Khám phá

Sức sống diệu kỳ trên “mái nhà thế giới” kỳ vĩ

Dãy Himalaya với đỉnh Everest và cả trăm ngọn núi cao chót vót khác được gọi là “Mái nhà thế giới”. Sự khám phá thiên nhiên kỳ vĩ và sự sống kỳ diệu ở “Mái nhà thế giới” này đã được giới thiệu trong bài viết sau đây.

Tìm hiểu những loài động vật kỳ lạ trên dãy Himalaya / Thích thú loài khỉ dị ứng nước mưa và cá đi bộ trên dãy Himalaya

Cuộc sống trên “Mái nhà thế giới” gặp phải những thách thức đầy khắc nghiệt. Lên càng cao ánh Mặt Trời càng gay gắt, gió lạnh thổi mạnh từ mọi phía và khó thở vì không khí ít ôxy. Nhưng bất chấp những điều kiện sống như vậy, sự sống vẫn tồn tại.

Ở giữa cao nguyên vời vợi cao và mênh mông rộng xứ Tây Tạng và đồng bằng màu mỡ Ấn Độ vút cao lên dãy núi Himalaya (còn gọi là Hy-mã-lạp-sơn) kỳ vĩ bậc nhất Trái Đất. Himalaya nổi danh bởi bởi 110 đỉnh núi vươn lên bầu trời ở độ cao 7315m tính từ mực nước biển. Và cao nhất là chóp núi Everest vọt lên độ cao 8848m.

Theo dõi những kết quả điều tra của đoàn khảo sát từ chân dãy Himalaya đến đỉnh Everest, độc giả sẽ tìm thấy sự sống vẫn xuất hiện ở nhiều chỗ khác nhau, vẫn bắt gặp sự sống nếu biết tìm chúng ở nơi nào. Từ những cánh rừng rậm bị thay thế bằng những đồng cỏ đến cuối cùng là những lớp đá phủ tuyết. Sẽ còn thấy, một số loài sinh vật đã “tạo dựng” như thế nào các “ngôi nhà” của mình trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái Đất.

Thử tưởng tượng như chúng ta đang đặt từng “bước chân” bay vào “bầu trời” khi theo dõi đoàn khảo sát lần bước chân theo từng độ cao của dãy Himalaya.

Từ chân Himalaya đến cánh rừng già

Chân dãy Himalaya với voi, tê giác, hổ v.v...

Chân dãy Himalaya nằm cách bề mặt nước biển khoảng 610 mét. Đây là nơi từng có rừng rậm bao phủ nhưng nhiều cây cối đã bị đốn hạ để lấy đất làm nông trại. Những cánh rừng còn lại là nơi trú ẩn của loài voi châu Á và loài tê giác. Đây còn là môi trường sinh sống của loài gấu đen, báo đốm và hơn 340 loài chim.

Sức sống diệu kỳ trên “mái nhà thế giới” kỳ vĩ

Rất nhiều loài động vật đã cư trú ở đây bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết

Loài hổ cũng sống ở vùng chân núi ở Bhutan và vào năm 2010 người ta phát hiện ra rằng loài sinh vật này sinh sống ở độ cao hơn mọi người nghĩ rất nhiều trước đây. Nhà sinh vật học Alan Rabinowitz đã nghe những dân làng kể lại họ đã sợ hãi gặp hổ như thế nào. Sau một hành trình leo đến độ cao 4.000 mét, ông đã đặt máy quay kín.

Máy quay cũng đã ghi lại hình ảnh của rất nhiều sinh vật, trong đó có cáo đỏ, mèo rừng, khỉ, báo, gấu đen Himalaya, hươu xạ và thậm chí cả gấu trúc đỏ. Địa điểm này, vốn là một bí mật được bảo vệ cẩn mật để phòng ngừa săn trộm, là nơi duy nhất mà hổ và báo tuyết sống cùng với nhau.

Triền núi cao với voọc vàng, khỉ mũi hếch

Ở độ cao hơn, không còn những cánh rừng hay những nông trang nữa, chỉ còn những khu rừng cây quả nón bên cạnh những thác nước. Nơi đây cũng có nhiều sinh vật đa dạng như loài voọc vàng. Bộ lông dày giúp chúng đối phó lại cái lạnh. Cũng giống như nhiều loài sinh vật khác ở vùng này, vào mùa đông loài voọc vàng sống ở những thung lũng thấp và vào mùa xuân lại trèo lên những triền núi cao hơn.

Sức sống diệu kỳ trên “mái nhà thế giới” kỳ vĩ

Nhưng nơi cao nhất đã ghi được hình của một loài khỉ - khỉ mũi hếch Vân Nam. Đặc điểm của loài khỉ này là bộ lông dày, nhờ đó chúng sống được ở độ cao cao hơn bất kỳ loài linh trưởng nào khác.

 

Cánh rừng già và gấu trúc đỏ, sói…

Các cánh rừng rụng lá vào mùa đông trên những triền núi cao là nơi sinh sống lý tưởng của một trong những loài sinh vật đáng yêu nhất trong thế giới tự nhiên - loài gấu trúc đỏ.

Sức sống diệu kỳ trên “mái nhà thế giới” kỳ vĩ

Là một loài cực kỳ nhút nhát, gấu trúc đỏ tránh thú săn mồi bằng cách sống ở những cánh rừng ở độ cao từ 2.000 cho đến hơn 4.000 mét. Bàn chân được phủ lông giúp chúng giữ ấm chân và không bị trượt trên tuyết.

Chẳng giống những sinh vật núi khác vốn tránh mùa đông khắc nghiệt bằng cách di chuyển xuống núi, gấu trúc đỏ không đi đâu cả. Vì dựa vào tre làm nguồn thức ăn, nên chúng chỉ có thể sống được ở những nơi tre mọc.

 

Những con gấu trúc đỏ có thể dành đến 13 tiếng mỗi ngày để tìm kiếm và nhai tre, dù tre chủ yếu cấu tạo từ chất xơ vốn rất khó tiêu hóa trong khi ruột của chúng không thể tiêu hóa được cây cỏ. Vào mùa hè gấu đỏ cũng có thể ăn hoa quả và côn trùng và thậm chí “chén trộm” cả trứng chim, nhưng vào mùa đông chúng có thể giảm đến 15% trọng lượng cơ thể. Do tình trạng khan hiếm thức ăn và thời tiết lạnh chúng sẽ tự làm chậm lại quá trình trao đổi chất.

Sức sống diệu kỳ trên “mái nhà thế giới” kỳ vĩ

Lên cao thêm thì hết những cánh rừng mà chỉ còn những lùm bụi khô cằn. Cao hơn nữa lại gặp những loài cây cỏ có hoa. Các loài cây cỏ ở độ cao này chỉ mọc thấp nhưng mạnh mẽ và “đặc trách” nhiệm vụ tích trữ nước trước những cơn gió khô. Cùng với các cây bụi, đỗ quyên, rêu và các cây bụi thấp là những loài hoa dại như hoa anh túc màu xanh … mọc rải rác trên các đồng cỏ núi cao.

Nhờ vậy, các loài thú ăn cỏ có thể sống được trên những triền núi này vào mùa hè. Chẳng hạn, các loài dê, cừu và sói. Người của các bộ tộc chăn thả gia súc trên các sườn núi vào mùa hè đã tìm thấy các loài động vật hoang dã đó.

Từ núi đá đến núi tuyết

 

Núi đá, hang đá và cuộc sống của cá, báo, rắn…

Vượt qua những cánh rừng già và trèo cao thêm nữa, người ta chỉ còn nhìn thấy những cấu trúc đá, những núi đá, hang đá và thi thoảng những hồ đóng băng (ở vùng Kashmir).

Trên bề mặt của những hồ đóng băng vẫn có cá, chẳng hạn như loài cá trắm núi và cá hồi nâu. Những loài cá này có sự thích nghi với những dòng nước chảy xiết bằng cách có cấu tạo cơ thể hình trụ với cấu tạo cơ có sức mạnh để giúp chúng có thể vượt qua được những dòng chảy xiết trong khi một số loài cá khác thì ẩn nấp trong đá sỏ để tránh dòng chảy. Để tránh nhiệt độ gần như xuống đến 0 trong mùa đông, loài cá trắm núi di cư xuống vùng núi thấp hơn.

Và trèo thêm nữa chỉ còn cấu trúc đá gió thổi lồng lộng hoặc các chỏm núi tuyết trắng xóa. Trong môi trường khô khan và lạnh giá đó, ở độ cao từ 3.300 mét đến gần 6.000 mét so với mặt nước biển vẫn có loài báo tuyết sinh sống. Những loài này có bộ lông dày để giữ ấm trong thời tiết lạnh và bộ móng to để giúp chúng bám trên địa hình núi đá. Chúng giấu mình sau những phiến đá, khe hay vách núi cao để rình con mồi.

Ở phía bên kia của dãy núi nhấp nhô, trên vùng bình nguyên Tây Tạng có độ cao gần 5.000 mét so với mặt nước biển là nơi sinh sống của loài rắn suối nước nóng. Vốn là loài có máu lạnh nên không thể giữ nhiệt trong cơ thể, loài rắn này chịu nhiều sự đe dọa từ cái lạnh. Chúng sinh tồn bằng cách nấp mình trong những dòng suối nước nóng được tạo ra từ những hoạt động núi lửa trong lòng đất.

 

Bình nguyên Tây Tạng còn là nơi sinh sống của loài cáo cằm vuông. Chúng cư trú ở những triền đồi cằn cỗi ở độ cao từ 3.000 đến 4.000 mét. Chúng làm hang trong những góc khuất.

