Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One hôm 16/7 cho thấy tổ tiên loài người thời tiền sử đã có một loại “kem đánh răng” vô cùng độc đáo và hiệu quả để chống lại tình trạng sâu răng.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Autònoma de Barcelona đã lấy mẫu cao răng đã bị canxi hóa trên những bộ xương của người tiền sử ở miền trung Sudan sống cách đây 7.000 năm để nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người này đã biết ăn cỏ gấu (tên tiếng Anh là purple nutsedge) để ngăn ngừa vi khuẩn gây sâu răng phát triển.
Bà Karen Hardy, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng tổ tiên của chúng ta có thể đã nhận ra tác dụng chống sâu răng của cỏ gấu và vẫn ăn chúng thường xuyên ngay cả khi họ đã bước vào thời kỳ trồng trọt nông nghiệp. Các nghiên cứu gần đây cho thấy loài cỏ này có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn Streptococus mutans gây sâu răng.
Các bộ xương mà họ khai quật được ở miền trung Sudan có tỉ lệ vi khuẩn sâu răng thấp đến không ngờ. Bà Hardy nói: “Trong khi tổ tiên của chúng ta biết ngừa sâu răng bằng cỏ gấu, chúng ta lại không hề biết gì. Chúng tôi hy vọng các nhà sinh học có thể nghiên cứu thêm về điều này để phục vụ cho tương lai.”
Chuyên gia nghiên cứu này nói tiếp: “Rõ ràng cỏ gấu là một phát hiện rất ngạc nhiên và thú vị. Ngày nay, chúng ta chỉ dùng cỏ gấu làm thức ăn cho gia súc mà hoàn toàn quên đi rằng nó từng là một nguồn thực phẩm và thảo dược của người xưa.”
Mặc dù phát hiện này có thể không làm chúng ta quay trở lại với thói quen ăn cỏ gấu của người xưa, song nó cũng giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn rõ hơn về tổ tiên loài người thời kỳ tiền nông nghiệp.
Thay vì ăn thịt là chủ yếu như chúng ta ngày nay, tổ tiên con người thời tiền sử đã hiểu rõ và trân trọng giá trị của các loại cỏ cây, thực vật trước khi biết cách gieo trồng, gặt hái chúng.
Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp phân tích hóa học phức tạp để tìm hiểu thêm về các loại cây cỏ mà tổ tiên loài người thời kỳ tiền nông nghiệp đã sử dụng làm thực phẩm và dược phẩm.