Quê hương gấu trúc có thể không phải ở Trung Quốc, mà là Châu Âu
Bất ngờ phát hiện các loài động vật ở đời thực là "bản sao" của loạt nhân vật trong phim hoạt hình / Loài vật "yêu hòa bình" hàng top trong thế giới động vật: Không ưa xô xát, "tỉ thí" bằng cách so kè một thứ
Nhắc tới gấu xám, người ta sẽ nghĩ ngay tới Mỹ. Gấu nâu thì nghĩ tới Nga, còn gấu trắng thì chắc chắn chỉ có ở Bắc Cực. Thế còn những con gấu trắng loang lổ đen, với đôi mắt thâm quầng và tứ chi như mặc quần tất thì sao?
Có lẽ bạn cũng đã đoán ra, những con gấu trúc chỉ có ở Trung Quốc. Gấu trúc, tên đầy đủ là gấu trúc khổng lồ (Ailuropoda melanoleuca), chúng sống trên những dãy núi ở vùng Tứ Xuyên và Thiểm Tây thuộc miền trung nước này.
Mặc dù bây giờ, gấu trúc được coi là loài đặc hữu của Trung Quốc, nhưng ít người biết trong quá khứ, những con gấu trúc cũng đã từng lang thang khắp Châu Âu và Châu Á. Bằng chứng về những loài gấu trúc họ hàng với gấu trúc khổng lồ Trung Quốc đã được tìm thấy ở Hungary, Tây Ban Nha và Bulgaria.
Một loài gấu trúc mới được tìm thấy ở Châu Âu. Chúng sống cách chúng ta khoảng 6 triệu năm.
Một số nhà khoa học còn nghi ngờ gấu trúc không phải loài bản địa của Trung Quốc. Theo đó, từ hàng triệu năm trước, những con gấu trúc Châu Âu đã đi bộ tới đây nhưng quên mất đường về.
Trải qua một biến cố khí hậu, loài gấu trúc ở Châu Âu cuối cùng đã tuyệt chủng. Những con gấu trúc ở Trung Quốc thì vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay và trở thành một biểu tượng quen thuộc.
Cho nên, khi các nhà khảo cổ tìm thấy hóa thạch gấu trúc ở Châu Âu, họ đã mô phỏng lại bằng đồ họa loài vật này dựa trên cấu trúc xương của chúng. Kết quả là những hình ảnh mà bạn đã thấy phía trên. Cũng là gấu trúc cả đấy, nhưng mà gấu trúc Châu Âu nó lạ lắm.
Những chiếc răng ở ngôi làng Bulgaria bí ẩnĐó là cuối thập niên 1970, một người nào đó khi đang làm việc ở mỏ than ở phía Tây Bắc Bulgaria đã phát hiện ra hai chiếc răng đã hóa thạch. Anh ấy đã mang những chiếc răng tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia để hỏi các nhà khoa học.
Nhận ra đây là những mẫu vật hóa thạch cổ, Ivan Nikolov, một nhà cổ sinh vật học làm việc tại bảo tàng khi đó, đã tiếp nhận những chiếc răng ấy vào bộ sưu tập của bảo tàng. Nhưng vì chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ, Nikolov không thể biết những chiếc răng đó thuộc về loài nào. Ông chỉ kịp ghi chú bên ngoài bao bì đựng mẫu một dòng chữ "Guredjia".
Những chiếc răng sau đó bị lãng quên trong bộ sưu tập của Bảo tàng Bulgaria trong hàng thập kỷ. Cho đến khi chúng tình cờ được tìm thấy bởi Nikolai Spassov, một nhà cổ sinh vật học đang làm việc đúng tại vị trí mà Nikolov đã để lại sau khi ông nghỉ hưu và mất.
Spassov thấy những chiếc răng đen kỳ lạ, nhuốm bụi than với dòng chữ ghi chú Guredjia nhưng ông không hiểu nó có nghĩa là gì. Lật tìm lại một số tài liệu về lịch sử địa lý, nhà cổ sinh vật học mới biết Guredjia là tên cũ của một ngôi làng có tên mới là Ognyanovo, nằm ở phía tây bắc Bulgaira gần dãy núi Ihtimanska Sredna Gora.
