Tào Tháo: "Cả đời gian trá, khi chết mới lộ chân tướng"?
Vì sao Gia Cát Lượng phò Lưu Bị mà không phải Tào Tháo? / Bí mật kinh hoàng về quyết định "thất đức" nhất của Tào Tháo
Thêm “mì chính” vào món lẩu Tào Tháo
Mao Tôn Cương bình luận: “Đây là chỗ hơn người của Tào Tháo, vì ông ta bụng nghĩ thế nào thì nói ra thế ấy, không như bọn tiểu nhân nghĩ một đằng nói một nẻo”.
Trên thực tế, thiên hạ đều xử sự làm ra vẻ chính nhân quân tử, chỉ Tào Tháo dám nghĩ sao nói vậy, dù có dối trá nhưng dám công khai nói ra điều dối trá đó. Từ điểm này mà xét, Tào Tháo chí ít không thuộc hạng “ngụy quân tử” nhan nhản trong xã hội.
Mao Tôn Cương nói Tào Tháo hơn người là ở điểm này. Cha con Mao Tôn Cương vốn không ưa Tào Tháo, mà phải nói như vậy cũng đáng để ta suy ngẫm.
Một trong những đặc điểm của Tào Tháo được người đời hay nêu lên là khi thì thành thực, khi thì gian dối. Bùi Tùng Chi dẫn Tào Man truyện trong Tam quốc chí – Vũ Đế kỷ như sau: Năm 220, Tào Tháo quyết chiến với Viên Thiệu ở Quan Độ. Đang trong tình trạng hết sạch lương thực thì gặp Hứa Du. Vừa ngồi yên chỗ, Hứa Du hỏi Tào Tháo còn bao nhiêu lương thực?
Không kịp chuẩn bị, Tào Tháo thuận miệng trả lời: Chí ít cầm cự được một năm. Hứa Du nói thẳng: Không đúng. Nói lại đi. Tào Tháo nói: Còn được nửa năm. Hứa Du cười nhạt: Ông không định đánh bại Viên Thiệu hay sao? Nói thật đi xem nào!
Tào Tháo là con người thông minh, biết Hứa Du nếu không nắm được thực trạng quân lương của mình, thì cũng biết tỏng tâm trạng mình, nếu không nói thật đừng hòng được ông ta giúp. Bèn vừa cười vừa nói: Vừa nãy ta nói đùa, chính xác là còn một tháng. Hứa Du thấy Tào Tháo nói thật, bèn phân tích chiến cục và bày cho Tào Tháo đốt kho lương của Viên Thiệu ở Ô Sào. Chỉ một trận ấy, Viên Thiệu xẹp hẳn, không bao giờ ngóc đầu nổi.
Trong Tam quốc chí – Võ đế kỷ và Tào Man truyện chỉ chép có vậy. Nhưng đến Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung có ý nhấn mạnh tính chất gian manh của Tào Tháo, bèn thêm một số chi tiết chẳng khác nào thêm cả nắm mì chính vào món “lẩu Tào Tháo”: Tào Tháo nói nửa năm, Hứa Du không tin; Nói ba tháng, Hứa Du vẫn không tin; Nói một tháng, Hứa Du bèn giũ áo đứng dậy đi ra khỏi trướng. Đến khi Hứa Du nói huỵch toẹt Tào Tháo đã hết lương, Tào Tháo mới chịu thú nhận.
Như trên đã nói, tiểu thuyết có thể hư cấu, nhưng hư cấu đến mức biến Tào Thào thành kẻ trí trá đến cùng, thì không đúng với tính cách Tào Tháo.
“Di lệnh” và những tâm tư thật lòng của Tào Công
Tam quốc chí đã chứng minh Tào Tháo nhiều khi rất thực thà, không hề giấu giếm ngay cả chuyện riêng tư. Tào Tháo chỉ nói dối khi dùng binh (binh bất yếm trá). Có thể kể hai chuyện sau đây để thấy con người thực của ông ta.
