Tại sao chim trời là mối đe dọa lớn với máy bay?
Cảnh chim gõ kiến "cõng" chồn siêu kỳ lạ / Nghiên cứu mới: Thú mỏ vịt mang trong mình nồi "lẩu thập cẩm" gen của chim, bò sát và động vật có vú
Chim trời là mối đe dọa rất lớn tới hoạt động của các máy bay
Theo các chuyên gia, những con chim đang bay trên trời quả thực là mối đe dọa không nhỏ đối với hoạt động của các máy bay. Các vụ va chạm giữa máy bay với chim, kể cả ngỗng trời, giữa không trung thỉnh thoảng vẫn xảy ra trên khắp thế giới, nhưng hầu hết chúng đều không gây ra hậu quả hoặc tổn hại lớn nào đối với máy bay.
Dẫu vậy, một số vụ "chim tấn công" kiểu này từng dẫn tới các tai nạn nghiêm trọng đối với máy bay thuộc đủ kích cỡ khác nhau. Thống kê của nhà chức trách Mỹ cho thấy, các vụ tấn công của chim và các động vật hoang dã khác đối với máy bay đã gây tổn thất tới hơn 600 triệu USD cho ngành hàng không dân dụng và quân sự của nước này mỗi năm.
Trong các sự cố như trên, tính mạng của phi hành đoàn và các hành khách có mặt trên máy bay cũng gặp nguy hiểm. Kể từ năm 1988, hơn 200 người trên khắp thế giới đã thiệt mạng do các cuộc va chạm với chim trời.
Tại sao các cuộc va chạm với chim trời lại nguy hiểm đến như vậy? Các chuyên gia cho biết, đó là do vận tốc tương đối của máy bay so với vận tốc của chim. Sự chênh lệch vận tốc càng lớn, lực tác động do va chạm đến máy bay càng cao. Năng lượng do một con chim cân nặng 5kg, đang bay với vận tốc khoảng 275km/h tạo ra gần tương đương mức năng lượng của một vật nặng 10kg, rơi từ trên cao xuống hết quãng đường 15 mét gây ra.
Trọng lượng của con chim cũng là yếu tố nguy cơ, nhưng sự chênh lệch vận tốc có ảnh hưởng lớn hơn. Và việc va chạm với cả đàn chim thậm chí còn nguy hiểm hơn, vì chúng có thể đồng nghĩa với nhiều cuộc tấn công cùng lúc.
Các vị trí máy bay dễ va chạm với chim
Những vị trí chính trên máy bay thường bị chim "tấn công" là khu vực động cơ, cánh máy bay và kính chắn gió buồng lái. Tuy nhiên, các nhà quản lý hàng không cũng ghi nhận một số vị trí va chạm khác, ít xảy ra hơn là phần thân hoặc đầu máy bay.
Việc va chạm ở vùng động cơ phản lực của máy bay được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng do tốc độ quay của các cánh quạt động cơ và thiết kế của động cơ. Khi một con chim tấn công một cánh quạt động cơ, cánh quạt đó có thể bị dịch chuyển đến chỗ một cánh quạt khác và cứ như vậy dẫn đến sự xô lệch, có thể gây trục trặc động cơ.
Các động cơ máy bay đặc biệt dễ bị hư hại trong quá trình cất cánh, khi động cơ đang hoạt động với vận tốc rất cao và máy bay lại ở vị trí tương đối thấp so với mặt đất, vùng bay ưa thích của các con chim.
Hấu hết các động cơ máy bay thương mại được thiết kế để chịu được lực va chạm nhất định của một con chim có trọng lượng gần 2kg mà không bị trục trặc gì. Những động cơ phản lực này chỉ được xuất xưởng sau khi trải qua được cuộc kiểm nghiệm với thiết bị chuyên dụng gọi là súng bắn gà một cách an toàn.