"Tôi đã mất hàng năm trời để tìm ra ngôi làng cổ Guredjia và độ tuổi của những chiếc răng hóa thạch ấy", Spassov nói. Mặc dù mới chỉ được tìm thấy cách đây nửa thập kỷ, những chiếc răng này đã thuộc về một con vật đã chết cách đây ít nhất 5-7 triệu năm, thuộc vào kỷ địa chất Messinian.
Nghi ngờ con vật đã chết ấy chính là gấu, Spassov đã đem nó so sánh với hóa thạch của những loài gấu nâu xuất hiện ở vùng này. Kết quả không như mong đợi, ông thấy hai mẫu vật không có sự trùng khớp đặc biệt.
Sự trùng khớp của mẫu răng được tìm thấy ở Guredjia với răng gấu trúc khổng lồ hiện đại.
Tuy nhiên, bất ngờ thay trong một lần tình cờ nhìn thấy những mẫu răng của gấu trúc khổng lồ Trung Quốc, Spassov chợt nhận ra sao nó giống với mẫu răng ở Guredjia đến vậy. Ông đã lật lại các hồ sơ để khẳng định đây phải là những mẫu răng của gấu trúc.
"Tôi đã mất thêm một khoảng thời gian dài nữa để nhận ra đây là mẫu hóa thạch của một con gấu trúc khổng lồ", Spassov nói. Nhưng loài gấu trúc nào mà lại có mặt ở Châu Âu, trong khoảng thời gian từ 5-7 triệu năm về trước?
Có thể quê hương gấu trúc không phải ở Trung QuốcTrên thực tế, cho tới tận thời điểm này các nhà khoa học vẫn chưa biết loài gấu trúc có nguồn gốc từ đâu. Hàng triệu năm về trước, những con gấu có màu lông loang lổ này đã đi bộ lang thang khắp Châu Á và cả Châu Âu.
Vì vậy, có một giả thuyết cho rằng những con gấu trúc đã đi từ Trung Quốc sang Châu Âu rồi nhánh Châu Âu bị tuyệt chủng. Nhưng cũng có những giả thuyết ngược lại nói rằng gấu trúc phải có nguồn gốc ở Châu Âu trước.
"Chúng tôi có một hồ sơ hóa thạch rất hoàn hảo về loài gấu trúc ở Châu Âu. Chúng đã sống ở đây từ khoảng 11,6 triệu năm về trước", David Begun, một nhà nhân chủng học tại Đại học Toronto, Canada cho biết.
"Nhưng ở Châu Á trong cùng khoảng thời gian đó thì không hề có một hồ sơ hóa thạch hoàn chỉnh nào cả. Vì vậy không thể nói gấu trúc đã xuất hiện ở Châu Á".
Mặc dù gấu trúc ngày nay là một loài đặc hữu ở Trung Quốc, các nhà cổ sinh vật cho rằng quê hương của những con gấu này có thể là ở Châu Âu.
Những con gấu trúc khổng lồ thuộc loài Ailuropoda melanoleuca ngày nay cũng có cấu trúc tiến hóa chẳng khác mấy với tổ tiên của chúng. Do đó, loài gấu trúc này còn được mệnh danh là những hóa thạch sống.
Điều này càng gây ra khó khăn trong việc truy vết nguồn gốc và quê hương của những con gấu trúc Trung Quốc này.
Năm 2012, một nhóm các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tìm ra một hóa thạch của loài gấu trúc Châu Âu cổ đại. Nó được đặt tên là Ailuropoda beatrix. Các nhà khoa học cho biết những con gấu trúc này nhỏ hơn gấu trúc khổng lồ. Chúng chỉ nặng 60 kg, trong so sánh một con gấu trúc khổng lồ ở Trung Quốc có thể dài 1,9 mét, cao 90 cm và nặng 160 kg.
Điều này có thể khiến Ailuropoda beatrix có cơ thể gần với giống gấu chó (Helarctos malayanus) hơn là gấu trúc.
Loài gấu trúc Ailuropoda beatrix cổ đại ở Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, những hóa thạch của loài gấu trúc mới được tìm thấy ở Bulgaria thì khác. Spassov cho biết kích thước răng cho thấy cơ thể chúng phải to tương đương với gấu trúc khổng lồ.
Những con gấu trúc này nhiều khả năng đã sống ở những khu đầm lầy ở Châu Âu. Răng chúng nhọn và yếu hơn răng gấu trúc Trung Quốc một chút, cho nên, Spassov đã suy đoán chúng không nhai được tre mà sẽ ăn cỏ và thực vật.
