Nghề "tiễn đưa linh hồn người chết" ở vùng cao
Tản mạn từ huyền tích Ðá Bia / Thầy thuốc cổ truyền Madagascar được "ma" truyền nghề?
Những thầy tào càng có thâm niên trong nghề, làm nghi lễ bài bản, cẩn thận thì càng nổi tiếng, yêu mến, chưa lo xong tang lễ của nhà này thì nhiều người khác đã tìm đến tận nhà mời đi. Vì vậy, không ít đám tang đã hoãn lại chỉ vì thiếu thầy tào.
Đồng bào dân tộc Tày, Nùng nói riêng và một số dân tộc thiểu số khác thuộc các tỉnh vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc, thầy tào được coi là người có uy thế nhất trong các hoạt động liên quan tới đời sống sinh hoạt thuộc về tâm linh.
Bởi họ cho rằng, làm nghề thầy tào là phải có tài đức, phương pháp kết nối, chia cắt giữa linh hồn người đã khuất với các cõi, có bùa pháp trừ khử ma tà. Hơn nữa, thầy tào còn là người am hiểu kinh dịch, đặc biệt là phải thông thạo chữ nho, chữ nôm…
Thông thường, ở các huyện miền núi thuộc tỉnh Cao Bằng, các thầy tào xuất thân từ các gia đình, dòng họ theo kiểu cha truyền con nối hoặc một người nào có cơ duyên thì xin đi làm đệ tử, học trò cho một thầy nào đó đã có uy tín, đẳng cấp cao để theo học. Để được hành nghề, người học trò đó phải được hội đồng thầy tào một vùng nào đó công nhận bằng một nghi lễ cấp sắc thì mới được xã hội chấp nhận.
Theo ông Nông Lưu Đồng, Trưởng xóm Bản Khuông thuộc xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho biết: "Công việc chính của thầy tào là chủ trì hành lễ trong các đám tang, bắt đầu từ việc phát tang, khâm liệm, lễ tạ ơn, lễ đưa linh, chôn cất, cho đến khi mồ yên mả đẹp.
Sau đó, thầy tào còn phải có trách nhiệm với tang gia cho đến lễ mãn tang (giỗ người chết khi tròn 3 năm). Ngày xưa, một đám tang kéo dài từ 4 đến 7 ngày đêm mới kết thúc. Điều đó làm tốn kém tiền bạc của tang gia, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, nhất là thầy tào bởi có những công đoạn như phá ngục, qua sông lửa, cắt âm dương, cắt trùng tang… hao tổn rất nhiều trí lực và công sức.
Những công đoạn cao trào như thế không phải thầy nào cũng dám làm và làm được, nhất là đối với những thầy mới vào nghề hoặc có phẩm hàm thấp. Bây giờ thì thời gian tổ chức tang lễ và các công đoạn đỡ rườm rà, phức tạp hơn rồi".
Theo nhiều người dân cho hay, những năm gần đây, số lượng thầy tào đang hành nghề ở các huyện Trùng Khánh, Quảng Quyên, Hạ Lang, Trà Lĩnh… có xu hướng tăng so với trước đây. Sở dĩ như vậy là do thiếu thầy tào, phần vì lợi lộc từ nghề này cũng khá cao.
Hiện giờ mỗi đám tang chỉ kéo dài trung bình hai ngày, thế nhưng số tiền trả cho thầy tào làm đám tang dao động từ 2-6 triệu đồng (tùy theo từng thầy tào và gia cảnh của tang gia).
Một trong những quyển vở nhỏ được thầy tào Hựu ghi chép lại để tránh bị mai một. |
Hầu hết các thầy tào đều xuất thân từ nông thôn nên thấu hiểu, thông cảm cho gia cảnh của nhà có tang lễ nên cũng nhìn hoàn cảnh mà định giá tiền, thậm chí có không ít thầy tào để cho gia đình họ trả tiền "tùy tâm".