Song, việc đâm phải một đàn chim có thể dễ dàng khiến máy bay vượt qua giới hạn chịu lực va chạm an toàn nói trên và gặp sự cố. Trong một tình huống hy hữu hiếm gặp, xảy ra vào tháng 1/2009, chiếc máy bay mang số hiệu 1549 và hãng hàng không US Airways đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson, sau khi đâm phải một đàn ngỗng và bị hỏng động cơ. May mắn là cả 155 hành khách và thành viên phi hành đoàn đều an toàn sau sự cố nổi tiếng lịch sử ngành hàng không này.
Tuy nhiên, tai nạn thảm khốc đã xảy ra khi một máy bay tua bin phản lực chở khách của hãng hàng không Mỹ Eastern Airlines đâm phải một đàn chim sáo đá ngày 4/10/1960. Máy bay đâm đầu xuống hồ nước cạnh sân bay vì 3 trong 4 động cơ bị hỏng do va chạm, khiến 62 người thiệt mạng.
Nhìn chung, tai nạn thảm khốc do chim tấn công vùng kính chắn gió buồng lái hoặc cánh máy bay rất hiếm xảy ra với các phi cơ lớn, do các động cơ thường thường là mục tiêu tập kích lớn hơn nhiều đối với chúng.
Độ cao an toàn cho các máy bay
Các thống kê ghi nhận, đa phần các vụ va chạm với chim xảy ra trong giai đoạn máy bay cất cánh hoặc hạ cánh, ở độ cao dưới 1.000 mét, tức là tương đối gần với mắt đất, dù đôi khi vẫn có các sự cố xảy ra ở độ cao lớn hơn, thậm chí trên 10.000 mét. Song, các chuyên gia cho rằng, độ cao an toàn cho máy bay hoạt động là trên 3.000 mét do các con chim ít xuất hiện ở độ cao này hơn.
Tránh va chạm giữa máy bay và chim cách nào?
Ngoài khu vực động cơ, kính chắn gió buồng lái máy bay được thiết kế chống chịu được va chạm với một con chim nặng 1,8kg ở vận tốc cất cánh mà không bị biến dạng hoặc nứt vỡ. Các cấu trúc khác của máy bay phản lực hiện đại cũng phải chống chịu được sự va đập của một vật nặng 1,8kg, trong khi phần đuôi được thiết kế để an toàn sau va chạm với một con chim nặng tới 3,6kg.
Một trong những mục tiêu hướng tới hiện nay của các hãng chế tạo máy bay là cho ra đời các thiết kế cấu trúc phi cơ chống chịu được va chạm với một con chim có trọng lượng lớn hơn 1,8kg, để giảm thiểu tác hại càng nhiều càng tốt.
Bên cạnh nỗ lực cải tiến trên, theo các chuyên gia, để tránh nguy cơ va chạm gây hậu quả nghiêm trọng giữa máy bay và chim, chúng ta nên cách ly chúng càng xa càng tốt. Chẳng hạn như, các sân bay mới đang được xây dựng ở xa nơi tập trung đông các đàn chim hoặc có chim di cư để giảm thiểu cơ hội chúng va chạm với nhau. Nhiều phương pháp xua đuổi chim cũng được áp dụng quanh các sân bay, như sử dụng tiếng còi báo động hoặc các động vật thiên địch của chim.
Một phi công dày dạn kinh nghiệm chia sẻ thêm rằng, anh và các đồng nghiệp cũng luôn đảm bảo đèn máy bay được bật sáng đầy đủ và bay ở tốc độ cho phép con chim có cơ hội dịch chuyển ra ngoài đường bay của phi cơ nếu chẳng may di chuyển chắn lối.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?
Loại gỗ quý nhưng 'vô sinh' từng được đồn đoán chữa khỏi bệnh ung thư, cả Việt Nam chỉ còn 162 cây, đó là gỗ gì?
CLIP: Chó sói thoát chết ngoạn mục khi bị bầy chó nhà bao vây cắn xé