Tào Tháo: “Thằng ranh này muốn đưa mình lên thớt đây”
Báo đốm hoành tráng săn linh dương và cái kết... không vui / Cận cảnh "thủy quái" khổng lồ sông Mekong cực hiếm
Viên Thuật - Viên Thiệu: Ngu như nhau
Em trai Viên Thiệu là Viên Thuật cũng không tán thành việc thay vua của Thiệu. Nguyên do: Viên Thuật căm ghét anh trai. Có lẽ Viên Thiệu và Viên Thuật là anh em họ, cũng có thể là anh em ruột, đều là con của Viên Phùng. Viên Thiệu lớn tuổi hơn, là anh nhưng là ngành thứ. Viên Thuật ít tuổi hơn, nhưng là ngành đích (ngành trưởng). Viên Thiệu và Viên Thuật là anh em ruột hay anh em họ thì chưa có ai làm rõ. Nhưng Viên Thiệu ngành thứ, Viên Thuật ngành đích thì đã được khẳng định. Ngành đích là con vợ cả (chính thất), ngành thứ là con vợ lẽ (thiếp).
Tuy cùng là con, nhưng đích và thứ có phân biệt. Nói chung, con đích được coi là chính thống, địa vị và hưởng thụ cao hơn con thứ, thậm chí được coi khác nhau cả về tố chất. Về điểm này, trong “Hồng lâu mộng” cũng thấy rõ. Giả Bảo Ngọc là con vợ cả, cao quí. Giả Hoàn là con vợ lẽ, hèn mọn tuy đều là con Giả Chính.Cách nhìn nhận trên không có cơ sở. Thực tế là, Viên Thiệu là con vợ lẽ, thậm chí có thể là con nàng hầu sinh ra, nhưng tố chất hơn hẳn Viên Thuật, uy tín trong chính giới cũng cao hơn, quan hệ xã hội cũng rộng hơn Viên Thuật. Vì vậy Viên Thuật căm thù Viên Thiệu đến tận xương tủy, quyết tâm chống đối Thiệu đến cùng.
Khi ấy có nhiều người ủng hộ Thiệu. Hậu Hán thư. Viên Thuật truyện chép, hào kiệt đều ủng hộ Thịệu (hào kiệt đa phò Thiệu). Thuật chửi: “Bọn nhãi ranh, sao không giúp ta, lại đi theo tên gia nô nhà họ Viên?” (quân thụ bất ngô tòng, nhi tòng ngô gia nô tài?). Thuật còn gửi thư cho Công Tôn Toản, nói Thiệu không phải dòng giống nhà họ Viên (vân Thiệu phi Viên thị tử). Chuyện này không những khiến Thiệu vô cùng tức giận, mà ảnh hưởng rất xấu, gieo mầm cho thất bại của hai anh em Viên Thiệu sau này.
Thực ra Viên Thuật chẳng khác gì Viên Thiệu, kẻ tám lạng người nửa cân. Họ có đặc điểm chung xuất thân cao quí, ngạo đời nhưng ngu khổ ngu sở, còn ngổ ngáo thì không ai kém ai, xuẩn ngốc cũng chẳng ai thua ai. Sự ngổ ngáo của hai anh em nhà này tỉ lệ thuận với dốt nát.
Trưng cầu dân ý” không thuận, vẫn ôm mộng ngai vàngNhận được thư của Viên Thiệu muốn lập vua khác, Viên Thuật cười khẩy: “Thằng cha con vợ lẽ đúng là đồ mạt rệp! Lập vua khác? Sao không tự lập làm vua? Họ Viên đã bốn đời Tam công, bây giờ nhà ngươi có công phò giá, cùng lắm là năm đời Tam công chứ gì!”.
Viên Thuật nói vậy còn được. Hậu Hán thư. Viên Thuật truyện chép, “Thuật lấy cớ vì nghĩa mà không tán thành”(thác dĩ công nghĩa bất khẩn đồng). Tam quốc chí. Viên Thuật truyện. Bùi Tùng Chi chú, dẫn Ngô thư, nói cụ thể hơn: (Thuật) chăm chăm diệt Đổng Trác, không bàn chuyện khác (chí tại diệt Trác, bất thức kỳ tha). Thực ra, Thuật đâu muốn đem quân đánh Đổng Trác. Thuật có ý khác: Tự lập làm vua.
Hành động đầu tiên của Thuật: Lên ngôi vua
Viên Thuật vẫn ôm giấc mộng làm vua. Lôgic của Thuật là: 1) Nhà Hán đã rệu rã, họ Lưu đã như nắng chiều, thế tất người khác sẽ thay thế. 2) Họ Viên có đủ tư cách thay thế họ Lưu vì đã bốn đời Tam công, thiên hạ miễn dị nghị. 3) Người có tư cách nhất trong họ Viên là Viên Thuật, vì Thuật là dòng đích. Viên Thiệu là dòng thứ. Làm gì có chuyện con vợ lẽ lên ngôi hoàng đế? Tuy nhiên, Thiệu có thế lực, quan hệ rộng không được coi thường. Phải tìm cách triệt Thiệu.
Tính toán của Viên Thuật không phải không có cơ sở. Trong tay Thuật có truyền quốc ngọc tỉ. Ngọc tỉ này bị thất lạc trong cuộc nổi loạn của bọn thái giám Trương Nhượng (năm Trung Bình thứ sáu đời Linh đế - 189 sau công nguyên), sau lọt vào tay Tôn Kiên, rồi bị Viên Thuật cướp từ tay Tôn phu nhân (vợ Tôn Kiên). Chuyện này chép trong Hậu Hán thư. Viên Thuật truyện. “Súng lục giắt lưng, chuột nảy ra ý định tấn công mèo”. Có ngọc tỉ trong tay, lại tin vào những lời sấm truyền, Thuật tin chắc ngôi báu sẽ về tay mình. Và không chờ đợi được lâu, năm Kiến An thứ hai đời Hiến đế (197 sau công nguyên), Thuật chính thức xưng Đế.
Viên Thuật xưng Đế, bị thiên hạ phản đối rầm rầm. Người có quan hệ tốt nhất với Thuật là Tôn Sách cũng từ Giang đông gửi thư cho Thuật, tỏ ý không tán thành và tuyệt giao. Bị cô lập, Viên Thuật cho người đi gặp Lã Bố, hẹn kết làm thông gia. Lã Bố bắt giam sứ giả của Thuật giải về Hứa huyện (lúc này Tào Tháo đã rời đô về đây) Viên Thuật cả giận, đem quân đi dánh Lã Bố, bị Lã Bố đánh tan tác. Lúc này Thuật đã bị mọi người ruồng bỏ, tình cảnh rất quẫn bách.
Thực ra, trước khi xưng Đế, Viên Thuật đã từng trưng cầu ý kiến. Đó là năm thứ hai Hưng Bình đời Hiến đế (195 sau công nguyên), Thuật triệu tập quân gia, nói rằng, ta thuận theo ý trời và lòng người (ứng thiên thuận dân) lên ngôi báu, ý các vị thế nào? Bộ hạ của Thiệu là Diêm Tượng nói: “Ngày xưa, Chu Văn vương đã có 2/3 thiên hạ (tam phân thiên hạ hữu kỳ nhị), mới thần phục được nhà Ân. Nay minh công không bằng Chu Văn vương, vua nhà Hán lại không như Trụ vương, thay sao được?”.
Viên Thuật không bỏ cuộc, đi hỏi Trương Phạm. Trương Phạm cáo bệnh, sai em trai là Trương Thừa ra tiếp. Trương Thừa trả lời: ”Lấy được thiên hạ là ở đức chứ không cậy đông (tại đức bất tại chúng)”. Được mọi người tin theo, thiên hạ ủng hộ, thì một anh vô danh cũng dựng nên nghiệp Bá. Có nghĩa là, trở thành hoàng đế không liên quan gì đến thế gia vọng tộc. Tiếc rằng những lời ngay thẳng không lọt tai Viên Thuật. Ông ta chết vì tham.
Vậy là Tào Tháo xuất chiêu.
Chết thảm vì dâm dật, xa xỉ và... não bé
Từ năm Kiến An thứ hai (197 sau công nguyên), Tào Tháo hành xử đã khác mọi người. Trước đó một năm, ông ta đã rước vua về căn cứ địa của mình là Hứa huyện, có thể “ dựa vào thiên tử để sai khiến chư hầu”(phụng thiên tử dĩ lệnh chư hầu) , trở thành người quản gia triều đình nhà Hán. Ông ta kiên trì chủ trương đất nước thống nhất, chống chia rẽ, không chấp nhận hành động của Thuật. Và ông ta ra tay đánh Thuật.