Sau mỗi đám tang, gia chủ thường phải tạ ơn thầy bằng một lễ gồm: một thủ lợn, một chân giò, 5 kg thịt vai, đôi gà (một sống, một chín), đôi vịt (một sống, một chín), xôi, rượu và từ hai đến ba triệu đồng tiền mặt.
Đấy là đối với thầy tào, còn đối với đội kèn trống, gia chủ cũng phải trả một khoản tương đương như thế. Như vậy, thu nhập từ nghề thầy tào cũng khá cao, chưa kể đến các kỳ tết như rằm tháng bảy, Nguyên đán, người nhà các gia đình đang kỳ chịu tang đều phải đến lễ bằng gà sống, rượu, gạo.
Chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nông Văn Hựu (65 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh - một thầy tào đã hành nghề hơn 40 năm và là một trong ít người có uy tín, phẩm hàm cao nhất vùng các huyện phía Đông Bắc tỉnh Cao Bằng.
Thầy tào Hựu chia sẻ: "Tôi theo nghề này từ hồi còn trẻ, đến nay đã hơn nửa đời người rồi mà vẫn bận rộn, ít khi ở nhà. Nghề này là phải có khả năng thức đêm, ngủ được khi xung quanh ồn ào, quen rồi mới chịu đựng được. Đã bước vào nghề này rồi mặc dù mệt mỏi, mất ngủ nhưng khi người ta đến nhà đón đi thì không thể từ chối được.
Mấy năm trước tôi được bà con họ hàng tặng cho chiếc điện thoại để liên lạc, từ đó đến nay cứ được một, hai hôm là có người gọi đến bảo đi lo đám tang nhà này nhà kia. Chúng tôi lo chưa xong đám tang nhà này thì nơi khác lại có người mất, đến nhà tìm không thấy thì xin số điện thoại rồi gọi tôi.
Tôi có ba người theo hỗ trợ kiêm học nghề, xong đám này lại đi đám khác ở trong và các huyện lân cận như Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Hạ Lang. Lắm lúc cũng rảnh rang, nhưng cũng có lúc nhiều đám dồn dập, liên tiếp nhau khiến chúng tôi chạy không kịp. Làm nghề này cũng bận rộn theo mùa, bận nhất là đầu năm với cuối năm vì có nhiều lễ hội và nhiều đợt giải hạn".
Đường vào các bản làng người Tày ở vùng cao tỉnh Cao Bằng. |
Mặc dù kiếm được khá nhiều tiền nhưng cũng không hề dễ dàng bởi đây là nghề rất gian nan, vất vả mà chỉ có người trong nghề mới thấu hiểu rõ. Anh Nông Văn Toản ở Nà Vường, xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên là một thầy tào trẻ mới nối nghiệp cha, bước vào nghề được vài năm tâm sự: "Làm cái nghề này là phải thường xuyên tiếp xúc với người chết, chứng kiến nỗi đau và mất mát của người còn sống đối với người đã khuất.
Thời gian đầu mới theo học nghề cũng vất vả lắm, vì phải thông thạo các loại nhạc cụ như trống, chiêng nhỏ, chiêng lớn; cách viết, đọc chữ nho, chữ nôm; những loại phù pháp giải bùa, bản lĩnh bước đi trên lưỡi dao sắc bén, thân thể nhảy vào đống gai nhọn hoắt cùng những cách hành lễ khác nhau như đám tang, đám giỗ, giải hạn… Nhiều lắm. Học thành thục từng cái một và kiên trì mới có thể thành công được.
Nói thật nghề này phúc lộc cũng như vất vả đều có cả. Nếu mình lo việc tiễn đưa cũng như kết nối linh hồn người chết với người còn sống một cách cẩn thận, tỉ mỉ và đảm bảo về sau nhà họ không có chuyện gì xảy ra liên quan đến tâm linh thì chắc chắn tiếng vang của thầy tào đó sẽ mau chóng loan đi khắp nơi.
