Những mưu kế nổi tiếng khiến hậu nhân bội phục trong Tam Quốc
So sánh dàn vũ khí lợi hại nhất trong Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy hử / Nhờ hành động khôn ngoan này, Tào Tháo đã giúp Tào Ngụy trở nên hùng mạnh nhất trong 3 nước Tam Quốc
Thời phân tranh Tam Quốc chứng kiến sự xuất hiện của nhiều anh hùng và quân sư lỗi lạc. Do đó, trong cuộc chiến vương quyền, để tiêu diệt lẫn nhau, các phe phái đã liên tục sử dụng những mưu kế, sách lược vô tiền khoán hậu trong lịch sử. Rất nhiều mưu kế trong đó tài tình đến nỗi khiến cho hậu nhân hàng ngàn năm sau vẫn phải trầm trồ thán phục.
1. Vương Tư Đồ dùng "Liên hoàn kế" diệt Đổng Trác
Vào thời Hán mạt, liên minh Đổng Trác – Lữ Bố nổi lên thao túng triều đình. Vốn bản tính tham lam, Đổng Trác đã gây ra nhiều tội ác như giết Thiếu Đế, Hà Hậu và Đường Phi, sát hại dã man bá quan văn võ, lạm sát dân thường vô tội. Tuy nhiên, dưới trướng Đổng Trác lại quy tụ nhiều nhân tài như Lý Nho, Lữ Bố.
Trước tình cảnh này, cựu thần Hán thất là Vương Doãn đã dùng cô con gái nuôi Điêu Thuyền của mình để lập ra liên hoàn kế, trừ bỏ liên minh Đổng Trác – Lữ Bố. Mưu kế của Vương Doãn là một loạt kế sách kết hợp chặt chẽ với nhau: kế mỹ nhân, kế ly gián, kế dụ rắn khỏi hang, kế khổ nhục… Trước tiên, ông hứa gả Điêu Thuyền cho Lữ Bố, nhưng sau đó lại đem dâng cho Đổng Trác. Trong quá trình đó, Điêu Thuyền ở giữa, tìm cách ly gián hai người này.
Kết quả, mưu kế của Vương Doãn thành công tốt đẹp, hai cha con Đổng Trác – Lữ Bố trở mặt thành thù.
2. Khổng Minh dùng "Không thành kế" đuổi 15 vạn quân của Tư Mã Ý
Nhắc đến những quân sư thiên tài trong thời Tam Quốc thì không thể bỏ qua Khổng Minh. Một trong số những mưu kế độc đáo và nổi tiếng nhất của vị quân sư này là "Không thành kế".
Sau khi Mã Tốc để mất Nhai Đình, Khổng Minh chỉ còn 2500 quân đóng huyện Tây Thành. Đúng lúc đó Tư Mã Ý lại mang mười lăm vạn đại quân kéo đến. Trước tình thế cấp bách, Khổng Minh bèn bày ra một cách đối phó rất lạ lùng. Ông ra lệnh mở rộng các cổng thành, thu hết cờ quạt, binh lính cũng rút lui vào các chòi gác tuần tiễu, không cho tự ý ra vào cổng thành hoặc nói lớn, mỗi cổng lấy 20 người cải trang làm dân thường quét đường. Còn bản thân Khổng Minh thì lên tường thành, xông hương và ung dung ngồi gảy đàn.
Kết quả, khi quân của Tư Mã Ý kéo đến, thấy cảnh tượng thành quách hớ hênh còn Khổng Minh điềm nhiêm chơi đàn thì cho là trong thành có quân mai phục nên nấn ná không đánh mà rút quân về. Đồng thời Ý cũng hiểu nội hàm mà Khổng Minh gửi gắm vào tiếng đàn: Thỏ không chết thì chó săn cũng bị nấu.
3. Khổ nhục kế của Chu Du và Hoàng Cái, hỏa thiêu Xích Bích
Trận Xích Bích là trận đánh kinh điển làm lên tên tuổi của Đại đô đốc Đông Ngô Chu Du. Trong trận đánh này, không thể không hể đến "khổ nhục kế" của lão tướng Hoàng Cái.
Biết tin Sái Trung, Sái Hòa sang Đông Ngô vờ hàng, Chu Du và Hoàng Cái cố tình cãi vã trước mặt binh sĩ. Trận cãi vã này gay gắt đến nỗi Du ra lệnh chém lão tướng. Hoàng Cái bị lôi đi hành hình, miệng mắng chửi Chu Du không tiếc lời. Sau đó các tướng lĩnh phải quỳ rạp xin Du tha tội chết cho Hoàng Cái, vậy là Cái thoát chết nhưng bị phạt 100 gậy.
Nhân cớ oán hận Chu Du, Hoàng Cái lén đưa thư cho Tào Tháo, vờ xin hàng. Đến ngày giờ hẹn giữ đôi bên, Hoàng Cái chuẩn bị đội thuyền cơ động, bên trong chứa đầy mồi lửa, nhằm thẳng hướng thủy trại của quân Tào mà bơi đến.
Kết quả, toàn bộ 83 vạn Tào quân bị đốt thành tro, thương vong nhiều không kể hết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo