi ấy thường dùng vật chất để thỉnh cầu đao phủ không cần ra tay quá dứt khoát, tốt nhất nên để đầu của phạm nhân không bị chém đứt hoàn toàn.

Sau đó, thân nhân của những người bị xử trảm sẽ thu nhặt thi thể của họ rồi nhờ người đem vết chém khâu lại, từ đó an táng phạm nhân với một thân thể toàn vẹn nhất.

 

Tới thời nhà Thanh, đãi ngộ của các đao phủ lại tiếp tục được đẩy lên một tầm cao mới. Điều này có liên quan trực tiếp tới tín ngưỡng của tầng lớp thống trị khi đó.

Bởi hoàng tộc Thanh triều rất tin vào Phật giáo và đạo Tát Mãn. Do đó họ cho rằng đao phủ khi còn sống đã từng xử trảm rất nhiều người, việc làm này sẽ gây tổn hại tới âm đức.

Vì thế tầng lớp thống trị của triều đại này liền hạ chiếu tăng bổng lộc cho giới đao phủ để coi đó làm… tiền bồi thường!

Lấy giai đoạn vua Phổ Nghi tại vị làm ví dụ, đao phủ mỗi lần xử trảm một phạm nhân có thể được trợ cấp 1 đồng tiền đại dương. Trong khi đó vào thời điểm bấy giờ, một gia đình nông dân bình thường với ba miệng ăn dù chi tiêu cả năm cùng lắm chỉ hết tới nửa đồng tiền này.

Từ phép so sánh nói trên có thể thấy, vào thời nhà Thanh, các đao phủ chỉ cần ung dung hạ một nhát đao là có thể kiếm được thù lao tương đương với những người khác cần cù làm lụng cả nửa năm trời.

 

Huống chi lúc bấy giờ loạn thần nghịch tặc rất nhiều, số phạm nhân bị xử trảm vì vậy mà không thiếu. Cũng bởi thế mà thu nhập cùng đãi ngộ của giới đao phủ khi ấy có thể ví như ở mức trên trời.

Trừ những khoản thù lao kể trên, vào các ngày lễ tết, quan phủ còn phát một ít vật phẩm có giá trị coi như phúc lợi đền bù cho đao phủ. Cũng bởi vậy mà dân chúng bây giờ mỗi khi nhắc tới những người hành nghề này thường có câu: "Ba năm không chặt đầu, chặt đầu ăn ba năm".

Thông qua những minh chứng kể trên, không khó để nhận thấy đao phủ là một trong số ít những ngành nghề sở hữu mức đãi ngộ cao vào thời cổ đại.

Thế nhưng ngay cả khi nhận được các khoản thù lao hậu hĩnh, có lẽ đa số những người làm nghề này cũng khó có được sự vui vẻ hay tự hào đối với công việc không mấy nhân văn mà họ vẫn truyền từ đời này qua đời khác…

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm