Ốc núi Bà Đen hay còn gọi là ốc xu núi Bà hay còn được gọi là ốc Nàng Hai, có tên khoa học là Cyclophorus saturnus, là một loài ốc cạn thuộc chi Cyclophorus sinh sống ở núi Bà Đen thuộc Tây Ninh, đây là loài đặc hữu của vùng núi Bà Đen.
Ở núi Bà Đen có hai loài ốc là ốc nhọn và ốc bằng. Ốc bằng được xem là loài đặc hữu của núi Bà Đen. Loài ốc nhọn phỏ biến hơn, ghi nhận phân bố ở Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam, huyện Định Quán (Đồng Nai), ở Tây Ninh loài ốc nhọn có số lượng rất lớn.
Ốc núi Bà Đen có hình dạng giống như ốc bươu nhưng mình dẹt, dẹp và nhỏ xoăn thành nhiều vòng (người ta gọi chúng là ốc bằng). Chúng có bề ngoài giống hình đồng xu nhỏ nhắn, tròn trịa. Ốc núi Bà Đen có trọng lượng nhẹ nhưng phần thịt rất đầy, thịt ốc giòn, có vị dai, vị ngọt thanh, có độ đạm cao và có chút hương thuốc quý. Ốc núi Bà không những ngon đặc trưng mà còn có tác dụng chữa nhức mỏi khá tốt.
Ốc núi Bà Đen có độ dinh dưỡng cao và là một phương thuốc trị bệnh dưới dạng thực phẩm chức năng. Thức ăn của loài ốc núi Bà chủ yếu là thảo dược mọc hoang trên núi như cây mã tiền, lá vong núi, lá Nàng Hai, nên ốc mang đầy vị thuốc, rất ngon và bổ dưỡng, có thể trị các bệnh như phong thấp, đau khớp, dạ dày. Thịt ốc có mùi bùn, nhưng khi thưởng thức đến lần thứ hai, thứ ba, thực khách sẽ cảm thấy bị ghiền vì độ giòn, ngon và lạ của loại ốc này.
Theo quan niệm dân gian trong vùng, ốc núi Bà được xem là con vật linh thiêng, huyền bí gắn liền với giai thoại núi Bà Đen. Người dân xung quanh núi vẫn luôn tin rằng, loài ốc bé nhỏ, có hình thù như đồng tiền có hình xoắn ốc trên lưng là lộc của núi Bà Đen cho nhân dân bớt bệnh tật, đau ốm.
Ốc núi Bà Đen chỉ sinh sống trong các hang hốc đá, rất khó phát hiện. Vào mùa mưa, ốc mới bò ra kiếm ăn và sinh sản. Buổi sáng, ốc mò ra khỏi hang đi ăn lá rừng. Thức ăn của loài ốc này là các loại rong rêu, lá những loại thảo dược mọc hoang trên núi như cây mã tiền, lá vong núi, đặc biệt là loại thuốc quý tên gọi dân gian là lá Nàng Hai.
Khi những đám mây đen buông xuống báo hiệu sắp có một cơn mưa cũng là lúc ốc mò ra kiếm ăn. Ốc thường tụ tập lại những chỗ có thức ăn, nước đọng ẩm thấp hoặc gặp nhau để giao phối. Loài ốc này chỉ sinh sản rộ vào lối tháng Giêng âm lịch.
Ốc núi Bà sinh sản chậm, kén môi trường sống, nên thường chọn những nơi có điều kiện sống tương tự nhau. Điều này giúp kẻ đi săn dễ nắm được tâm lý tìm đến nơi bắt cả ổ. Chính vì vậy, loài ốc quý hiếm này đang có nguy cơ tuyệt chủng cao do khai thác quá mức.