Tào Tháo: Diệu kế của đệ nhất cao thủ
Khỉ đột mồ côi hạnh phúc khi có bạn thân / Báo đốm hoành tráng săn linh dương và cái kết... không vui
Người “mạo danh” Tào Tháo
Tháng Mười năm Hưng Bình thứ hai (195 sau công nguyên), Tào Tháo chính thức lĩnh chức Cổn Châu Mục, thế lực càng lớn. Còn Hán Hiến đế sau một năm ròng gian lao vất vả, tháng Bảy năm thứ nhất niên hiệu Kiến An, về đến Lạc Dương (196 sau công nguyên), điều kiện rước vua càng chín muồi.
Tào Tháo sai em họ – Dương vũ tướng quân Tào Hồng đi Lạc Dương, nhưng bị Vệ tướng quân Đổng Thừa và Viên Thuật cản đường như đã biết. May mà có Đổng Chiêu.
Đổng Chiêu đi gặp Dương Phụng, vì ông nhận thấy Dương Phụng thực lực mạnh nhất nhưng cội rễ lại mong manh nhất trong đám quân phiệt dữ như hùm sói bên cạnh nhà vua. Ông nảy ra sáng kiến viết hộ Tào Tháo một bức thư gửi Dương Phụng (một kiểu “mạo danh” tích cực), trước tiên bốc thơm Dương Phụng lên mây xanh, sau đó đề nghị hai bên hợp tác.Lí do: Trong thời buổi loạn lạc này, những người hiền tài phải cùng nhau liên kết lại để làm sáng tỏ vương đạo, vì công việc này một người không làm nổi (tất tu chúng hiền dĩ thanh vương quĩ, thành phi nhất nhân sở năng độc kiến). Liên kết bằng cách nào? Trong triều, tướng quân làm chủ; bên ngoài, tôi ủng hộ tướng quân. Tôi có lương thảo, tướng quân có binh lính, đủ sức hỗ trợ lẫn nhau (tướng quân đương vi nội chủ, ngô vi ngoại viện. Ngô hữu lương, tướng quân hữu binh, hữu vô tương thông, túc dĩ tương tế).
Hơn nữa, Đổng Chiêu còn thề hộ Tào Tháo: Cùng Dương Phụng sống chết có nhau. Dương Phụng gật đầu khen phải, liền tiến cử Tào Tháo lĩnh chức Trấn tây tướng quân, kế thừa tước vị của cha là Phí đình hầu. Đúng lúc Dương Phụng có mâu thuẫn với một vài nhân vật trong triều, ông ta sai người mời Tào Tháo đem quân về Lạc Dương.
Đấng chí tôn ăn ở như kẻ ăn mày
Ngày 18 tháng 8 năm Kiến An thứ hai (196 sau công nguyên) Tào Tháo vào Lạc Dương, bệ kiến Hán Hiến đế. Ông ta dâng lời thăm hỏi mà đã lâu lắm rồi nhà vua chưa được nghe, đem đến rượu thịt mà đã lâu lâu lắm nhà vua chưa được hưởng.
Tào Tháo không thể ngờ chuyện ăn ở của đấng chí tôn y như kẻ ăn mày. Nhà vua cũng không ngờ trong cảnh loạn ly mà còn có người nhớ đến vua, cung phụng vua. Vậy là thiên tử lập tức xuống chiếu, ban cho Tào Tháo phù tiết hoàng việt, đảm trách công việc của Thượng thư. Phù tiết nắm quân đội, hoàng việt nắm quyền chỉ huy cả trong triều ngoài nội; Thượng thư nắm quyền hành chính tối cao. Tào Tháo đã giành thắng lợi bước đầu.
Nói thắng lợi bước đầu, vì rằng nhà vua khi ấy bị khống chế, không có thực quyền. Mọi việc đều do kẻ khác quyết định. Nhà vua không có thực quyền, thì những quyền hành nói trên không thể thực hiện, chỉ là chuyện tầm phào. Do vậy, Tào Tháo quyết tâm thực hiện bước thứ hai: Đón vua về căn cứ địa của mình - Hứa huyện.
Triển khai bước hai cũng do công lao của Đổng Chiêu. Sau khi vào Lạc Dương, Tào Tháo đã gặp Đổng Chiêu, cảm ơn về sự giúp đỡ của ông ta, nhân thể hỏi công việc tiếp theo nên như thế nào?