Theo Hậu Hán thư.Viên Thuật truyện, Viên Thuật nghe tin sợ mất mật (Thuật văn đại hãi), bỏ chạy. Lương thực bị “Thừa tướng” của Thuật là Thư Trọng Ứng đem chia hết cho dân. Thuật hỏi sao lại làm vậy? Thư Trọng Ứng trả lời: “Chúng ta đã cùng đường mạt lộ rồi, sao không lấy cái tính mạng của tôi đánh đổi lấy tính mạng của dân chúng?”. Thuật cười buồn, nói: “Các hạ chiếm lấy tiếng thơm một mình, không cho ta cùng hưởng sao?”. Xem ra, Thuật đã biết mình đi sai nước cờ, bị mọi người ghét bỏ, khó mà tồn tại.
Tuy vậy, Thuật còn cầm cự được hai năm. Mùa hè năm Kiến An thứ tư (199 sau công nguyên), Thuật thấy mình đã cùng đường, bèn quyết định nhường ngọc tỉ cho Viên Thiệu, dù sao thì Thiệu cũng họ Viên. Chuyện này rất trúng ý Viên Thiệu, vì ông ta cũng rất muốn làm vua.
Theo Tam quốc chí.Viên Thiệu truyện. Bùi Tùng Chi chú, dẫn Điển lược, năm Kiến An thứ nhất (196 sau công nguyên), Viên Thiệu đánh bại Công Tôn Toản ở Dịch Kinh (nay là huyện Hùng, tỉnh Hà Bắc), thế lực tăng đáng kể. Tham vọng của Thiệu càng lớn, cống nạp đã ít, mà còn vô lễ đối với thiên tử (cống ngự hi mạn). Hơn nữa, còn ngầm sai Cảnh Bao – một tên chủ bạ dâng thư cho Thiệu, nói rằng “xích đức đã hết, hoàng thiên lên thay, nên thuận ý trời”, xích đức, chỉ nhà Hán của họ Lưu; “hoàng thiên”, chỉ họ Viên. Thiệu đưa thư của Cảnh Bao cho mọi người xem, không ngờ dư luận ầm ĩ, lên án Cảnh Bao phản nghịch. Viên Thiệu không còn cách nào khác, đành bấm bụng giết Cảnh Bao để tự cứu. Nhưng dã tâm vẫn còn. Khi Viên Thuật nhường đế hiệu, Thiệu như mở cờ trong bụng.
Mặc dù mới nghĩ đến việc nhường đế hiệu, nhưng Viên Thuật vẫn không được như nguyện, vì Táo Tháo đã sai Lưu Bị đón đánh Thuật ở Hạ Bì (nay là huyện Tiêu Ninh, tỉnh Giang Tô). Viên Thuật đành trở lại Hoài Nam. Về tới Giang Đình cách Thọ Xuân (nay là huyện Thọ, tỉnh An Huy) tám mươi dặm, Thuật ốm nặng. Vậy là Thuật làm vua - mà lại là vua rởm, không được ai công nhận, vẻn vẹn ba năm.
Nghe nói Thuật chết rất thảm. Tam quốc chí. Viên Thuật truyện - Bùi Tùng Chi chú, dẫn Ngô thư, Thuật hết sạch lương thực, hỏi nhà bếp thì chỉ còn ba đấu cám lúa mạch. Nhà bếp nấu cám đem lên, Thuật không sao nuốt nổi. Lúc này đang giữa tháng sáu, nắng gay gắt, nóng chảy mỡ. Thuật muốn uống mật ong cũng không còn. Thuật ngồi trên giường thở vắn than dài hồi lâu rồi kêu lên thảm thiêt: Sao ta lại đến nông nỗi này? Rồi ngã xuống đất, thổ ra một đấu huyết mà chết.
Viên Thuật chết cũng đáng. Khi một chút mật ong cũng không có, không hiểu ông ta có nghĩ đến cuộc sống xa hoa dâm dật trước kia và hành vi bạo ngược đối với dân chúng? Tam quốc chí chép, khi mới khởi binh, Thuật xa hoa phung phí, dân tình cực khổ vì sưu cao thuế nặng. (xa dâm tứ dục, chinh liếm vô độ, bách tính khổ chi). Sau khi xưng Đế lại càng hoang dâm, hậu cung hàng trăm người, thịt rượu thừa mứa, Thuật ngày nào cũng sơn hào hải vị, trong khi sĩ tốt đói meo, dân Giang Hoài ăn thịt lẫn nhau. Não bé, lại tàn ác, Thuật không đổ mới là chuyện lạ.
Đến chết chưa nhận ra đối thủ thực sự
Đương nhiên thất bại của Thuật không hoàn toàn do ông ta gây nên. Thuật cũng có một số ưu điểm, và cũng có bản lĩnh. Hậu Hán thư nói ông ta thuở nhỏ nổi tiếng nghĩa hiệp (Thiếu dĩ hiệp khí văn). Tam quốc chí nói ông ta được bầu là Hiếu liêm, dưới thời Đổng Trác làm tới chức Hậu tướng quân. Đâu phải đồ bị thịt? Tối măt vì địa vị chí tôn và những đặc quyền đặc lợi của ngôi vua, Thuật là vật hi sinh của chế độ hoàng quyền!
Như vậy là đã rõ. Từ góc độ chính trị mà xét, cái ngu của Viên Thuật là trong khi có những người rất muốn làm vua mà không dám làm, Thuật vội vã trở thành kẻ đầu têu. Trong tình hình quần hùng cát cứ, thế lực tương đương, anh nào nổi lên, liền trở thành cái đích cho thiên hạ chĩa vào. Bọn Viên Thiệu tuy rất muốn nhưng đành phải nhịn. Tào Tháo lại càng hiểu điều này. Khi Tôn Quyền đề nghị ông ta xưng Đế, ông ta biết tỏng thâm ý của Tôn Quyền, nói luôn: Thằng ranh này muốn đưa mình lên thớt đây! Nhưng Viên Thuật lại không hiểu. Ông ta tưởng mình chiếm trước ngôi báu là ở vào thế thượng phong, kẻ khác hết nhòm ngó, mà không hiểu ngôi báu không phải thương hiệu, đăng ký trước là chơi với lửa.
Viên Thuật chết, Viên Thiệu cũng phải chết. Diệt Viên Thiệu vẫn là Tào Tháo. Viên Thiệu ,Viên Thuật chết vì trước sau không nhận ra ai mới là đối thủ thực sự. Trong khi anh em họ Viên mải thanh toán lẫn nhau, thì một ngôi sao sáng rực xuất hiện trên sân khấu chính trị và trên chiến trường, liên tiếp đánh bại hai kẻ tự cao tự đại. Đó là Tào Tháo, người mà anh em họ Viên không thèm để mắt tới, thực ra là một cao thủ về chính trị, là người giành thắng lợi lớn nhất trong cuộc đấu tranh chính trị từ trận Xích Bích (208 sau công nguyên) trở về trước. Bởi vì Tào Tháo hơn họ về đầu óc chính trị, biết phải đối xử với hoàng đế như thế nào, phải làm gì để không thất bại.
Đổng Trác phế vua lập vua, Viên Thiệu lập vua khác, Viên Thuật tự lập làm vua.
Tào Tháo thì sao?
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quái vật Bigfoot hiện nguyên hình giữa màn đêm, ảnh cận cảnh khiến netizen thế giới sửng sốt?
Điều gì sẽ xảy ra nếu phi hành gia đi tè trên mặt trăng? Hậu quả vô cùng kinh khủng
Bạn có biết loại cây duy nhất này chỉ Việt Nam mới có, chưa từng xuất hiện trên thế giới
Quốc gia dự trữ vàng nhiều nhất thế giới: Gấp 4 lần Trung Quốc, 3 nước châu Âu cộng lại cũng không bằng
Ngư dân nhặt được rùa vàng nhỏ liền đổi lấy 1 triệu đồng, khóc ròng khi biết giá trị thật lên đến 660 tỷ
Việt Nam có một loài cá 'quý như vàng', xếp vào hàng những loại cá đắt đỏ nhất thế giới, có bộ phận bán giá gần 2 tỷ