Các nhà khoa học miền Nam Argentina đã tìm thấy hộp sọ của một loài khủng long ăn thịt cỡ lớn được mệnh danh là “kẻ gieo rắc nỗi khiếp sợ”.
Các nhà khoa học miền Nam Argentina thông báo vừa tìm thấy hộp sọ của một con khủng long Llukalkan - loài khủng long ăn thịt cỡ lớn và được mệnh danh là “Kẻ gieo rắc nỗi khiếp sợ” - vào ngày 30/3 ở Patagonia, Nam Mỹ, BBC đưa tin.
Với chiều dài 5 m, Loài khủng long này từng sống ở khu vực Nam Mỹ khoảng 85 triệu năm trước, vào thời kỳ Phấn Trắng - giai đoạn trước khi loài khủng long hoàn toàn bị xóa sổ.
Giống khủng long bạo chúa T-rex, loài khủng long Llukalkan có 2 chân và 2 cánh tay ngắn với chiều dài 5 m - kích thước trung bình so với loài khủng long T-rex khổng lồ. Loài khủng long này nặng dưới 5 tấn, nhẹ hơn so với một con voi châu Phi trưởng thành.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cổ sinh vật học có xương sống, hộp sọ lớn và sức cắn mạnh khủng khiếp biến loài khủng long Llukalkan trở thành một kẻ săn mồi đáng sợ.
Ông Federico Gianechini - một nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học quốc gia San Luis Argentina - cho biết thêm: “Thính giác cực kỳ nhạy bén giúp loài Llukalkan thành những kẻ săn mồi thực thụ”.
Gần hóa thạch của con Llukalkan, các nhà khoa học còn tìm thấy một phần hóa thạch của một con khủng long ăn thịt cỡ lớn khác - được biết đến với cái tên Viavenator - điều mà họ cho là khá bất thường.
“Những con Llukalkan thường có kích thước nhỏ hơn một chút so với khủng long Viavenator. Cả hai loài khủng long này đều ăn thịt vì thế chúng sẽ giành giật con mồi với nhau, thậm chí ăn thịt lẫn nhau”, ông Federico Gianechini nói với Reuters.
Nhiều khám phá quan trọng về loài khủng long cũng được phát hiện tại Argentina trong vài thập kỷ gần đây. Năm 2014, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của một loài khủng long với kích thước tương đương 14 con voi, loài khủng long được cho là lớn nhất từng được phát hiện đến nay.
Theo Cường Lê/Zing