Ngược lại, thầy tào làm cẩu thả, qua loa và tham lam tiền bạc, của cải, không biết thông cảm với gia chủ thì sớm muộn gì cũng bị người dân tẩy chay, ghét bỏ. Chính vì vậy, mặc dù vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng làm cho bà con chu đáo, chuyên nghiệp theo lời của cha tôi dặn dò".
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng những thầy tào vẫn bám trụ với nghề. Đây không hẳn phải vì tiền, vì lợi danh mà là sự đam mê, yêu nghề và mong muốn được giúp đỡ cho bà con thôn bản.
"Điều quan trọng nhất đối với một thầy tào ngoài giỏi về chuyên môn ra thì phải là những người có công đức cao, xuất thân trong gia đình truyền thống và tính tình trầm lắng, hiền từ, không được tham vọng và mưu cầu quá độ hoặc đố kỵ với người khác.
Như vậy người thầy tào ấy mới được hưởng thọ cao. Khi được đông đảo người dân trọng dụng nhờ khả năng bói toán, xem số, giải hạn, làm đám ma chay thì không nên tự cao mà thay vào đó phải tự răn mình sống vô tư, không đòi hỏi tiền bạc, không phân biệt giàu nghèo, hễ ai cần đến lại lên đường".
Ông Nông Lưu Đồng, Trưởng xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). |
Đã có không ít kẻ theo nghề làm thầy tào đi đến những nơi xa xôi hành nghề chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi bỏ cuộc hoặc bị đào thải bởi nhiều lý do khác nhau.
Phần vì một số người thấy nghề làm thầy tào kiếm được khá nhiều tiền, ở nhà ngoài việc đồng ruộng lại không biết làm gì nên thử vận may xin theo học thầy một thời gian, sau đó lập tức làm lễ cấp sắc rồi đi đến các địa phương khác để hành nghề.
Tuy nhiên, do không có năng khiếu, chuyên môn cũng như khả năng chưa đủ nên chỉ được dăm ba tháng lại quay trở về nhà. Còn những thầy tào có năng khiếu, được truyền dạy đàng hoàng hoặc gia đình có truyền thống làm nghề thầy tào lại không được bà con rước mời vì tham lam, ra giá tiền quá cao trước khi đến lo tang lễ.
Những thầy tào này chỉ khi bí bách quá thì họ mới cần đến, tuy nhiên do bị nhiều người ghét bỏ, bằng mặt không bằng lòng nên những thầy tào này cũng tự thấy xấu hổ, không còn mặt mũi hành nghề nữa.
"Những bài học thực tế đã khiến cho tôi phải suy nghĩ, rèn luyện bản thân và tự nhủ đã theo cái nghiệp này điều đầu tiên là phải luôn tự tu tâm tích đức, không làm càn, làm ẩu, sống tốt, đặc biệt là phải làm yên lòng được các tang gia sau mỗi cuộc chia lìa, cách biệt âm dương… để không giống như một số thầy tà tâm đã phải trả giá đắt không những cho chính bản thân mà cả con cháu về sau" thầy Hựu giãi bày với chúng tôi trước khi ra về.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khẩu súng đắt nhất thế giới trị giá hơn 110 tỷ: Chỉ vài người có khả năng mua, làm bằng chất liệu độc nhất
Người đàn ông mua chiếc ấm nứt vì đam mê, nào ngờ là đồ cổ 250 năm được định giá hơn 17 tỷ đồng
Không phải người ngoài hành tinh, con người có thể là sinh vật có trí tuệ duy nhất trong vũ trụ?
Cặp vợ chồng sững sờ phát hiện chiếc bình sứ chắn cửa nhà suốt 36 năm lại có giá trị đến 30 tỷ đồng
Ngôi chùa cổ sở hữu 4 chiếc cột gỗ quý hơn 'kim cương' giá 3400 tỷ: Người người xếp hàng vào xem!
Chiếc giường gỗ có giá trị nhất miền Tây: Chế tác bằng gỗ quý hàng đầu Việt Nam, trả 3 tỷ không bán