Quả núi thiêng chứa đầy báu vật ở Hải Phòng và nỗi kinh sợ của những ‘kẻ cướp mộ’
Giết con gà không đẻ nhiều năm, chủ "vớ bẫm" kho báu trong bụng / Tìm nhẫn cưới bị rơi, sửng sốt phát hiện kho báu khó tin
Kỳ 5: Nỗi sợ hãi của những kẻ trộm mộ núi Rùa
‘Kẻ cướp mộ” Nguyễn Văn N. (Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) bảo: “Mười năm đào bới tớ trúng độ chục kho báu trong lòng quả núi Sỏi này. Số lượng đồ cổ thì phải tính bằng xe tải. Ấy thế mà chỉ đổi được mấy chục chậu cây cảnh, xây được ngôi nhà và đổ vào mồm là hết. Giá mà giữ được từng ấy món đồ, thì bây giờ tớ thành đại gia là cái chắc”.
Nói rồi anh N. lấy tay trái nâng cánh cánh tay phải cứng đơ, teo tóp vô tác dụng cho tôi xem. Anh bảo: “Tớ không tin lắm chuyện ma hành, thánh vật, nhưng đi xem bói thầy nào cũng bảo tớ bị người âm, mà cụ thể là người nước Sở cảnh cáo, nên mới ra nông nỗi này”.
Thực ra, trước khi gặp anh N., tôi đã nghe người dân làng Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ) kể nhiều về chuyện những người đào phá núi non truy tìm kho báu đang bị thánh thần nổi giận quở phạt. Điều lạ là những người đào bới chán chê kho báu ở núi Phượng Hoàng và núi Hổ Phục không sao, nhưng hễ động đến những kho báu ở núi Rùa cạnh đó thì y rằng gặp tai họa.
Ông Dương Văn Tớ, người sống hơn 60 năm trên quả núi Rùa này là người nắm rõ nhất những câu chuyện huyền hoặc về xâm phạm những ngôi mộ cổ cướp báu vật ở núi Rùa. Ông Thớ liệt kê cho tôi danh sách hàng loạt thủ phạm đào bới núi Rùa bị… quả báo. Người bị đen đủi gần đây nhất chính là anh N.
Chuyện là, sau khi đào bới tan nát núi Sỏi sau nhà, thì ‘kẻ cướp mộ’ Nguyễn Văn N. mò sang núi Rùa “khảo sát địa chất”.
Theo các cụ, vào những năm 40 của thế kỷ trước, quan Pháp đã bắt trai tráng trong làng Mỹ Cụ đào bới núi Rùa, đem đi không biết bao nhiêu của quý. Như vậy, việc kho báu được chôn giấu trong những ngôi mộ cổ ở núi Rùa là có thật, chỉ có điều đã bị người Pháp và người xưa lấy hết hay chưa thôi.
Ông Dương Văn Thớ hom hem, khó nhọc lê bước dắt tôi ngược lên gần đỉnh núi Rùa rồi chỉ tay xuống gốc cây sữa mà ông trồng 3 năm trước. Ông vạch bụi cỏ, chỉ cái hang nhỏ đã bị lấp lại và bảo: “Đây chính là một cái hang mà thằng N. đào. Hồi đó là năm 2008, nó lên gặp tôi xin được đào kho báu, tôi đồng ý cho nó đào. Ngày nào nó cũng đào đào, bới bới. Thi thoảng tôi ngó qua hỏi có gì không, nó chỉ cười bảo còn đang đào nên chưa biết.
Nó căng lều ở ngay miệng hang, đêm đốt nến đào không nghỉ. Điều lạ là tôi cho nó giăng điện nhờ, nhưng hễ đưa bóng điện xuống hang là bóng điện nổ. Không dùng được điện nên mới phải dùng nến. Lạ thế chứ. Nó đào được một cái hầm gạch lớn lắm, tôi đã đi xuống, có mấy gian phòng liền, đi lại trong hầm thoải mái mà không chạm đầu. Mỗi căn hầm dài cả chục mét, thông với nhau, sâu trong lòng núi. Nó bảo, hầm này bị người xưa đào lấy hết của rồi, nên nó chỉ mót lại được ít, không đáng là bao. Tôi nghĩ nó nói phét. Chắc nó trúng nhiều lắm, nhưng toàn vận chuyển đêm hôm nên không ai biết”.
