Hiện tại, loài mới này chưa rơi vào tình trạng bị đe dọa, nhưng các nhà khoa học lưu ý rằng ở một số khu vực, môi trường sống của chúng bị chia cắt.
Một loài kỳ nhông mới, có tên Calotes wangi sp. nov.,vừa được chính thức bổ sung vào danh sách các loài bò sát châu Á, vốn phong phú và đa dạng. Đặc điểm của loài này đã được các nhà khoa học thuộc Đại học Y Quảng Tây, Nam Ninh, Trung Quốc công bố trong bài báo "Taxonomic review of the Calotes versicolor complex (Agamidae, Sauria, Squamata) in China, with description of a new species and subspecies" trên tạp chí truy cập mở ZooKeys .
“Từ năm 2009 đến năm 2022, chúng tôi đã tiến hành rất nhiều chuyến khảo sát thực địa ở miền Nam Trung Quốc và thu thập một số mẫu của quần thể loài Calotes versicolor”, TS. Yong Huang, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cụ thể, họ đã thu thập 323 mẫu từ tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Quảng Đông, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, tỉnh Hải Nam, Hong Kong và tỉnh Vân Nam, cũng như từ Myanmar và Việt Nam.
Về sau, dựa trên các phân tích phát sinh chủng loại phân tử và so sánh hình thái, các nhà khoa học mới nhận ra rằng một phần trong số các mẫu thu thập được mà họ cho là Calotes versicolor ở Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam thực chất là một loài mới chưa từng được mô tả, trong đó có hai phân loài.
Kỳ nhông vườn Wang (Calotes wangi) dài chưa đến 9 cm. Một trong những đặc trưng nổi bật của nó là chiếc lưỡi màu cam. Có thể phân biệt loài này với tất cả các đồng loại đã được ghi nhận thông qua những khác biệt về đặc điểm hình thái và sự khác biệt di truyền ở các gen tRNA, ND2 và CO1 của ty thể.
“Calotes wangi được tìm thấy ở các khu rừng thường xanh cận nhiệt đới và rừng nhiệt đới gió mùa ở miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam, chủ yếu ở vùng núi, đồi và đồng bằng ven rừng, đất canh tác, đất cây bụi và thậm chí cả vành đai xanh đô thị. Loài này hoạt động ở bìa rừng. Khi phát giác nguy hiểm, nó lao vào bụi rậm hoặc trèo lên thân cây để ẩn náu. Các cuộc khảo sát cho thấy chúng nằm trên cành cây nhỏ dốc vào ban đêm, ngủ sát trên cành cây”, TS. Yong Huang nói.
Loài kỳ nhông này thường hoạt động từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Ở vùng nhiệt đới, nó hoạt động từ tháng 3 đến tháng 11 hoặc thậm chí lâu hơn. Chúng ăn nhiều loại côn trùng, nhện và các động vật chân đốt khác.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu ước tính rằng loài mới này chưa rơi vào tình trạng bị đe dọa, nhưng họ lưu ý, ở một số khu vực, môi trường sống của nó bị chia cắt. “Ngoài ra, các bộ phận của chúng còn bị sử dụng làm thuốc hoặc bị ăn thịt”, nhóm nghiên cứu viết.
Đây là lý do tại sao họ đề nghị chính quyền địa phương tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái và đặc biệt chú ý đến sự biến động của quần thể loài này.
Theo Khoa học & Phát triển