Đổng Chiêu nói: Tướng quân dấy binh vì nghĩa, trừng phạt kẻ bạo loạn, vào triều kiến thiên tử, phò tá vương thất, đó là sự nghiêp của Tề Hoàn công, Tấn Văn công xưa kia. Nhưng các tướng bên cạnh nhà vua mỗi người một ý (nhân thù ý dị), chưa chắc đã phục tùng (vị tất phục tùng). Nếu ở Lạc Dương thì khó có thể phò tá hoàng thượng. Tốt nhất là rước vua về Hứa huyện - căn cứ địa của tướng quân.
Đổng Chiêu còn nói tiếp, tuy vậy, khó khăn chưa phải đã hết. Đổng Trác cướp vua đem về Trường An, dân chúng phẫn nộ, gian nan lắm mới trở về Lạc Dương, mọi người những tưởng từ nay sẽ yên. Nay dời xa giá về Hứa huyện, chưa chắc thiên hạ chịu nghe, vì đó là chuyện không bình thường (phi thường chi sự). Nhưng Đổng Chiêu lại nói, chuyện phi thường thì mới có chiến công phi thường, xin tướng quân nghĩ kỹ (phi thường chi sự, nãi hữu phi thường chi công, nguyện tướng quân toán kỳ đa giả).
Lừa Dương Phụng, đưa vua về Hứa Huyện
Lửa thử vàng, đây là một thử thách với Tào Tháo. Nhưng Tháo đồng ý ngay, nói rằng, Tháo cũng nghĩ vậy. Có điều, Dương Phụng ở rất gần, nghe nói quân đội của ông ta rất đáng gờm, chỉ sợ ông ta gây khó dễ. Đổng Chiêu nói, đừng lo, Dương Phụng là kẻ hữu dũng vô mưu, lại không có bè đảng, dễ lung lạc.
Trước tiên, tướng quân gửi thư cho ông ta, kèm theo lễ vật thật hậu, nói rằng Lạc Dương đã hết lương, phải điều từ Lỗ Dương đến. Lỗ Dương gần kề Hứa huyện. Lỗ Dương lại không xa đại bản doanh của Dương Phụng là Lương huyện. Dương Phụng sẽ không nghi ngờ, đừng lo. Táo Tháo nghe theo, quả nhiên rước được vua về Hứa huyện.
Sau khi Tào Tháo rước vua về Hứa huyện, Dương Phụng mới biết mình bị lừa. Ông ta cả tin, nghĩ rằng Tháo sẽ hợp thác thật sự như trong thư đã nói: Ông ta điều động quân đội, Tháo cung cấp lương thực, ông ta nắm triều đình, Tháo chi viện từ bên ngoài. Ông ta không biết rằng, con người như Tào Tháo đâu có chịu làm “chủ nhiệm hậu cần” cho kẻ khác? Dương Phụng càng không thể ngờ “dùng tạm lương thực Lỗ Dương” chỉ là danh nghĩa, thực chất là dời đô về Hứa huyện. Dương Phụng rất căm, đem quân đánh Tào Tháo, bị Tháo đánh cho tơi tả, phải bỏ chạy về với Viên Thuật.
Đối xử với vua: Đệ nhất cao thủ!
Về Hứa huyện, thiên tử ở tạm hành dinh của Tào Tháo. Trước khi về đây, nhà vua và các triều thần không khác kẻ ăn mày. Theo Hậu Hán thư. Hiến đế kỷ, khi về Lạc Dương, vua ở tạm trong nhà một thái giám già tên là Triệu Trung, còn các quan thì ăn bờ nằm bụi, từ Thượng thư lang trở xuống đều phải đi hái rau dại mà ăn, người chết vì đói, người bị loạn quân giết.
Sau khi về Hứa huyện, cuộc sống của cả triều đình thay đổi hoàn toàn. Tào Tháo cần cù như một quản gia và thái độ thì rất tế nhị. Hiến đế rất cảm động khi Tháo dâng rượu thịt và các thứ vật dụng, không dùng từ “dâng”, mà lại nói là “hoàn trả của công” (qui hoàn công vật).
Tháo giải thích, những thứ này là do tiên đế ban cho tổ phụ, đó là ân sủng, vì vậy lưu giữ trong nhà, không dám đem ra dùng. Nay thấy hoàng thượng sinh hoạt eo hẹp, mà thần thì không có công lao gì, trả lại những thứ vua ban mới hợp lẽ.
Đúng là cao thủ. Ta biết rằng, đã giúp thì không nên để cho người được giúp cảm thấy đó là sự bố thí, là mắc nợ nhân tình, càng không nên luôn miệng kể đã giúp người đó. Hứa Du sai lầm ở điểm này nên mới bị giết. Đương nhiên, dâng vật dụng lên vua, người ta gọi là “cung tiến” hoặc “dâng”, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, hai từ trên đồng nghĩa với “cho”, khi ấy chỉ cần nói “dâng”, “tiến” là đã đủ đẹp mặt.
Vậy mà Tào Tháo lại còn dùng từ “trả lại”. “Trả lại” và “dâng”nghĩa khác nhau. Khi nói “dâng” thì vật đem dâng là của Tháo, vua chịu ơn Tháo. Nhưng khi nói “trả lại” thì vật đó nguyên là của nhà vua, với Tháo không cần ơn huệ gì hết, vua nhận mà không ngượng, còn Tháo thì là lẽ đương nhiên. Tinh vi là ở chỗ này.
Dưới một người, trên muôn người
Sự chu đáo của Tào Tháo khiến nhà vua cảm động, coi Tháo là trung thần. Càng cảm động hơn, khi nhà vua nghĩ rằng, may mà có một trung thần, thậm chí có một cứu tinh trời cho. Từ nay nhà vua giã từ cảnh không cửa không nhà, sẽ không còn là món hàng mua bán trao tay giữa bọn quân phiệt, sẽ không sợ bị phế, bị giết bất cứ lúc nào. Nhà vua đã có một thần hộ mệnh, đó là Tào Tháo.
Vậy là thiên tử xuống chiếu, phong Tháo làm Đại tướng quân, tước Vũ Bình hầu. Vũ Bình hầu là Huyện hầu, cao hơn hai bậc so với Phí đình hầu (trên Đình hầu là Hương hầu, trên Hương hầu là Huyện hầu). Quan trọng hơn, Đại tướng quân là chức vụ có thực quyền cao nhất kể từ thời Hán Vũ đế, địa vị trên cả “tam công”, quyền lực hơn cả “tam công”. Vậy là lộ trình “phụng thiên tử”của Tháo đã đạt được vị trí “dưới một người, trên muôn người”. Nhưng như vậy ông ta đã có thể “lệnh cho chư hầu” được chưa?
Diệu kế nhường chức cho “kẻ thù”
Chưa! Vì Viên Thiệu không chịu. Sau khi được phong Đại tướng quân, có lẽ Tào Tháo tính tới sự cân bằng quyền lợi, hoặc muốn an ủi bạn cũ, bèn lấy danh nghĩa thiên tử phong Viên Thiệu chức Thái úy. Viên Thiệu nổi đóa, không nhận. Vì rằng, Thái úy tuy đứng đầu quân sự trong cả nước, là một trong “tam công”, nhưng vẫn dưới quyền Đại tướng quân.
Theo Tam quốc chí. Viên Thiệu truyện, Bùi Tùng Chi dẫn Hiến đế xuân thu, Viên Thiệu giận dữ nói với mọi người, rằng Tháo đã mấy phen suýt toi mạng, may nhờ Viên Thiệu cứu mới sống sót. Vậy mà bây giờ y lại ngồi lên đầu (nguyên văn: Đái lên đầu) Viên Thiệu. Chẳng lẽ y (chỉ Tào Tháo) còn muốn “lợi dụng thiên tử để sai khiến ta” (hiệp thiên tử dĩ lệnh ngã)?
Viên Thiệu tuy xuất thân cao quí nhưng bụng dạ hẹp hòi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ông ta thất bại. Ngược lại, Tào Tháo biết tính toán thiệt hơn, hiểu rằng lúc này không nên trở mặt với Thiệu, bèn dâng biểu xin nhường chức Đại tướng quân cho Thiệu. Viên Thiệu đẹp mặt, không quậy nữa.
Thực ra, Viên Thiệu không tại triều, nên hiệu lệnh của ông ta bất quá chỉ trong lãnh địa của ông ta, chức Đại tướng quân có cũng như không. Huống hồ chức này do Tào Tháo nhượng cho, chẳng vẻ vang mà còn bị người đời chê cười.
Làm cho Viên Thiệu tức ứa máu
Tai hại hơn, Tào Tháo chỉ cho Viên Thiệu cái vỏ là sĩ diện, mà không cho Viên Thiệu cái ruột là thực quyền. Tháo không chấp hành lệnh của Viên Thiệu.