Năm 220 Tào Tháo ốm nặng. Năm đó ông ta 66 tuổi – cái tuổi đã gần đất xa trời. Ông ta viết “Di lệnh” (“Di lệnh” này chép trong Tam quốc toàn văn. Quyển 3. Ngụy Võ đế). Một nhà chính trị quân sự kiệt xuất như Tào Tháo, mà trong “Di lệnh” không hề có màu sắc chính trị, lời lẽ không đao to búa lớn như các chính khách thường làm. Về công tội được mất của đời mình, Tào Tháo chi ghi mỗi câu: “Ta cầm quân nói chung là được (Ngô tại quân trung chấp pháp thị dã), ít sai lầm lớn”.
Tiếp theo, Tào Tháo dặn dò những việc rất đời thường, tỉ như “đám tì thiếp, nàng hầu và đám con hát suốt đời lao động vất vả, sau khi ta chết, cho họ ở lại đài Đồng Tước, không được ngược đãi họ” (Ngô tì thiếp dữ kỹ nhân giai cần khổ, sử trước Đồng Tước trú, thiện đãi chi).
Sau đó, Tào còn dặn “phân phát hương quí cho họ, để tránh lãng phí”, dạy họ đan giày cỏ để kiếm thêm ít tiền...
Trong Tam quốc toàn văn. Quyển 3. Ngụy Tào truyện chỉ chép Tào Tháo chết một cách bình thản, nhưng Tam quốc diễn nghĩa thì tả: “Tào Tháo dặn dò xong các việc, thở dài một tiếng, nước mắt tuôn như mưa rồi tắt thở”. Chỉ một câu này đã hạ thấp tầm vóc Tào Tháo rất nhiều, gợi cho người đời sau ra sức chê bai.
Lục Cơ (người Tấn) trong bài văn điếu Ngụy đế, chê Tháo “bịn rịn với ngoại vật, lưu luyến nơi khuê phòng”, ý chỉ con người tầm thường.
Còn Tô Đông Pha thì nói trắng ra rằng, chỉ người nào “không sợ khi lâm nạn, tươi cười trước cái chết” mới là anh hùng. Người như Tào Tháo hoảng sợ trước cái chết, lưu luyến thê thiếp, dặn dò từ việc chia hương, đan giày, thì chỉ là kẻ tầm thường. Do vậy, trong bài Khổng Bắc Hải tán, Tô Đông Pha hạ một câu: “Cả đời gian trá, khi chết mới lộ chân tướng”. Ý của Tô Đông Pha là, Tào Tháo khi còn sống làm ra vẻ anh hùng hào kiệt, thực ra là kẻ gian hùng, khi cận kề cái chết mới lộ rõ chân tướng.
Nhận định của Tô Đông Pha về Tào Tháo là quá quắt. Trung Quốc có câu “trước cái chết, khẳng khái thì dễ, ung dung mới khó”. Tào Tháo chết bệnh chứ không phải chết vì nạn nước. Tuy không vì nghĩa mà chết, nhưng chết bệnh cũng là chết. Vậy mà ông ta tỏ ra ung dung. Dặn dò hậu sự là ung dung, không quên từng việc nhỏ là ung dung. Lời lẽ không đao to búa lớn, xử sự như người dân thường là ung dung. Đó mới là bộ mặt thật của Tào Tháo. Vì rằng ông ta vốn là con người chứ không phải thánh nhân. Ở vào thân thế và địa vị của ông ta mà dám bộc lộ tính cách của kẻ “phàm phu tục tử” và không giấu giếm những điều khuất tất của bản thân. Đó là chỗ hơn người của ông ta. Vì vậy, “Di lệnh” của Tào Tháo chân thực hơn bất cứ ai.
Tô Đông Pha nói Tào Tháo “khi chết mới lộ chân tướng”, nhưng cái “chân tướng” của Tào Tháo không phải như ông ta hiểu. “Chân tướng” của Táo Tháo là tính người. Tào Tháo không phải một cỗ máy giết người, hoặc một biểu tượng chính trị. Ông ta là một con người bằng xương bằng thịt, có tư tưởng, có tình cảm. Nếu như do yêu cầu của đấu tranh chính trị, ông ta buộc phải che giấu nội tâm (bình sinh gian ngụy), thì trước khi chết, ông ta không cần giấu giếm gì nữa (bộc lộ chân tướng). Trung Quốc có câu “con chim sắp chết tiếng hót bi thương, con người sắp chết nói lời chân thành”. Sự chân thành của Tào Tháo chứng tỏ ông ta lưu luyến với đời và có nhiều tình cảm với người thân thuộc.
Nhưng tình cảm của Tào Tháo có thực như vậy không? Xin kể lại câu chuyện sau đây thì rõ.
Sự nhẫn nhịn của người tính nóng như lửa
Tào Tháo đánh đông dẹp bắc, cả đời trận mạc, ít khi được hưởng cảnh sum họp vợ chồng. Do đó ông ta rất trân trọng nghĩa phu thê. Bùi Tùng Chi dẫn Tam quốc chí. Hậu phi truyện – Ngụy lược, rằng: Trước khi nhắm mắt, Tào Tháo có nói câu: “Những chuyện ta đã làm trong đời chẳng có gì phải hối hận, ta chẳng có lỗi với ai. Duy chỉ với mẹ đẻ Tử Tu thì khi gặp nhau dưới suối vàng, ta không biết ăn nói làm sao?”.
Tử Tu chính là Tào Ngang, con trai lớn của Tào Tháo. Mẹ đẻ của Tào Ngang là Lưu phu nhân. Lưu phu nhân chết sớm, nuôi dạy Tào Ngang khôn lớn là Đinh phu nhân – chính thất của Tào Tháo.
Đinh phu nhân không có con, coi Tào Ngang như con đẻ. Về sau Tào Ngang chết trận, Đinh phu nhân khóc hết nước mắt, ngày đêm chỉ trích Tào Tháo đã giết con. Tào Tháo bực quá, liền đuổi Đinh phu nhân về nhà mẹ đẻ. Do đó mới có câu nói trên trước khi chết.
Thực ra, Tào Tháo đã cố hòa giải, nhưng Đinh phu nhân không chịu. Ông ta đích thân đi đón Đinh phu nhân. Trông thấy ông ta, Đinh phu nhân vẫn ngồi lặng bên khung cửi, không chào hỏi nửa câu. Tào Tháo bước đến sau lưng Đinh phu nhân, nói khẽ: “Ta đến đón phu nhân cùng về”. Đinh phu nhân vẫn ngồi yên, không nói gì. Tào Tháo ra về, đến cổng còn ngoái lại mời lần nữa, nhưng Đinh phu nhân vẫn cự tuyệt, đành phải chia tay.
Vốn tính nóng như lửa mà Tào Tháo chịu nhũn như vậy không phải chuyện đùa. Sau đó Tào Tháo còn cho phép Đinh phu nhân tái giá, không nên ở vậy. Đinh phu nhân không nghe, mà hai vị thân sinh Đinh phu nhân cũng không dám, mà dù có dám, cũng không ai dám lấy.
Hứa Du tự mua cái chết
Tào Tháo là con người đa tính cách. Một trong những tính cách của ông ta theo sử sách là: Trở mặt. Đó là trong trường hợp đối với Hứa Du. Hứa Du có công lớn trong trận Quan Độ hoặc trận đánh chiếm Nghiệp Thành như ta đã biết. Nhưng thực ra Hứa Du tự mua lấy cái chết. Ông ta luôn hạ nhục Tào Tháo trước mặt mọi người, thậm chí gọi cả tên cúng cơm của Tào Tháo, không kiêng nể gì: “Này, A Man! Không có tôi, ông làm sao lấy được Ký Châu?”.
Lần khác Hứa Du lại hỏi bộ hạ của Tào Tháo sau khi Tào Tháo chiếm Nghiệp Thành: “Không có ta Tào Tháo làm sao vào được cổng này?”. Tào Tháo khi yếu thế còn cười cợt coi như không, nhưng sau thì không chịu nổi nữa. Vậy là Tào Tháo giết Hứa Du. Xét cho cùng Hứa Du thì tự tìm lấy cái chết. Hai truyện trên không chép trong Tam quốc chí, mà chép trong Hậu phi truyện và Thôi Diễm truyện do Bùi Tùng Chi dẫn giải. Vậy là tuy cùng một sách, nhưng đã khắc họa hai hình tượng về Tào Tháo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
CLIP: Sóc nhỏ "chơi khăm" linh miêu và cái kết đầy bi thảm