Xuất thân bình dân, thấp hèn, cuộc đời nàng chịu rất nhiều đau thương bất hạnh, nhưng rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với người con gái đức hạnh.
Nàng Đậu Y Phòng người Quan Tân, Thanh Hà, nước Triệu, xuất thân bình dân, thấp hèn. Cha mẹ nàng mất sớm, nàng và anh, em trai ba người nương tựa vào nhau, cuộc sống vô cùng nghèo khổ, vất vả. Bù lại nàng vô cùng xinh đẹp. Năm Đậu Thị mười mấy tuổi đã trở thành một thiếu nữ yểu điệu thướt tha, nhan sắc kiều diễm. Nàng được tuyển và đưa đến hoàng cung Trường An làm cung nữ.
Nghe tin nàng tiến cung, ba anh em ôm nhau khóc nức nở. Nàng không muốn tiến cung vì thương đứa em trai mới được 4, 5 tuổi. Nhưng lệnh vua không thể cưỡng. Trước khi đi, nàng đứng ở trạm dịch xin được một ấm nước nóng và một bát cơm nguội. Nàng gội đầu cho em lần cuối và nhìn nó ăn hết bát cơm rồi bịn rịn, nước mắt lưng tròng lên xe rời xa. Giờ phút bước lên xe nàng đã hoàn toàn tuyệt vọng, từ nay sống chết biết bao giờ có thể gặp lại người thân. Thương đứa em chưa thể tự lo cho mình rồi sẽ sống ra sao.
Khi vào cung do hiền lành, đoan trang nên đã nhanh chóng trở thành một tiểu thị nữ được Lã Trĩ rất yêu mến và tin tưởng. Tuy cả ngày nơm nớp lo sợ hầu hạ chủ nhân, nhưng so với những ngày đói khổ thì cuộc sống giờ đây cũng như thiên đường. Nhưng điều này càng làm cho Đậu Thị vô cùng đau khổ khi nghĩ không biết anh và em trai ở ngoài sống chết ra sao trong thời buổi loạn lạc này. Không lâu sau, Lưu Bang ốm chết. Thái hậu Lã Trĩ thao túng triều chính, chia đất cho các con cái của thê thiếp Lưu Bang được phong Vương, đồng thời ban cho mỗi người 5 cung nữ.
Ngoài thái tử Lưu Doanh con thái hậu Lã Trĩ, Lưu Bang còn có 7 người con trai. Đậu Thị cũng nằm trong danh sách cung nữ ban thưởng cho các vương hầu. Nàng nghe thấy Lưu Như Ý được phong là Triệu Vương, nên nàng muốn theo Triệu vương rời xa kinh thành và cũng có thể sẽ được gần quê hương hơn, như vậy sẽ tiện nghe ngóng và hỏi thăm tin tức về người thân hơn. Nàng đã dùng hết số tiền ít ỏi mà nàng dành dụm được từ hồi vào cung đưa cho viên thái giám phụ trách việc ban thưởng cung nữ, cầu xin ông ta khai ân cho mình được đi theo Triệu Vương. Không ngờ tên thái giám đó vẫn nhận tiền mà không giúp nàng, hoặc cũng có thể do số tiền của nàng quá ít nên hắn không thèm đếm xỉa, nên đến khi sắp xếp danh sách hắn cứ theo lệ mà làm, không ngờ viết tên nàng vào danh sách theo Lưu Hằng đến Đại quốc.
Nước Đại nay thuộc khu vực Tấn Dương, Sơn Tây và rất xa nước Triệu. Ai cũng hiểu đạo lý rằng, một khi đã vào cung thì cửa sâu như biển, nàng hiểu rõ cả đời này mình sẽ chôn vùi ở Sơn Tây, kiếp này sẽ không thể biết tin tức gì về người thân của mình. Nhưng nàng không ngờ đấy chính là chuyến đi thay đổi vận mệnh cả đời mình. Có lẽ phú quý là do trời định, cuối cùng vận mệnh tốt đẹp đã đến với người con gái khổ hạnh. Sau khi đến nước Đại, nàng được Đại vương Lưu Hằng sủng ái và phong là Thân Vương phi sau đó nàng sinh được ba người con. Công chúa đầu là Lưu Phiêu, hoàng tử thứ hai là Lưu Khải (sau này là Cảnh đế) và hoàng tử út là Lưu Vũ.