Núi đá, núi tuyết và con người

Điều đặc biệt là ở trên độ cao chỉ có đá và đá không có cây cỏ này vẫn có con người sinh sống. Và cũng như các loài động vật khác, con người đã học cách thích nghi với điều kiện khắc nghiệt. Nhưng cách thích nghi của họ không chỉ đơn thuần là trong lối sống mà còn trong sự tiến hóa.

Nói đến sự tiến hóa các nhà khoa học đề cập đến hiện tượng đột biến gien ở con người.

Vấn đề lớn nhất khi sinh sống ở vùng cao là áp suất khí quyển thấp. Điều này khiến cho khí ôxy khó vào phổi hơn. Con người vốn thường gặp những vấn đề về sức khỏe ở độ cao hơn 2.700 mét. Họ sẽ cảm thấy ăn mất ngon, nôn mửa, nhức đầu và khó ngủ. Nghiêm trọng hơn thì trong não và tim sẽ tích tụ dịch, phổi bị xuất huyết và tim ngừng đập.

 

Sức sống diệu kỳ trên “mái nhà thế giới” kỳ vĩ

Tuy nhiên, người Tây Tạng dường như không gặp những vấn đề này do sự đột biến gien.

Khoảng 8.000 năm trước, một gien có tên gọi là EGLN1 đã thay đổi. Giờ đây, có 88% người Tây Tạng có gien đột biến này. Sự thay đổi ở gien EGLN1 giúp cho cơ thể của con người không phản ứng quá mức trước nồng độ ôxy loãng trong không khí. Ở những người không có sự đột biến gien này, không khí loãng sẽ khiến cho các tế bào hồng cầu của họ phồng lên và dẫn đến tim ngừng đập.

Sự thích nghi của người Tây Tạng còn ở một gien khác có tên gọi là EPAS1 vốn liên quan đến phản ứng của cơ thể trước tình trạng nồng độ ôxy thấp. Các tế bào hồng cầu của con người vận chuyển ôxy bằng một phân tử có tên là haemoglobin. Khi người có gien EPAS1 bình thường di chuyển đến vùng cao, nồng độ haemoglobin của họ bị gia tăng quá mức, theo ông Ramus Nielsen ở Đại học California. Điều này khiến máu trở nên đậm đặc dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và đau tim.

Tuy nhiên, người dân Tây Tạng lại không gặp tình trạng này. Theo ông Nielsen, nồng độ haemoglobin và hồng cầu trong máu họ chỉ tăng nhẹ khi họ ở vùng cao.

 

Núi tuyết với bò Yak, ong và nhện

Ở độ cao trên 4.800 mét, vùng lãnh nguyên đá không còn nữa mà thay vào đó là núi tuyết. Không có nhiều sinh vật có thể sống nổi ở độ cao này ngoại trừ loài bò yak vốn có thể leo đến độ cao 6.100 mét.

Sức sống diệu kỳ trên “mái nhà thế giới” kỳ vĩ

Loài bò yak có hai lớp lông dày để giúp chúng giữ ấm cơ thể. Tim và phổi của chúng có kích thước lớn giúp chúng có được lượng ôxy cần thiết. Loài bò yak thích nghi với độ cao đến nỗi thông thường chúng không thể sống được ở độ cao dưới 3.300 mét và hay nhiệt độ cao hơn 15°C.

Sức sống diệu kỳ trên “mái nhà thế giới” kỳ vĩ

Hồi năm 2012, các nhà khoa học đã đọc được bản đồ gien của loài yak và nhận thấy rằng một số gien của chúng đã tiến hóa nhanh chóng kể từ khi loài này tách ra các loài gia súc khác 4,9 triệu năm trước đây. Có ba gien đột biến có liên quan đến việc điều khiển phản ứng của cơ thể trước tình trạng mất ôxy. Năm gien khác giúp loài bò yak tối ưu hóa năng lượng chúng có được từ thức ăn, nhất là trong mùa đông khi mà thức ăn khan hiếm.

 

Cơ thể to của chúng còn có một lợi thế: giúp cho chúng giữ nhiệt tốt. Nhưng cũng có những sinh vật bé nhỏ vẫn sinh tồn được ở độ cao này.

Hồi năm 2008, một loài ong đã được tìm thấy trên Núi Everest. Sống ở độ cao từ 6.000 mét trở lên, đây là loài ong sống ở độ cao nhất thế giới từng biết.

Nhện cũng sống ở nơi rất cao. Loài nhện nhảy Himalaya là loài sinh vật sống ở độ cao nhất trên thế giới với độ cao trên 7.000 mét trên Đỉnh Everest.

Thiên nhiên trên dãy núi cao Himalaya và đỉnh Everest, mái nhà của thế giới, quả là kỳ vĩ. Dù điều kiến sống ở đó vô cùng khó khăn, nhưng nhiều loài sinh vật lớn nhỏ, kể cả con người, cũng có thể thích nghi và tồn tại được. Thiên nhiên và sự sống quả là diệu kỳ.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm