Những góc chiến trường không tiếng súng ở Điện Biên Phủ
Kho ảnh khổng lồ về Việt Nam 1991-1993: Đời thường ở Điện Biên / Những lý giải khoa học về luân xa
Đấu trí qua chiến lợi phẩm
Ở Điện Biên, khi quân Pháp đã bị quân ta vây chặt trong những chiến hào và đường băng bị pháo ta khống chế không cất cánh được nữa thì mọi thứ tiếp tế đều tiến hành qua thả dù.
Nhưng do trận địa chiến hào của ta ngày càng nhích dần vào trong mà máy bay thả dù thì sợ cao xạ không dám bay thấp thả cho chính xác nên càng ngày số dù càng rơi sang trận địa ta phần lớn.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), Kiến Thức xin gửi tới độc giả loạt bài viết về sự kiện này với những thông tin phong phú, giàu giá trị tham khảo. Loạt bài sẽ được đăng tải liên tục từ ngày 4/5/2014- 8/5/2014. Kính mời độc giả theo dõi, đón đọc.
Vào lúc đó, đạn dược nhất là đạn pháo 105 đã bắt đầu khan hiếm cho nên việc đoạt dù tiếp tế của địch nhằm tìm đạn cho pháo trở thành một phong trào rộng lớn được các đơn vị bộ binh đều hưởng ứng. Có đơn vị đề ra thành phương châm: Lấy vũ khí trước, lương thực sau; lấy xa trước, gần sau, không lấy được thì phá hủy.
Kẻ địch cũng biết điều đó nên chúng âm mưu “tương kế tựu kế” phá ta. Kèm theo những viên đạn thật, chúng để lẫn cả những viên đạn phá nòng súng hòng đánh lừa ta. Việc tiếp thu đạn chiến lợi phẩm thực sự đã thành một cuộc đấu trí giữa cán bộ hậu cần kỹ thuật của ta với Pháp và trong vụ này ta lại thắng địch một keo nữa trong ván bài lớn Điện Biên.
Sách Trận tuyến hậu cần Điện Biên Phủ của Nxb QĐND chép: “Ở khẩu đội pháo phía bắc mấy hôm liền hết đạn anh em rất buồn. Mỗi lần thấy phía đông nổ súng, anh em lại càng sốt ruột.
Một buổi chiều, máy bay địch thả dù, nhiều loại dù tạ rơi gần trận địa pháo. Mọi khi chúng thả dù có lạc cũng chỉ quanh quẩn cách cứ điểm của chúng 1 đến 2km. Hôm nay dù lại rơi xa đến 4; 5 km xuống tận các trận địa pháo ta. Thấy có dù, anh em xông ra đoạt. Toàn dù đạn, cứ mỗi kẹp có 4 viên 105 hoặc cối 120 còn mới tinh, sặc mùi sơn và ê te. Thật là món quà vô giá. Đơn vị vội lấy vào, điểm số, phân loại và báo cáo lên cấp trên xin được dùng đạn để đánh ngay trận hôm nay.
Bất ngờ trên ra lệnh: “Tất cả số đạn mới lấy được phải giữ cẩn thận, không được đụng tới một viên”. Dưới đơn vị anh em tưởng cấp trên định dùng số đạn này cho đơn vị khác dùng. Đến chiều một tổ quân khí được lệnh đến đơn vị cùng với quân khí viên của đơn vị kiểm tra đạn chiến lợi phẩm. Họ lọc ra 12 viên 105, 5 viên cối 120 trong số hơn 200 viên. Và họ chỉ ra cho anh em pháo thủ thấy những viên đạn này y hệt như đạn thường, chỉ có vành đai của nó to hơn đạn thường vài mm. Đó là những viên đạn phá nòng. Nếu không biết kỹ thuật, không cảnh giác, lúc bắn nòng súng sẽ bị phá vỡ và gây thương vong cho người bắn. Tối hôm đó, những viên đạn địch, qua kiểm tra kỹ thuật lại bay vào phá tan đồn địch”.
Đưa đạn tới hầm pháo. Ảnh: Vnmilitaryhistory. |
Tương tự như vậy trên mặt trận đảm bảo đường sá, địch cũng giở nhiều mưu mô. Chúng thả xuống đường nào bom bướm, mìn nhảy, chông sắt để sát thương dân công và những người bảo vệ đường. Thâm độc hơn, chúng biết ta đã biết cách phá bom nổ chậm nên âm mưu lợi dụng việc này để sát thương quân ta.
Chúng đã thay đổi ren của kíp nổ ngược lại để đánh lừa ta. Bình thường ren của kíp là ren xoắn phải nhưng giờ chúng làm ren xoắn trái. Bởi thế ta càng vặn thì kíp càng đi vào và phát nổ gây thương vong cho người phá bom.
Sau một vài lần bị thương vong, lực lượng quân khí của ta đã nhanh chóng nghiên cứu và phát hiện được bí mật. Nhờ đó bom nổ chậm của địch lại bị phá hoặc được tháo ra lấy thuốc nổ phục vụ phá đá mở đường.
Cuộc đấu tình báo
Khi chiến dịch Điện Biên đã bước vào giai đoạn 2, quân Pháp ở đây đã cực kỳ nguy khốn trong cảnh bị bao vây, Pháp lại đi một nước cờ mạo hiểm là cho người trá hàng để lung lạc ý chí quân ta.
Câu chuyện này được đại tá Mạc Lâm – cán bộ Cục Quân báo kể lại trong cuốn Nhà tình báo và phi công tù binh:
Vào tháng 4/1954, trong lúc quân ta siết chặt vòng vây Điện Biên Phủ, được tin tỉnh Vĩnh phúc bắt được 1 hàng binh. Người này khai đã từng ở Điện Biên Phủ nên được đưa lên Điện Biên để khai thác tiếp. Qua khai thác thì thấy đúng là anh ta biết rất rõ cách bố trí binh lực, hỏa lực của Pháp ở Điện Biên và phân tích rất sâu những ưu điểm và nhược điểm của nó.
Tù binh Pháp bị bắt ở Điện Biên Phủ. Ảnh: Internet. |
Điều đặc biệt là trong khi khai báo, người hàng binh này rất tự tin và thường nhấn mạnh: “Đánh vào Điện Biên Phủ sẽ thiệt hại nhiều, các ngài chỉ nên đánh vào những cứ điểm yếu thôi. Pháp quyết giữ không chịu thất bại ở chiến trường này – một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương được Mỹ viện trợ”. Có nhiều khi anh ta lại hỏi lại Mạc Lâm: “Cấp trên của ngài có bằng lòng với những tin tức tôi đã cung cấp không? Các ngài có đủ khả năng tiến công ồ ạt vào Điện Biên Phủ không?”.
Thái độ cùng những câu hỏi ngược này làm nảy sinh mối nghi ngờ của người sĩ quan hỏi cung. Ông tự hỏi có khi nào tên này trá hàng không? Càng nghĩ lại càng thấy những nghi ngờ là có cơ sở. Do vậy, ông Mạc Lâm quyết định phải điều tra cho ra.
Bằng kinh nghiệm của một người chuyên hỏi cung, sau một vài động tác nghiệp vụ sâu, ông đã bắt hắn phải khai thật rằng: “Tôi được quân Pháp bố trí trá hàng để ngăn chặn các cuộc tấn công của các ông vào cứ điểm tiếp theo ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi muốn kéo dài những đợt tiến công của các ông để chờ sự giúp đỡ của Mỹ. Tất cả nằm trong kế hoạch của Chính phủ Pháp – yêu cầu hai đồng minh Mỹ, Anh giúp sức để cứu vãn Điện Biên Phủ nói riêng, chiến cuộc của Pháp ở Đông Dương nói chung”.
Nhưng mọi âm mưu của Pháp đều thất bại. Pháp không cứu được Điện Biên còn Mỹ tuy lắm tiền nhiều súng cũng chẳng có cách gì để thay đổi cục diện. Và ngày 7/5 đã đi vào lịch sử nhân loại với ý nghĩa là ngày kết thúc một trận đánh lừng lẫy lịch sử đồng thời mở đầu một thời kỳ tiêu diệt chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
CLIP: Cảnh tượng kinh ngạc, cóc thoát chết ngoạn mục từ bụng rắn hổ mang
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
CLIP: Ngựa vằn bỏ mạng khi chạm trán bầy cá sấu hung dữ trong cuộc vượt sông
CLIP: Nai sừng tấm dũng cảm chiến đấu bảo vệ con trước bầy sói, kết thúc đầy cảm động