Tuy đã được hưởng giàu sang phú quý tột cùng nhưng nàng vẫn không quên bản tính hiền dịu, đoan trang và sống rất tiết kiệm. Nàng luôn tỏ ra tôn kính với vương hậu Vương thị và mẹ chồng là Bạc thái hậu. Khi làm việc gì cũng luôn luôn giữ trọn lễ nghĩa. Đại vương Lưu Hằng, Bạc thái hậu và vương hậu vô cùng quý mến và thương yêu nàng. Mấy năm sau, vương hậu ốm và qua đời, việc kế lập vương hậu trở thành nhiệm vụ cấp bách. Lúc này nếu nhìn trong cung chỉ có nàng là có con trai, lại đủ đức hạnh. Thế là nàng Đậu Cơ được sắc phong Vương Hậu, bắt đầu cai quản mọi việc trong cung.
Đúng lúc đó một chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra tại kinh thành Trường An. Một cuộc mưu sát chính trị đã xảy ra, gia tộc Lã Thị bị giết hết. Con cháu của hoàng đế Lưu Doanh và tiểu hoàng đế Lưu Hoằng cũng bị giết. Hoàng vị của Đại Hán Vương triều đang bỏ trống, thừa tướng Chu Bình, thái úy Chu Bột và các đại thần sau khi bàn bạc đã chọn Đại vương Lưu Hằng làm người kế vị.
Năm 180 trước công nguyên, Lưu Hằng chính thức kế vị và trở thành Hán Hiếu Văn hoàng đế. Tháng 10 nguyên niên Hiếu Văn đế, Lưu Hằng cùng toàn bộ hoàng gia Đại quốc chuyển đến kinh thành Trường An, sau 16 năm xa cách, nàng Đậu Cơ đã lại trở về chốn cũ. Lưu Hằng đăng cơ lập tức lo việc triều chính. Nhưng không may đang lúc triều chính còn rối ren thì 4 hoàng tử do vương hậu sinh ra đã đổ bệnh lần lượt qua đời. Hoàng đế Lưu Hằng đau đớn đã than trời rằng có lẽ số mình không có phúc phận làm hoàng đế nên đã liên lụy đến vợ con, nên ông còn có ý định lập anh em chú bác làm thái tử nhằm kế vị ngai vàng.
Không biết được chính xác ý định của Lưu Hằng thế nào nhưng cũng khiến cho đám đại thần ngày đêm lo sợ. Đám đại thần đã rất nhiều lần can gián với Văn đế về việc phải lập con làm thái tử. Cuối cùng Lưu Hoằng cũng đồng ý và sắc lập con trưởng Lưu Khải của Đậu Cơ làm thái tử.
Ba tháng sau đám đại thần lại một lần nữa dâng sớ lên Văn đế xin lập Hoàng hâu. Bạc thái hậu đã nói với Lưu Hằng rằng: "Cho dù con trai con hôm nay là thái tử hay là hầu vương thì cũng đều do Đậu Cơ sinh ra, đương nhiên phải lập nàng ấy là hoàng hậu”. Đúng là vận may nối tiếp vận may, ngay đến Đậu Cơ cũng không dám tin, không ngờ nàng đã trở thành vợ của đế vương đầu tiên của Hán Đế Quốc, cũng là hoàng hậu thứ tư của Đại Hán Vương triều.
Giờ nàng tin hay không không còn quan trọng bởi nàng đã ngồi trên ngôi vị hoàng hậu, Để chúc mừng việc này và muốn cho bách gia trăm họ cùng được chung vui, Văn đế Lưu Hằng đã hạ chỉ, ban thưởng cho kẻ neo đơn, người nghèo khổ vải vóc, gạo mì và thịt, riêng những người già trên 80 tuổi và trẻ mồ côi dưới 9 tuổi mỗi người được thêm 10 đấu gạo, 10kg thịt, 5 đấu rượu, hai cuộn lụa, 3 cân (1,5kg) bông sợi. Lê dân trăm họ vô cùng cảm kích trước tấm lòng của vị tân hoàng hậu.
Cùng với niềm hạnh phúc tột cùng luôn là nỗi nhớ đau đáu về người anh và người em trai đã thất lạc rất lâu của mình. Nhưng do Bạc Thái hậu đang bận tế lễ tổ tiên Bạc thị nên nàng cũng không dám xin với hoàng thượng để tế lễ vong linh cha mẹ đã khuất và tìm hai người thân thất lạc. Sau này, vì dân chúng yêu mến nàng nên thân thế và gia cảnh của nàng đã nhanh chóng được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian, cuối cùng đã truyền đến tai một nô bộc tên là Đậu Quảng Quốc.
Đậu Quảng Quốc tự là Thiếu Quân, sau khi chia tay chị ở trại dich năm đó anh ta mới chỉ 4,5 tuổi. Do anh trai hàng ngày phải ra ngoài làm việc kiếm sống, ở nhà không có chị chăm sóc, Thiếu Quân đã bị người ta lừa bán. Cuộc đời vô cùng thăng trầm vất vả, sau khi bị bán đi bán lại 10 mấy lần, cuối cùng được bán đến một địa chủ ở Tuyên Dương Hà Nam và ở đó đến tận bây giờ. Lúc này Thiếu Quân đã 20 tuổi và bị chủ nhà đưa vào núi sâu đốt than. Cả ngày làm việc vô cùng vất vả. Một đêm tai họa ập đến, chân núi sập xuống đè lên đám công nhân than, hơn 100 mạng ngừời chết may mắn Thiếu Quân thoát chết. Ông chủ sợ nên đã đưa cả gia đình dẫn theo nô bộc trốn vào Trường An. Ở Tràng An khi biết tin về Đậu hoàng hậu linh cảm mách bảo đó chính là người chị đã không gặp gần 20 năm. Anh ta bèn bạo gan dâng thư nói mình chính là người em trai thất lạc đã lâu của Đậu Hoàng hậu. Quan lại sau khi nhận được thư không dám chậm chễ vội vàng bẩm báo với hoàng gia.
Đậu hoàng hậu hay tin vừa kinh ngạc vừa vui mừng, vội vàng cùng Văn đế cho triệu kiến Đậu Quảng Quốc. Do dung nhan của Đậu hoàng hậu không thay đổi nhiều nên khi vừa gặp mặt, Đậu Quảng Quốc liền nhận ngày ra chị, nhưng do khi nàng đi em trai còn quá nhỏ nên nàng không nhận ra. Nhưng khi vừa nghe em trai kể lại chuyện li biệt năm xưa, nghe đến bát cơm nguội và chuyện gội đầu cho em lần cuối ở trạm dịch thì Đậu hoàng hậu không kiềm chế được bật khóc nức nở. Nàng không còn để ý đên danh phận mà ôm chặt em trai vào lòng, hai chị em nước mắt như mưa làm Văn đế cũng không thể kiềm chế được, đám thị nữ và thái giám cũng quỳ xuống khóc lóc thảm thiết. Sau bao ngày đau đáu lo âu và tuyệt vọng giờ đây nàng đã gặp được người em trai tội nghiệp năm xưa.
Văn đế đã mở tiệc chúc mừng đã ban thưởng ruộng đất, nhà cửa cùng nhiều tiền bạc cho anh em Đậu Thị và cho họ sống gần Trường An. Bạc Thái Hậu cũng rất thương cảm với con dâu nên cũng lập chiếu thư truy phong cho cha nàng là An Thành Hầu, mẹ là An Thành phu nhân và xây mộ viên tại Thanh Hà, phong ấp 200 hộ, quan lại địa phương chịu trách nhiệm tế bái 4 đời như quy mô của từ đường Bạc thị. Sau bao nhiêu năm sóng gió thăng trầm, giờ đây nàng đã có thể tế bái vong linh cha mẹ và được hưởng cuộc sống hạnh phúc.
Theo Tuyết Mai/Kiến thức