Ông Thớ đang kể câu chuyện ly kỳ về kho báu rộng thênh thang gần đỉnh núi Rùa, thì anh Dương Văn Mạnh, con trai ông Thớ tìm vào kể tiếp: “Công nhận cái hầm ấy đẹp thật. Chỉ có gạch xếp lại, không cần vữa, mà chắc chắn, nguyên vẹn. Hồi đó em đã tính mua mấy chục bao ximăng trát lại các bức vách rồi biến kho báu Sở ấy thành ngôi nhà ở cho mát, nhưng ông Trần Quang Thiện (ông Thiện là con cháu họ Trần, đã mua lại quả núi này để lập đền thờ) không cho, nên thôi. Ông Thiện bắt phải lấp các cửa hầm lại, rồi bố em trồng cây sữa đánh dấu cái miệng hầm ấy.
Chuyện tay N. bị quở là có thật đấy. Đào xong kho báu này, N. lại tiếp tục đào kho báu khác. Đang đào dở dang thì bị tai nạn, đi viện cả năm không khỏi. Chắc cái tay đó phải cắt bỏ mất thôi. Mất tay rồi, đào sao được nữa. Chưa mất mạng là còn may đấy!”.
Theo lời ‘kẻ cướp mộ’ Nguyễn Văn N., núi Rùa là ngọn núi chôn giấu những kho báu khổng lồ trong các nấm mộ. Các kho báu nằm san sát nhau, dính liền với nhau và nằm không sâu lắm. Sau khi mở một đường hầm xuống kho báu xây bằng gạch, anh đục tường hầm gạch đó để mở một ngách theo chiều ngang, thì gặp ngay một hầm gạch nữa. Đào xuyên tiếp tường của hầm gạch thứ 2, thì lại gặp tiếp hầm nữa.
Nguyễn Văn N. bảo: “Tớ có cảm giác như các hầm gạch chứa kho báu Sở cứ nằm liền nhau, san sát. Có lẽ, xưa kia, người Sở đã đào núi xây dựng hàng loạt hầm để cất giữ kho báu, rồi lấp cả lại. Giờ mà gạt lớp đất của quả núi ấy ra, thì có mà thấy kho báu chồng đống, xếp hàng san sát nhau. Nhưng ông Thiện đại gia mua hết quả núi ấy rồi. Giờ kho báu ấy là của ông Thiện, chả ai xâm phạm được”.
Sau khi đào trúng 2 ngôi mộ thực rỗng ruột, tức không còn cổ vật gì, anh N. đã trúng một hầm gạch chứa vô số đồ quý, trong đó quý nhất là những lá lúa làm bằng vàng ròng. Tuy nhiên, ngày trúng kho báu này cũng là ngày định mệnh: Chiếc container đã đâm vào anh khi anh đang lái xe máy qua cống Si, ngay đầu làng Mỹ Cụ. Vụ tai nạn không cướp đi mạng sống, nhưng cánh tay phải của anh bị dập nát. Bệnh viện đã mổ vài lần, đóng đinh chi chít, tốn kém hàng trăm triệu đồng, song cánh tay đã trở nên vô dụng. Nhiều khả năng, cánh tay phải của anh sẽ bị teo, liệt.
Không những anh N., mà một số cao thủ săn kho báu ở núi Rùa cũng lâm vào cảnh bi đát với những lời đồn mang hơi hướng tâm linh.
Sau khi ‘kẻ cướp mộ’ Nguyễn Văn N. phát hiện núi Rùa có kho báu, thì anh Đào Văn K. cũng chuyển hướng đào bới từ núi Phượng Hoàng sang núi Rùa. Anh K. cũng trúng quả, kiếm được vô số đồ cổ. Thế nhưng, ngày anh trúng một hầm giữ đồ cổ, cũng là ngày bố anh qua đời ở tuổi 60. Theo ông Thớ, bố anh K. cực kỳ khỏe mạnh, vẫn làm việc đồng áng như thanh niên, thế nhưng, không hiểu sao, tự dưng lại qua đời. Gia đình thì bảo là bị cảm, nhưng người dân thì đều đồn đại do anh đào bới kho báu nên bị quở.
Một nhân vật nữa, cũng là chuyên gia đào bới kho báu sừng sỏ, trúng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, đó là anh Lê Văn B., 35 tuổi. Anh B. cũng trúng một hầm chứa báu vật ở núi Rùa, kiếm được cả thúng ngọc, những lá trầu bằng vàng, mặt nạ vàng, kiếm bọc vàng.
Mặc dù trúng nhiều hầm chứa báu vật, thu được vô số của, bán rất nhiều tiền, nhưng giờ anh này lại trắng tay. Chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng theo lời đồn của dân làng, thì anh có máu ham mê cờ bạc. Trúng được bao nhiêu báu vật, anh này bán sạch nướng vào đỏ đen.
Theo lời ông Thớ, có thời gian, sau khi trúng kho báu ở núi Rùa, anh bỗng nhiên bị mất thăng bằng, có biểu hiện bị bệnh tâm thần. Đúng lúc đó, thì bố anh B., mới 60 tuổi, cũng qua đời mà không rõ bị bệnh gì. Hiện tại, anh B. đã khỏe lại, song không dám bén mảng tới núi Rùa nữa, chứ đừng nói đến chuyện tiếp tục đào bới kho báu.
Sự việc ly kỳ nhất liên quan đến những “kẻ cướp mộ’, có lẽ là chuyện anh Trần Văn D. Anh D. sinh ra ở Mỹ Cụ, có nhà ở ngay chân núi Rùa, nhưng sống ở mảnh đất đá sỏi gan trâu cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, nên vợ chồng dắt nhau đi xã khác ở, cách đó 6km để khai hoang, xây dựng cuộc sống mới.
Tuy nhiên, cuộc sống ở vùng đất mới cũng không dễ dàng gì. Sinh ra và lớn lên ở ngay chân núi Rùa, anh D. cũng nghe nhiều về chuyện kho báu Sở, nhưng không tận mắt kho báu nào, nên anh không để ý.
Nhưng rồi, thấy thanh niên trong xóm hì hục đào bới, anh cũng thử vận may. Hai vợ chồng đã xin được đào mấy hố ở ngay mảnh vườn nhà ông Thớ và được ông đồng ý.
Vợ chồng anh D. đã dựng lều trên núi và hì hục đào suốt ngày. Đến bữa, chị vợ lại nấu nướng nhờ bếp nhà ông Thớ, rồi ăn ngủ luôn tại lều để trông nom hầm. Vợ chồng anh D. cũng được giời đất phù hộ, trúng một hầm chứa đầy cổ vật, chở đi bao lớn bao nhỏ, toàn là đồ cổ quý giá.
Trúng mộ cổ chứa kho báu, gia đình anh D. phất lên trông thấy, sắm sanh đủ thứ, sửa sang nhà cửa. Nghĩ mình thành đạt, có của ăn của để, nên muốn gia đình, họ hàng một là biết nhà mới của mình, hai là tụ họp ăn uống cho vui vẻ, nên mới bịa ra chuyện thế này: Anh mua một con lợn, rượu chè từng can xếp góc nhà, rồi bảo vợ thông báo tin buồn cho họ hàng ở Mỹ Cụ rằng anh vừa chết đột tử!
Cả họ nghe tin kéo xuống chia buồn mới ngỡ anh này còn sống sờ sờ, khỏe mạnh vâm váp, cười nói rổn rảng. Người cười vỡ bụng, người mắng xối xả vì kiểu đùa ác. Mọi người đều ăn nhậu vui vẻ, chúc mừng vợ chồng thành đạt ở vùng đất mới.
Thế nhưng, sau bữa nhậu đó, một tuần sau, anh D. đột tử, thọ 50 tuổi! Không ai biết anh chết vì nguyên nhân gì. Mọi người tin rằng, đó là do đào mộ cướp báu vật.
Theo ông Thớ, tất cả những người xâm phạm kho báu ở núi Rùa đều gặp tai họa, nên giờ đây không ai dám động đến những kho báu trong lòng núi Rùa nữa. Vì thế, những ngôi mộ cổ chứa cổ vật trong lòng núi Rùa chưa bị xâm phạm vẫn được bảo tồn.
Kỳ 1: Kho báu trong “mộ Sở” (CHI TIẾT)
Kỳ 2: Những kẻ truy lùng ‘kho báu Sở’ (CHI TIẾT)
Kỳ 3: Pháp sư kỳ lạ (CHI TIẾT)
Kỳ 4: ‘Kẻ cướp mộ’ đào rỗng núi tìm báu vật (CHI TIẾT)
Còn tiếp…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc