Một nghiên cứu về các văn bản cổ xưa của người Maya mang tên Cổ thư Dresden đã tiết lộ những bí mật bất ngờ với giới thiên văn học. Cổ thư Dresden được viết ở Châu Mỹ vô cùng quen thuộc với các nhà sử học đã cho thấy các nhà khoa học Maya cổ đại có thể đã thực hiện được công cuộc khám phá thiên văn học từ hơn 1.000 năm trước đây.
Theo nghiên cứu này, dữ liệu thiên văn được viết trong một phần của văn bản có tên Bảng Sao Kim không chỉ là thần số học như người ta thường nghĩ trước đây. Đây là một bảng ghi chép quỹ đạo của sao và rất có ý nghĩa với cộng đồng xã hội Maya.
Nhà nhân chủng học Gerardo Aldana từ trường Đại học California, Santa Barbara phát biểu “Tôi cho rằng đây là một khám phá vô cùng thú vị khi chúng ta đã thực sự biết đến nó, xem xét từng công trình của mỗi người Maya và gọi anh ấy, cô ấy là một nhà khoa học, một nhà thiên văn học. Đây là những con người đã chứng kiến sự kiện này trong một khoảng thời gian cụ thể, sáng tạo bằng tư duy của họ và tạo nên sự đổi mới trong toán học”.
Bản đọc Bảng Sao Kim của Aldana với sự kết hợp của khắc nghiên (nghiên cứu về chữ tượng hình), khảo cổ học và thiên văn cho thấy đây là một sự điều chỉnh toán học cổ đại trong các ghi chép liên quan đến chuyển động của Sao Kim và nó có thể bắt nguồn từ thành phố Chich'en Itza trong giai đoạn Tận Cùng Cổ Điển (Terminal Classic) bắt nguồn từ năm 800 đến 1000 sau công nguyên.
Những tính toán này đã được các nhà học giả biết đến từ lâu nhưng thực ra nó là những phép tính toán chu kì chuyển động của Sao Kim kéo dài 583,92 ngày, giống như lịch Gregorian của chúng ta kết hợp cùng năm nhuận.
Aldana giải thích “Điều đó có nghĩa là nếu bạn làm bất cứ điều gì theo lịch chỉ dựa vào các ngày như một đơn vị cơ bản (sử dụng Sao Kim mà không có sự điều chỉnh), có thể tạo ra lỗi sai theo thời gian tích lũy”.
Theo phân tích của Aldana về bảng Sao Kim, từ khóa trong bảng “k’la” có ý nghĩa khác xa những gì mà các nhà nghiên cứu đã nhận định ban đầu. Ông cho rằng “k’la” cần được dịch là “tới gần”, nó sẽ đem đến cho toàn bộ những ghi chép một ý nghĩa thiên văn học rõ ràng, giúp lưu giữ thông điệp khoa học rất khác nhau.
Aldana giải thích “Những gì tôi muốn nói là, chúng ta hãy lùi lại và đưa ra những dự đoán khác nhau. Hãy giả định rằng họ đã ghi chép lại những sự kiện lịch sử cũng như các sự kiện thiên văn nhằm lưu giữ lại và sử dụng cho tương lai. Điều này giống hệt như những gì mà người Hy Lạp và người Ai Cập cổ đại đã làm”.
Aldana nói thêm “Đó là những gì họ đã làm được. Họ lưu giữ chúng trong một khoảng thời gian dài và rồi phát hiện ra những điểm lặp lại, tạo thành một khuôn mẫu ghi chép. Lịch sử thiên văn học phương Tây cũng hoàn toàn dựa trên tiền đề này”.
Để kiểm định giả thuyết, Aldana đã kiểm tra một địa điểm khảo cổ của người Maya có tên Copán ở Honduras. Những ghi chép về Sao Kim tại đây hoàn toàn trùng khớp với Bảng Sao Kim trong cổ thư Dresden. Điều này làm tăng tính thuyết phục về việc người Maya cổ đại đã biết quan sát chuyển động của các hành tinh, xem chúng như những lưu trữ về lịch sử và khoa học cho mục đích nghiên cứu sau này.
Và Aldana cho rằng có thể việc quan sát không chỉ hoàn toàn cho mục đích lưu trữ hồ sơ thiên văn học mà còn đóng vai trò nền tảng quan trọng cho các hoạt động dựa trên lịch.
“Họ sử dụng Sao Kim không chỉ để quan sát những chuyển động của nó, mà còn cho những nghi lễ đặc biệt khác. Người Maya đã có dịp tụ tập toàn thành phố lại với nhau và thực hiện những sự kiện đặc biệt dựa vào việc quan sát Sao Kim”, ông nói.
Nếu cách diễn giải về Bảng Sao Kim là chính xác, điều đó đồng nghĩa với việc những lưu giữ của người Maya không chỉ là một bài tập số học dựa trên các phép tính toán. Chúng ta có thể chứng minh được rằng đây là một thành tựu khoa học lớn lao dựa trên những gì họ quan sát được từ vũ trụ và thật sự có ý nghĩa với tương lai.