Theo Tam quốc chí. Võ đế kỷ. Bùi Tùng Chi dẫn Ngụy thư, khi ấy Viên Thiệu yêu cầu Tháo kiếm cớ giết béng Dương Bưu và Khổng Dung, Tháo không nghe. Ông ta biết Viên Thiệu có khúc mắc với Dương Bưu và Khổng Dung, bản thân Tháo cũng không ưa gì hai người này. Nhưng Tháo biết giờ không phải lúc giết người, nhất là giết các danh sĩ. Nếu phải giết, thì là chuyện riêng của Tháo, không khiến Thiệu nhúng vào.
Vậy là Tháo phúc đáp thư Viên Thiệu, nói hiện thời tình hình nát bét, anh hùng hào kiệt nổi lên khắp nơi (thổ băng ngõa giải, hùng hào tính khởi), quân thần khanh tướng đã không đồng lòng lại không đồng đức (thử thượng hạ tương nghi chi thu dã). Lúc này là lúc lấy lòng chân thành mà đối xử chưa chắc đã được người ta tin. Chỉ giết một, hai người cũng rúng động tất cả. Xưa Cao Hoàng đế phong hầu cho Ung Xỉ - người có mâu thuẫn với nhà vua, khiến cả triều đình yên tâm, ông quên rồi sao? Đọc thư, Viên Thiệu tức ứa máu, cho rằng Tháo “miệng phật” (ngoại thác công nghĩa), “tâm xà” (nội thực li dị), lại còn lên giọng dạy đời. Lộn ruột!
Ý đồ thực sự của Tào Tháo là gì?
Tào Tháo hiểu Viên Thiệu đến tận gan ruột, cũng biết một ngày nào đó, Thiệu sẽ chống Tháo. Sự quậy phá của Viên Thiệu khiến Tháo càng thấy rõ chuyện đời không đơn giản như ta tưởng. Không nên nghĩ rằng đã nắm được vua, đã là Đại tướng quân thì nắm được thiên hạ. Không hẳn. Viên Thiệu không chịu, Viên Thuật không chịu, những tên quân phiệt nhỏ hơn như Lã Bố, Trương Tú cũng không chịu, xa lắc xa lơ như Lưu Biểu và Tôn Sách lại càng không chịu. Ngọn cờ của vua không thay được vũ khí, phải dùng nắm đấm mà thu phục thiên hạ.
Vì vậy, nếu nói rằng, sau khi về Hứa huyện, Tào Tháo hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu (lợi dụng thiên tử để ra lệnh cho chư hầu phải phục tùng Tào Tháo) là không đúng. Tháo không làm vậy. Theo lời khuyên của Mao Giới, Tháo chủ trương Phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần (phụng sự nhà vua, yêu cầu các địa phương phải phục tùng trung ương).
Nếu nói Hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu là yêu cầu các chư hầu phục tùng Tào Tháo. Hai câu nói trên khác nhau về bản chất. Phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần là cương lĩnh chính trị nhằm mục tiêu thống nhất đất nước; còn hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu là sách lược chính trị, nhằm mục tiêu tham vọng cá nhân mà người ta gán cho Tào Tháo. Bản thân Tháo chưa bao giờ tuyên bố câu này.
Vậy thì, ý đồ thực sự của Tào Tháo là gì, phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần hay hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu?
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá Việt Nam suýt bị tuyệt chủng, giờ hồi sinh kỳ diệu, là món đặc sản trị giá hàng triệu đồng
Có 1 món loại pháp thuật Bồ Đề Tổ Sư không truyền cho Tôn Ngộ Không, ngẫm lại thấy quá đúng đắn
Đây chính là vũ khí mạnh nhất Tây Du Ký: Tôn Ngộ Không phải đi cầu cứu, Phật Tổ Như Lai cũng bị đả thương
Xem Tây Du Ký hàng chục năm chưa chắc trả lời được câu hỏi 'Tôn Ngộ Không có phải yêu quái không?'
7 cái tên của Tôn Ngộ Không ngay cả fan 38 năm cũng nhiều người không thể liệt kê hết
Tây Du Ký 1986: Trước khi trở thành huynh đệ, Trư Bát Giới từng 'ghi thù' Tôn Ngộ Không 1 chuyện suốt hơn 500 năm