Normandie-Niemen - Những anh hùng Pháp trên bầu trời Liên Xô
Bí mật về điệp viên và kẻ chủ mưu “tậu” MiG-23 của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh / Cuộc đời thăng trầm của 'James Bond Liên Xô' từng khiến châu Âu run sợ
Chống phát xít, ở bất cứ mặt trận nào
Tháng 6/1940, thông tin nước Pháp đầu hàng phát xít Đức chỉ sau 46 ngày đã gây chấn động toàn thế giới. Sự sụp đổ chóng vánh của một cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu khiến dư luận cho rằng, lúc đó không gì có thể ngăn nổi xích xe tăng Đức. Tuy nhiên, rất nhiều người Pháp không chấp nhận sống dưới ách cai trị của Đức quốc xã. Tướng Charles de Gaulle đã kịp thời sang Anh, sau đó phát đi lời kêu gọi nhân dân Pháp kháng chiến và thành lập chính phủ “nước Pháp tự do”. Một bộ phận quân đội Pháp đào thoát khỏi đất nước và các thuộc địa để tiếp tục chiến đấu trong quân đội phe đồng Minh.
Cảm thấy phương Tây không coi trọng lợi ích của nước Pháp, tướng Charles de Gaulle chuyển hướng sang tìm kiếm sự ủng hộ từ nhà lãnh đạo Liên Xô J. Stalin. Đối với Charles de Gaulle, những bất đồng về ý thức hệ hay chính trị không quan trọng bằng việc cùng chống lại kẻ thù chung, dù đó là ở Tây Âu, Bắc Phi hay nước Nga rộng lớn.
Một phi đội tiêm kích Yak-3 của Trung đoàn “Normandie-Niemen” chuẩn bị xuất kích. |
Tháng 2/1942, Charles de Gaulle ra lệnh tập hợp một đội ngũ các phi công giỏi nhất của không quân nước Pháp tự do, cùng kỹ thuật viên mặt đất để chuẩn bị sang Liên Xô tham chiến. Đại úy Albert Mirlesse, con trai một gia đình người Nga gốc Do Thái di cư đến Pháp, được chỉ định là chỉ huy của phi đoàn này. Sau khi Albert Mirlesse trình bày đề nghị của người Pháp, phía Liên Xô tỏ ra rất quan tâm. Hai bên đi đến thỏa thuận rằng người Pháp sẽ đóng góp kinh nghiệm và khả năng chiến đấu của mình, còn máy bay là do Liên Xô cung cấp.
Trở ngại đầu tiên là phải đưa được đội ngũ này đến Liên Xô. Tình hình chiến sự căng thẳng, lan ra toàn châu Âu và Bắc Phi. Phải tới tháng 9/1942, phi đoàn mới tập hợp được đủ số phi công tại Lebannon. Ngày 15/9, phi đoàn chính thức được thành lập, bao gồm 14 phi công chia làm 3 biên đội, 58 kỹ thuật viên Pháp, hỗ trợ bởi 17 kỹ thuật viên Liên Xô. Đơn vị được gọi là Phi đoàn tiêm kích 3 (Groupe de Chasse 3 - GC3), và được đặt tên theo tỉnh Normandie. Phù hiệu của GC3 gồm hai con sư tử vàng trên nền đỏ giống phù hiệu của tỉnh, với thêm một hình tia chớp trắng phía dưới, biểu tượng của sư đoàn Hồng quân mà họ được phối thuộc.
Sau khi mọi công tác chuẩn bị từ phía Liên Xô hoàn tất, ngày 12/11/1942, 3 chiếc máy bay vận tải DC-3 mượn từ Mỹ cất cánh, đưa phi đoàn đến Baghdad (Iraq), sau đó tới Tehran (Iran). 3 máy bay khác của Liên Xô sau đó đưa họ đến Baku (Azerbaijan). Roland de la Poype, một phi công của GC3 sau này kể lại: “Từ Syria tới đây, chúng tôi chưa chuẩn bị để đối mặt với mùa đông nước Nga. Nhiệt độ xuống - 30, 40 độ C là bình thường. Nhưng người Liên Xô tiếp đón chúng tôi khá tốt. Chúng tôi được phát đủ quần áo ấm và được thu xếp chỗ ngủ trong các buồng dành cho 3 đến 4 người, có lò sưởi. Khẩu phần ăn hàng ngày chủ yếu là cháo hạt kê với xúc xích”.
Phù hiệu của Trung đoàn Groupe de Chasse 3. |
Trung đoàn không quân biểu tượng của tình hữu nghị quốc tế
Theo thỏa thuận, phía Liên Xô sẽ cung cấp máy bay cho phi đoàn. Người Pháp có hai lựa chọn: Sử dụng máy bay do Anh, Mỹ sản xuất mà Liên Xô được nhận theo chương trình viện trợ Lend-Lease, hoặc sử dụng máy bay của người Nga. Sĩ quan chỉ huy ở căn cứ Ivanovo đưa cho họ 4 loại máy bay, bao gồm: Spitfire và Hurricane của Anh, P-39 Airacobra của Mỹ và Yak-1 của Liên Xô.
Từ 2/12/1943 đến 14/3/1943, các phi công Pháp học chuyển loại trên tiêm kích Yak-1 và phiên bản cải tiến nhẹ Yak-7. Trong biên chế Hồng quân, phi đoàn nay tương đương một trung đoàn, được phối thuộc vào Sư đoàn không quân 303, Tập đoàn quân không quân 1. Để phân biệt với máy bay của người Nga, những chiếc Yak của GC3 được sơn ba màu xanh, đỏ và trắng – màu, nổi bật lên phần mũi của trục cách quạt. Ngày 22/3/1943, GC3 đã hoàn toàn làm chủ máy bay mới và được điều ra tiền tuyến. GC3 có được chiến thắng đầu tiên vào ngày 5-4. Trong một nhiệm vụ hộ tống máy bay ném bom Liên Xô, đội hình ném bom bị đánh chặn bởi 2 chiếc Focke-Wulf 190. Bất ngờ, các máy bay Yak-1 mang cờ Pháp bổ nhào từ trên cao, diệt gọn hai chiếc tiêm kích Đức.
Phi công "Ace" Marcel Albert của Trung đoàn “Normandie-Niemen” với thành tích bắn hạ 24 máy bay Đức. |
Tháng 8/1943, GC3 tham chiến trong trận vòng cung Kursk, góp phần vào chiến thắng quyết định của Liên Xô. Trung đoàn bắn hạ 17 máy bay Đức và tổn thất 6 máy bay. Trong năm đầu tham chiến, trung đoàn hạ được 86 máy bay Đức, thiệt hại 25 máy bay. 8 trên tổng số 14 phi công thiệt mạng. Đây là thành tích rất đáng nể trong điều kiện khắc nghiệt của mặt trận. GC3 nhanh chóng trở thành tâm điểm của truyền thông Liên Xô về một đơn vị không quân Pháp xa quê hương, quyết tâm chống lại quân phát xít và chính phủ Vichy tay sai.
Biết về sự tồn tại của Trung đoàn không quân GC3, Thống chế Wilhem Keitel, tham mưu trưởng Bộ tư lệnh tối cao của quân đội phát xít Đức ra lệnh phải bắn rơi tại chỗ máy bay và xử tử mọi phi công Pháp bắt được. Cảnh sát Vichy lùng bắt các thành viên gia đình, họ hàng những phi công này. Thời điểm bấy giờ, Đức chỉ công nhận chính phủ Vichy và coi những quân nhân của “nước Pháp tự do” là không tổ quốc, không được đối xử như tù binh quân sự.
Chỉ huy trưởng Sư đoàn 303, tướng Georgy Zakharov ấn tượng với khả năng chiến đấu của người Pháp và đồng cảm với những mất mát họ phải chịu khi chiến đấu ở Nga. Ông chỉ định một biên đội 6 tiêm kích do phi công Liên Xô điều khiển về dưới quyền GC-3 như một động thái thể hiện sự tôn trọng. Nhờ những chiến tích tại Liên Xô, chính phủ Pháp tự do liên tiếp cử phi công đến bổ sung cho GC3. Tới năm 1944, quy mô trung đoàn mở rộng lên 4 biên đội. Lúc này, trung đoàn tiếp nhận các máy bay Yak-3 và Yak-9 đời mới hơn, nâng sức chiến đấu lên gấp nhiều lần.
Kể từ sau năm 1944, không quân Đức đã kiệt quệ, không còn đủ sức cạnh tranh bầu trời với quân đồng Minh. GC3 tiếp tục làm nhiệm vụ yểm trợ máy bay ném bom tấn công lãnh thổ Đức. Lần cuối cùng của trung đoàn tham chiến là trong trận tấn công Königsberg (Kaliningrad ngày nay). Trung đoàn cũng là đơn vị không quân đầu tiên của Hồng quân hạ cánh xuống lãnh thổ Đức.
Tính đến khi chiến tranh kết thúc, Trung đoàn GC3 đã bắn hạ 273 máy bay Đức, tổn thất 87 máy bay và 55 phi công. 30 phi công của đơn vị đã được phong danh hiệu “Ace” (được ghi nhận đã bắn rơi 5 máy bay địch trở lên khi làm nhiệm vụ cá nhân hoặc theo nhóm). Những phi công “Normandie-Niemen” trở về Pháp như những người anh hùng trên 40 chiếc Yak-3 mà Liên Xô tặng lại cho họ. Những chiếc tiêm kích này trở thành nòng cốt của không quân Pháp sau chiến tranh.
Trung đoàn Normandie-Niemen trở thành điểm sáng về quan hệ Xô-Pháp. Ngay cả khi xung đột giữa phương Tây với khối Warsaw lên cao trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những quân nhân, sĩ quan của trung đoàn vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với những người bạn Xô viết. Các phi công GC3 được nhận nhiều phần thưởng cao quý nhất của cả Liên Xô và Pháp, bao gồm danh hiệu Quân đoàn Danh dự Pháp, Huân chương Lenin, Huân chương Cờ Đỏ và danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn