Cảnh tượng những con sư tử bị nhốt, bị khai thác đến kiệt sức trong điều kiện giam cầm thiếu thốn, đói khát, chuồng trại bẩn thỉu, bị bỏ đói... là sự thật gây sốc sau những hình ảnh dễ thương tại trại nuôi nhốt sư tử ở Nam Phi.
Mới đây, bức ảnh gây sốc từ một nguồn tin giấu tên, phơi bày sự thật về những con sư tử trong một trại nuôi nhốt ở Nam Phi, chúng bị bỏ mặc đến đói lả, sống trong điều kiện nuôi nhốt bẩn thỉu khiến toàn thân bị lở loét gây ám ảnh.
Những bức ảnh đã đem đến một cái nhìn chân thực về một nền công nghiệp nuôi nhốt và phối giống hơn 12.000 cá thể sư tử tại hơn 200 trang trại ở quốc gia này.
Các trang trại nuôi sư tử ở Nam Phi được ví như trò lừa đảo.
Sư tử con được sử dụng để mua vui cho khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Ít ai biết phía sau đó là một sự thật vô cùng tàn khốc.
Hồi tháng 4, nhân viên Hiệp hội guốc gia Phòng chống ngược đãi động vật đã phát hiện 108 con sư tử, cũng như linh miêu, hổ và báo đang sinh sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ, chuồng nhỏ, không được cung cấp nước và điều kiện vệ sinh kém, đầy rẫy mầm bệnh cho sư tử.
Các trang trại nuôi sư tử ở Nam Phi này là nơi nhân giống để cung cấp sư tử con mỗi năm cho các điểm du lịch. Chính phủ Nam Phi đã phê chuẩn và hợp pháp hóa ngành công nghiệp nuôi nhốt sư tử, và đề ra một hạn ngạch cho hoạt động thương mại xương sư tử với nước ngoài, bất chấp phản đối gay gắt từ quốc tế.
Theo như thông thường, những con sư tử cần ở với mẹ trong 18 tháng đầu, và con sư tử cái phải nghỉ ít nhất 15-24 tháng giữa các đợt sinh nở. Tuy nhiên, ở đây con non bị tách khỏi mẹ ngay sau khi chúng vừa chào đời và được đưa đi "làm việc" chụp ảnh cho du khách. Sư tử mẹ cũng phải bắt đầu chu kỳ sinh nở tiếp theo ngay sau đó.
Những con sư tử bị khai thác đến kiệt sức trong điều kiện giam cầm thiếu thốn, đói khát, chuồng trại bẩn thỉu. Nhưng khủng khiếp hơn, khi chúng lớn, sư tử lại trở thành "bia đạn sống" trong những chuyến săn sư tử đầy tàn nhẫn tại khu vực có rào chắn để chúng không thể trốn thoát.
Ngày 2/5, Hiệp hội Quốc gia Phòng chống ngược đãi động vật đã đưa ra các cáo buộc đối với thành viên Hiệp hội Động vật ăn thịt Nam Phi và Ủy viên hội đồng Jan Steinman. Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế đang kêu gọi cộng đồng ký tên yêu cầu Cơ quan bảo tồn của chính phủ Nam Phi ngừng hoạt động nuôi nhốt động vật ăn thịt.
Theo kienthuc.net.vn