Con đường tiến hóa và di cư
Mặc dù chủ yếu ăn thực vật, cả gấu trúc Châu Âu cổ đại và gấu trúc khổng lồ hiện đại ở Trung Quốc vẫn là loài tiến hóa lên từ bộ ăn thịt. Chúng có thể vẫn có enzyme phân hủy protein trong đường ruột, do đó đôi khi những con gấu này vẫn sẽ đi săn cá hoặc tìm ăn xác thối.
"Gấu trúc đã chuyển từ một loài ăn thịt thành loài ăn thực vật trong điều kiện rừng ẩm ướt, có thể bắt nguồn từ sự cạnh tranh nguồn thức ăn của nó với các loài gấu và động vật ăn thịt khác", Spassov cho biết.
Điều này tiếp tục đặt ra những giả thuyết mới. Có thể gấu trúc khổng lồ đã tiến hóa ở Châu Âu từ những con gấu ăn thịt trước khi chúng tiến về phía đông. Đó là khoảng thời gian mà vùng Tây Nam Châu Âu trở nên ấm và ẩm ướt khiến gấu trúc bỏ đi dần về phía đó.
Các nhà khoa học cho biết họ hàng gần nhất của gấu trúc khổng lồ sống ở Trung Quốc ngày nay là một loài gấu sống cách đây khoảng 8 triệu năm. Nhưng gần đây, một số răng hóa thạch của một sinh vật giống gấu trúc đã được khai quật ở Hungary. Và loài gấu này còn sống cách đây 10 triệu năm.
Luôn có khả năng một ngày nào đó một hóa thạch cũ hơn sẽ được tìm thấy, nhưng dựa trên những niên đại này, nhiều khả năng gấu trúc là loài có nguồn gốc từ Châu Âu trước khi chúng di cư về phía đông để tới Châu Á.
Trở lại với những chiếc răng hóa thạch của loài gấu trúc mới được tìm thấy ở Bulgaria, chúng chỉ có niên đại khoảng 6 triệu năm khiến các nhà khoa học chưa thể đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Họ chỉ biết đó là một loài gấu trúc hoàn toàn mới, khác với những loài gấu trúc từng được tìm thấy trước đây ở Châu Âu, như Tây Ban Nha hay Hungary. Để kỷ niệm cố nhà sinh vật học Ivan Nikolov, người đã tiếp nhận những hóa thạch này, Spassov và các nhà khoa học ngày nay quyết định đặt tên cho loài gấu trúc mới mà họ tìm thấy là Agriarctos nikolovi.
Về sự tuyệt chủng của loài gấu này khiến chúng không còn xuất hiện ở Châu Âu ngày nay nữa, Spassov cho biết: Khoảng 6 triệu năm về trước, khi những con gấu trúc A. nikolovi này đi bộ ở Bulgaria, chúng bất ngờ phát hiện mặt đất dưới chân mình khô cạn.
Gấu trúc phải sống trong môi trường ẩm ướt nhiều thực vật.
Nhưng cuộc khủng hoảng độ mặn Messinian xảy ra ở cuối kỷ Miocen đã khiến nước biển ở Châu Âu rút tới 70m và tước đi môi trường sống đó của chúng.
Một đợt biến đổi khí hậu được gọi là Cuộc khủng hoảng độ mặn Messinian xảy ra ở cuối kỷ Miocen đã khiến nước biển rút đi tới 70 mét. Những hồ nước ngọt trên cạn vì thế cũng bốc hơi. Điều này tiếp tục dẫn tới sự tuyệt chủng của hàng loạt loài thực vật và cả các loài động vật sống phụ thuộc vào nó, trong đó có gấu trúc Agriarctos nikolovi.
"Những con gấu này phải sống trong một môi trường ẩm ướt và nhiều cây cối", Spassov nói. Nhưng cuộc khủng hoảng độ mặn đã tước đi những điều kiện sống đó của chúng. Và nó đã kéo dài tới 700.000 năm, cho đến khi khi mực nước biển ở Địa Trung Hải dâng trở lại và đem những sự sống quay về.
Có điều đáng tiếc, những con gấu trúc đã không thể chờ đợi. Mà cũng có thể, vì không thể chờ đợi mà một nhánh của chúng đã đi bộ sang Châu Á và tìm ra con đường sinh tồn mới cho giống loài của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